(CLO) Cựu Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tràng An (TAS) Lê Hồ Khôi và đồng phạm bị truy tố vì hành vi lập khống hợp đồng để vay vốn và chiếm đoạt số tiền 205 tỷ đồng của các ngân hàng bằng hình thức ủy thác đầu tư. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vai trò đồng phạm và tội danh của các bị caó.
Thay đổi tội danh
Ngày 11/5/2016, TAND Tp. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 bị cáo bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Lê Hồ Khôi (nguyên tổng giám đốc), Trịnh Văn Toàn (SN 1969, cựu phó tổng giám đốc), Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1978, kế toán trưởng), Lê Quang Hưng (SN 1980, kế toán) và Nguyễn Trí Dũng (SN 1982, cựu phó giám đốc). Sau một ngày xét xử, Tòa đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để xem xét lại vai trò đồng phạm và tội danh của một số bị cáo.
Theo cáo trạng, TAS do ông Lê Hồ Khôi (SN 1961, ở khu đô thị Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) làm Tổng giám đốc. Năm 2012, Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (HBB, nay đã sáp nhập vào SHB) tố cáo TAS thông qua hình thức ủy thác đầu tư để vay vốn, chiếm đoạt tổng số tiền 205 tỷ đồng.
[caption id="attachment_137201" align="aligncenter" width="500"]
Một phiên gia dịch chứng khoán - Ảnh minh họa[/caption]
Cụ thể, năm 2010, Lê Hồ Khôi ký hợp đồng hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh với EVN-Finance. TAS sẽ giới thiệu khách hàng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ cung cấp.
Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, Nguyễn Ngọc Lan (Kế toán trưởng) cung cấp tên tuổi, thông tin liên quan của 11 khách hàng (người thân và bạn bè) mở tài khoản chứng khoán tại TAS, lập hồ sơ theo mẫu do EVN-Finance cung cấp. Lan và Nguyễn Trí Dũng (Phó giám đốc), Lê Quang Hưng (kế toán) ký trực tiếp vào tài liệu trong hồ sơ.
Để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, Lan tự tạo mã và số lượng chứng khoán khống phù hợp với khoản vay trong bản báo cáo tổng hợp rồi chuyển cho Khôi ký xác nhận. Với các hợp đồng trên, EVN Finance giải ngân số tiền 104,5 tỷ đồng vào tài khoản của TAS. Toàn bộ số tiền trên, TAS sử dụng thanh toán bù trừ với Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và trả nợ ngân hàng. Để khắc phục hậu quả, TAS đã chuyển trả 51 tỷ đồng và thế chấp tài sản, chuyển nhượng số cổ phiếu tương đương 30,5 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2010, Lê Hồ Khôi ký hợp đồng hợp tác với HBB, giới thiệu khách hàng có nhu cầu nhận ủy thác vốn đầu tư theo hình thức cầm cố chứng khoán niêm yết. TAS làm đầu mối liên lạc với HBB về các giao dịch của khách hàng; kiểm tra, rà soát hồ sơ... Các bị can tiếp tục tạo khống hồ sơ để chuyển sang HBB để vay 56 tỷ đồng. Tương tự, tháng 10/2011, TAS ký hợp đồng với BIDV – chi nhánh Hai Bà Trưng hợp tác cung cấp dịch vụ ứng tiền bán chứng khoán vay 45 tỷ đồng.
Quá trình điều tra các bị can khắc phục được 131,9 tỷ đồng. Hiện 3 tổ chức ngân hàng yêu cầu TAS phải có trách nhiệm bồi thường số tiền còn lại là 73,5 tỷ đồng.
Sau khi điều tra bổ sung, VKSND Tp Hà Nội đã thay đổi tội danh truy tố các bị can từ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 BLHS sang "Sử dụng trái phép tài sản" theo Điều 142 BLHS, bởi kết quả điều tra bổ sung cho thấy các bị can không có ý thức chiếm đoạt. Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có hình phạt cao nhất đến tù chung thân hoặc tử hình, trong khi tội “Sử dụng trái phép tài sản” có hình phạt cao nhất chỉ từ ba đến bảy năm tù.
Nguyễn Chí Dũng có phạm tội?
Trong số các bị can, dư luận quan tâm đến trường hợp Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Phòng môi giới chứng khoán của TAS có dấu hiệu bị truy tố oan.
Tại Kết luận điều tra số 86 ngày 6/1/2014 của Cơ quan điều tra Tp. Hà Nội đã kết luận "Dũng làm việc dưới sự chỉ đạo của Khôi, Toàn và Lan, đã ký xác nhận dưới mục giám đốc trong báo cáo tổng hợp tài khoản chứng khoán (THTKCK) của các khác hàng do Lan chuyển đến, thấy có đủ chữ ký của người lập biểu, người kiểm soát nên đã ký, không được các bị can Khôi, Toàn và Lan bàn bạc trước. Bản thân không được hưởng lợi gì. Xét thấy sai phạm của Dũng chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự, CQĐT có văn bản kiến nghị chính quyền xử lý hành chính nghiêm khắc".
Thế nhưng đến tháng 9/2014, kết luận điều tra bổ sung số: 205/KLĐTBS-PC46, ngày 06/9/2014 và bản cáo trạng số 564/CT-VKS-P1B, ngày 25/11/2014 của VKSND TP. Hà Nội lại đưa Dũng vào thành đồng phạm với kết luận: “Lê Hồ Khôi đã bàn bạc với Trịnh Văn Toàn chỉ đạo các nhân viên dưới quyền là Nguyễn Thị Ngọc Lan, Lê Quang Hưng và Nguyễn Trí Dũng thực hiện việc lập khống hồ sơ… chiếm đoạt tổng số tiền 205,5 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 5/2016 các bị cáo Khôi, Toàn và Lan đều có lời khai xác nhận không có ai bàn bạc hoặc chỉ đạo Dũng lập hồ sơ khống để vay tiền… Bị cáo Khôi luôn nhấn mạnh việc chỉ chỉ đạo cấp dưới trong các cuộc họp Công ty là tiếp xúc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và thực hiện các hoạt động huy động vốn đúng các yêu cầu của pháp luật. Như vậy, Hội đồng xét xử đã làm rõ việc các bị cáo Khôi, Toàn và Lan không chỉ đạo hoặc bàn bạc với Dũng về việc làm hồ sơ khống để vay tiền của các tổ chức tín dụng. Kết quả xét hỏi tại phiên tòa phù hợp với tài liệu và kết luận điều tra số 86 ngày 6/1/2014 của Cơ quan điều tra TP. Hà Nội. Như vậy, do không có ý thức chủ quan tham gia tội phạm nên Dũng không thể là đồng phạm trong vụ án này.
Phân tích các hành vi của Dũng trong vụ án này thì thấy việc Dũng và một số cán bộ trong Công ty đã làm hồ sơ vay vốn giúp Công ty là có thật với mục đích mua chứng khoán đã khớp lệnh, hồ sơ rõ ràng đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Hợp đồng hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán số 40/2010/HĐHT-TCĐL-TAS và tại Giấy đề nghị hợp tác đầu tư của từng cá nhân vay tiền. Nếu bên vay và bên cho vay căn cứ vào số liệu giao dịch tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh tại báo cáo do Dũng ký thì thiệt hại không thể xảy ra. Số tiền thực mua chứng khoán đã khớp lệnh do Dũng ký tại 11 báo cáo chỉ là 7,2 tỷ đồng, nhưng sau đó Công ty CPTC Điện lực đã giải ngân theo Thông báo giải ngân do Khôi và Lan lập có số liệu khống trên 97 tỷ đồng. Chưa kể đến việc bản Báo cáo THTKCK là văn bản không có giá trị pháp lý vì không được đại diện của pháp nhân ký tên, đóng dấu và không phải là căn cứ giải ngân.
Dư luận mong các cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng để không làm oan người vô tội, giải quyết vụ án theo đúng qui định của pháp luật.
Hồng Khang