(CLO) Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều 14/6, vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ KCB BHYT là vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm, chia sẻ trước những lo ngại về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT đang ngày một gia tăng. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng tham gia giải trình rõ những vấn đề liên quan đến quản lý và sử dùng quỹ KCB BHYT.
Dẫn chứng thực tế về tình hình sử dụng quỹ KCB BHYT hiện nay, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc - ông Dương Tuấn Đức cho biết: Tính đến hết tháng 5, từ thống kê trên hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy, tổng chi KCB BHYT đã lên tới 32.700 tỷ đồng, trong đó có rất nhiều chi phí bất hợp lý. Đơn cử như việc, nhiều cơ sở y tế đã lợi dụng quy định của Bộ Y tế để chia nhỏ các dịch vụ y tế nhằm thanh toán trùng lắp nhiều quy trình kỹ thuật; chưa kể, một số dịch vụ y tế còn được xây dựng với mức giá cao hơn giá thực tế… Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Dù ngành Y tế đã nâng chất lượng KCB lên nhiều, song đối tượng phục vụ quá lớn (77 triệu người tham gia BHYT, hơn 150 triệu lượt người KCB ở gần 14.000 cơ sở y tế), nên tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT gần đây đã diễn ra phổ biến. Việc nâng giá dịch vụ y tế, thay đổi cơ chế bằng cách không cấp phát kinh phí cho cơ sở y tế, mà dành tiền đó mua BHYT và các BV thực hiện KCB qua BHYT là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, do nhiều BV chưa đáp ứng được yêu cầu, nên mới có những cách lạm dụng như kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân... [caption id="attachment_168116" align="aligncenter" width="600"]

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, nhiều BV tìm cách "lách luật" kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân... để trục lợ bảo hiểm y tế. (Ảnh: Bảo hiểm xã hội)[/caption] “Mổ phaco quy trình chỉ 2 ngày, nhưng có BV chỉ định lên đến 7,1- 7.5 ngày là điều rất vô lý. Giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết 100% công suất, nhưng có tỉnh báo lên để thanh toán từ 200% đến 300% công suất. Đây rõ ràng là điều không bình thường", bà Minh nhấn mạnh.
Theo bà Minh, Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua và có hiệu lực năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội. Quyền lợi được hưởng BHYT so với mức đóng là cao. Khi Luật BHYT được ban hành, tất cả người nghèo, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, đối tượng ưu tiên… tiếp cận với dịch vụ y tế rất tốt. Mỗi năm có khoảng 150 triệu lượt người khám chữa bệnh theo BHYT. Hiện nay độ bao phủ BHYT là 77 triệu người, chiếm khoảng 83% dân số. Nếu theo tinh thần Nghị quyết 21, sau năm 2020 chúng ta mới đạt 80%, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao bằng nhiều giải pháp tích cực như: nâng giá dịch vụ y tế, giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các địa phương và nhiều giải pháp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để sử dụng quỹ này có hiệu quả. Bình quân mức thu chỉ chưa đến 30 USD/người, tổng quỹ hiện nay huy động 1 năm được trên 70.000 tỷ đồng. Có thể nói, ngành y tế đã đáp ứng, chất lượng khám chữa bệnh nâng lên rất nhiều, tinh thần thái độ tốt lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đối tượng phục vụ lớn (150 triệu lượt người) rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên như các đại biểu phản ánh, tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế giai đoạn gần đây diễn ra phổ biến. Trước tình hình đó, tổng quỹ BHYT được phép sử dụng trong năm 2017 chỉ là 73.000 tỷ đồng, nhưng theo số liệu dự báo, báo cáo thu chi quý I/2017 do các cơ sở báo lên, năm nay dự kiến sẽ chi khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với con số được phép chi. “Yếu tố khách quan do tăng lương, tăng giá dịch vụ, tăng tiền giường…khoảng 30%; 10% là yếu tố không bình thường; 10% tương đương với 7.000 tỷ. Nếu làm tốt vấn đề này thì Quỹ BHYT sẽ được cân đối hơn mà không phải bội chi", bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ. Tổng Giám đốc BHXH cho rằng, nếu tình trạng bội chi do xuất phát từ nhu cầu thực tế về KCB của người dân tăng thì cơ quan BHXH chắc chắn sẽ không hạn chế quyền lợi KCB BHYT chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT cả từ phía cơ sở y tế và người sử dụng thẻ BHYT thì BHXH các địa phương cần phải tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra và đặc biệt chủ động trong việc tham mưu, báo cáo HĐND, UBND tỉnh, thành phố cũng như các Đoàn đại biểu Quốc hội để vào cuộc, cùng giám sát và quản lý cân đối quỹ KCB BHYT hiệu quả, an toàn ngay tại địa bàn mình quản lý, tránh để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT loang rộng, khó kiểm soát. Bà Minh cũng yêu cầu Trung tâm CNTT tập trung hoàn thiện các phần mềm, đảm bảo đến ngày 20/6 phải chạy thống nhất toàn quốc phần mềm TST đảm bảo đáp ứng quy trình quản lý mới của Ngành; tiến tới cấp mã số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT trong tháng 7, đảm bảo mỗi người chỉ có một mã số định danh duy nhất đúng; công tác tuyên truyền cần tiếp tục tăng cường theo hướng trọng tâm, trọng điểm; Viện Khoa học BHXH cần tập trung đẩy mạnh các mảng đề tài khoa học hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai quản lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Bảo Quyên (T/h)