Thắng dịch bằng phép cộng của sự tử tế!

Thứ năm, 05/03/2020 09:20 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Có ai đó đã nói: Tử tế không đơn thuần chỉ là những hành động, tử tế là một phép màu, lan tỏa phép màu ấy, sẽ tạo nên những nguồn động lực không thể ngờ tới.

Và sẽ không hề là ngoa ngôn, không hề là huyễn hoặc nếu nói rằng: chính trong những tháng ngày giông bão này, khi cả thế giới đang trong cơn cuồng phong bởi COVID-19, trong bối cảnh vacxin hữu hiệu để diệt SARS- Cov-2 mới chỉ dừng lại ở nỗ lực, thì chính sự tử tế với phép màu huyền diệu của nó sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.

Bộ đội biên phòng ở Trà Lĩnh, Cao Bằng phát khẩu trang cho người dân.

Bộ đội biên phòng ở Trà Lĩnh, Cao Bằng phát khẩu trang cho người dân.

1. Cách đây hơn 3 tháng, đúng vào giờ khắc nhân loại đang chuẩn bị cho đêm giao thừa, tiễn đưa năm cũ, đón chào một năm mới, một thập niên mới, giới chức y tế Trung Quốc báo cáo với văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc về việc phát hiện một chủng virus mới chưa từng biết tới, gây ra căn bệnh “viêm phổi lạ” ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Và đến thời khắc này, gần như cả thế giới đã khá “thấm” về sức tàn phá của căn bệnh “viêm phổi lạ” giờ đây đã được gọi tên là COVID-19. Tháng thứ 4 sau khi xuất hiện, từ Vũ Hán, virus Corona chủng mới với tên gọi chính thức SARS-CoV-2 xâm nhập với tốc độ tên lửa đến Daegu, biến Hàn Quốc trở thành tâm dịch thứ hai ở châu Á và rất rất nhanh ngay sau đó, không một phút ngơi nghỉ,  từ châu Á, SARS-CoV-2 chẳng ngại ngần tấn công hầu hết các châu lục, từ “lục địa già” châu Âu vốn nổi tiếng an toàn, sạch sẽ đến Trung Đông vốn nổi tiếng khép kín. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ cũng cảnh báo Corona lan rộng ở Mỹ “chỉ là vấn đề thời gian”, rằng việc ngăn chặn virus Corona lây lan không còn khả thi, người dân Mỹ phải chuẩn bị cho dự liệu rằng tình hình sẽ rất xấu. Số ca nhiễm SARS-CoV-2, số lượng quốc gia “dính” COVID-19 tăng vọt mỗi ngày, nhảy múa từng giờ từng phút khiến ngay cả các quốc gia có hệ thống y tế vững mạnh nhất cũng phải hoa mắt chóng mặt. Ngày 28/2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Không một nước nào chủ quan rằng họ sẽ miễn nhiễm. Đó có thể là sai lầm chết người. Virus này không có biên giới”. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh thế giới đang ở “thời điểm quyết định”, đồng thời hối thúc các quốc gia bị ảnh hưởng “hành động nhanh chóng” để ngăn chặn bùng phát đại dịch. WHO cũng “gióng hồi chuông” nhắc nhở, để ngăn chặn sự bùng phát, các quốc gia cần áp dụng các biện pháp mạnh như Trung Quốc đang thực hiện để dập dịch, bao gồm: giám sát chủ động để phát hiện ngay các trường hợp, chẩn đoán rất nhanh và cách ly trường hợp ngay lập tức, theo dõi chặt chẽ và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần. Trong đó, hai từ “cách ly” được nhấn đi nhấn lại như một giải pháp hữu hiệu nhất có thể trong bối cảnh vacxin “trị” SARS-CoV-2 vẫn dừng lại ở sự nỗ lực của các phòng thí nghiệm. Sự “vỡ trận” của Hàn Quốc khi thời gian đầu không cách ly toàn bộ người tới Hàn Quốc từ Trung Quốc mà chỉ từ Vũ Hán, sự vô trách nhiệm của “nữ bệnh nhân số 31” khi không chịu xét nghiệm, không chịu cách ly khiến chỉ trong thời gian rất ngắn số người nhiễm virus Corona chủng mới tại Hàn Quốc tăng như vũ bão, là bài học vô cùng đắt giá với tất cả các quốc gia còn lại. Rõ ràng, như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói, virus SARS-CoV-2 đã trở nên không có biên giới và bây giờ trách nhiệm trị dịch COVID-19 và thực hiện kiểm soát, cách ly chặt chẽ dịch bệnh đã trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc của không chỉ của riêng quốc gia nào, cá nhân nào. 

Cư dân Việt Nam xếp hàng để nhận khẩu trang y tế miễn phí tại một trung tâm phân phối tạm thời trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của Coronavirus, tại Hà Nội vào ngày 8 tháng 2 năm 2020. (Manan Vatsyayana / AFP / Getty Images)

Cư dân Việt Nam xếp hàng để nhận khẩu trang y tế miễn phí tại một trung tâm phân phối tạm thời trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của Coronavirus, tại Hà Nội vào ngày 8 tháng 2 năm 2020. (Manan Vatsyayana / AFP / Getty Images)

2. Là quốc gia “láng giềng” có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng trong cuộc chiến với COVID-19, Việt Nam đã là một trong những quốc gia đầu tiên được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ đưa ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng. CDC và Văn phòng Các vấn đề toàn cầu, Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ đánh giá những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống COVID-19 đã đạt các kết quả tích cực, công tác giám sát, cách ly và điều trị đã được triển khai đồng bộ.

Đánh giá, nhìn nhận ấy của cộng đồng quốc tế cũng chính là sự nhìn nhận một cách chân xác những nỗ lực cũng như tinh thần, chủ trương công cuộc chống dịch bệnh của Việt Nam chúng ta. Ngay từ thời điểm nhiều quốc gia trên toàn cầu còn ngơ ngác với COVID-19 thì Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: “Cả nước chống dịch như chống giặc”.  Trong cuộc chiến ấy, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “không có cơ chế xin - cho, không ngồi chờ”, là trách nhiệm “cần lăn xả, cùng góp sức” của cả các tổ chức, và những cá nhân, là quan điểm: “Không để dịch bệnh bùng phát lây lan, kiên quyết khoanh vùng, dập dịch”. Kinh nghiệm từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho thấy quan điểm ấy là đúng đắn và thực sự hữu hiệu trong công cuộc chống COVID-19 hiện nay.  Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 hôm 2/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh, khi chưa có phương tiện phát hiện sớm, đối với người nhiễm bệnh thì cách ly là phương pháp tốt nhất. Bởi “do dự trong việc cách ly sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.

Điều thực sự rất đáng mừng là chủ trương, quan điểm ấy của Chính phủ, của ngành y tế đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Minh chứng cho sự đồng thuận này là cách dư luận xã hội lên án dữ dội trước cung cách “khai gian, trốn cách ly” của một số ít người như trường hợp của một nữ du học sinh người TP.HCM trở về từ  Đại học HanYang (Hàn Quốc) mới đây. Kiểu “khai gian, trốn cách ly” rồi còn “khoe khoang” đầy hớn hở trên mạng xã hội, rồi cách “thừa nước đục thả câu”, bán khẩu trang với giá trên trời trước đó, theo nhìn nhận, một cách đầy ẩn ý, mỉa mai của một số người, thì cái cách sống “khôn hơn, nhanh tay hơn người khác để tồn tại” kiểu đó, thực chất, lại là khôn mà chẳng ngoan, hay nói cách khác là khôn dại để rồi hại người.

Điều đáng mừng nữa là kiểu “khôn mình hại người” ấy của cô nữ du học sinh kia thực tế chỉ là cách lựa chọn của rất, rất ít người Việt trong những ngày giông bão bởi dịch bệnh này. Mới đây mạng xã hội đã lan truyền nhiều về một cô gái mà họ gọi là “cô gái vàng trong làng cách ly” khi cô gái bày tỏ sự lạc quan và tinh thần tích cực của mình trong những ngày phải sống trong khu cách ly. Họ gọi cô là “cô gái vàng” bởi sự lạc quan, thái độ trách nhiệm và cả sự hiểu biết của cô trong việc hợp tác phòng chống dịch bệnh chính là niềm cảm hứng cho cộng đồng những người xung quanh, trong đó có không ít người trong chúng ta, có thể có cả tôi - người viết, không thể phủ nhận, đã có lúc ngại ngần, thậm chí lo sợ về câu chuyện “lỡ phải đi cách ly”. Để rồi hiểu rằng, trong bối cảnh COVID-19 đã tiến vào “giai đoạn 3” với tốc độ của một “siêu bão” khó lường và chưa có thuốc đặc trị như thế này, thì cách ly là giải pháp phòng dịch an toàn nhất có thể. Nên biết rằng, sự nỗ lực đến gồng mình của y bác sĩ trong điều kiện trang thiết bị y tế hiện nay không phải vô hạn. Nói như PGS.TS Trần Đắc Phu - người phát ngôn về dịch COVID-19: “Nếu kiểm soát tốt, số bệnh nhân giảm thấp thì công tác điều trị sẽ tốt hơn, còn nếu số bệnh nhân tăng cao, khả năng đáp ứng y tế không đạt yêu cầu thì số ca tử vong sẽ tăng lên. Phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất là giải pháp sống còn để chúng ta bắt đầu khôi phục những hoạt động thường nhật”. Cũng đừng “choáng” hay giật mình với số người phải cách ly ngày một tăng lên bởi cách ly là việc bình thường của mùa dịch, cách ly là để phòng dịch bệnh, không đồng nghĩa với đã nhiễm COVID-19.

Một nhóm thanh niên phát khẩu trang miễn phí cho du khách nước ngoài. Ảnh: Ngô Bảo Phương

Một nhóm thanh niên phát khẩu trang miễn phí cho du khách nước ngoài. Ảnh: Ngô Bảo Phương

3. Những ai mê thần thoại Hy Lạp chắc sẽ biết ít nhiều truyền thuyết về chiếc hộp bí ẩn của nàng Pandora. Khi Prometheus đánh cắp lửa từ thiên đường, thần Zeus đã trả thù bằng cách đưa một chiếc hộp cho nàng Pandora và dặn không được mở ra, nhưng vì quá tò mò, nàng đã đi ngược lại lời dặn đó. Một khi chiếc hộp bị mở ra, thiên tai bệnh dịch, chết chóc và những điều kinh hoàng khác sẽ được thả tự do ra thế giới. Em trai của Prometheus là Epimetheus (cũng là chồng của Pandora) vội vàng đóng lại nhưng hầu như toàn bộ điều xấu đã lọt ra ngoài, chỉ còn lại “Hy vọng” với ý nghĩa là “sự kỳ vọng dối trá”.

Nhắc lại truyền thuyết về chiếc hộp Pandora để thấy rằng dịch COVID-19 cũng như muôn vàn những trận thiên tai, dịch bệnh mà con người đã phải gánh chịu trong nhiều thế kỷ qua, chỉ là một quy luật của tự nhiên. Mà đã là quy luật tự nhiên thì dịch bệnh dù khắc nghiệt đến mấy, đến rồi sẽ đi, cuộc sống như một dòng chảy, sẽ còn tiếp diễn. Nhưng mỗi lần phải đối mặt với dịch bệnh là như một lần con người đối diện với một thử thách lớn, và như người xứ Nghệ có điệu ví dặm rất hay: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…”, trong dịch bệnh, khi phải đối mặt với rất nhiều thứ thiếu, thứ khó ta mới nhận ra được những điều mà lúc cuộc sống bình thường ta sẽ chẳng có cơ hội nhận ra, như câu chuyện “khôn mình, hại người” đã nói ở trên, sống ích kỷ, chỉ vì cái lợi riêng cho bản thân mình.

Nhưng truyền thuyết về chiếc hộp Pandora cũng để lại thấy rằng, trong cả những thảm kịch đen tối nhất, thì trong ta vẫn tồn tại hai chữ “Hy vọng”. “Hy vọng” ấy hiện diện ở những tấm lòng sống tử tế, sống có trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng như của “cô gái vàng trong làng cách ly”, của những con người tận tâm “trao tặng khẩu trang miễn phí”… Đúng như ai đó đã nói hãy xem “dịch bệnh là phép thử của lòng nhân”, càng trong gian nan, hoang mang, sợ hãi, thì chính thái độ sống tử tế, nhân hậu và trách nhiệm với nhau là điểm tựa để con người vượt qua. Chỉ có sự tử tế và lòng nhân ái mới mang lại cho chúng ta ánh sáng của niềm hy vọng. Với người Việt, điều này càng như một lẽ đương nhiên. Bởi người Việt không ai không thuộc nằm lòng “cụm từ tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”, không ai không thấu hiểu cái nghĩa “đồng bào” của những người Việt cùng là “con Lạc cháu Hồng”, cùng sinh ra từ cái bọc trăm trứng của bà Âu Cơ.

Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại. “Bàn tay hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Sau tất cả còn đọng lại là hơi ấm, tình yêu thương, là sự tử tế, nhân ái giữa người với người. Và ngay lúc này, trong cơn cuồng phong của COVID-19, trong bối cảnh một vacxin hữu hiệu để diệt SARS-CoV-2 chỉ dừng lại ở mong muốn và nỗ lực, nếu chúng ta:  đồng tâm, đồng lòng, cùng chống dịch bằng phép cộng của sự tử tế, đó sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để chúng ta vượt qua giông bão dịch bệnh, trở lại với cuộc sống bình yên.

Hồng Hà

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn