(NB&CL) - Tháng Giêng, mùa lễ hội. Có những lễ hội lớn thu hút truyền thông và du khách bởi dấu ấn riêng biệt và ý nghĩa tâm linh: Chợ Viềng, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội khai ấn Đền Trần, Hội Lim, Lễ hội Yên Tử... Bên cạnh đó, trải dài khắp mảnh đất hình chữ S là rất nhiều lễ hội với những nét đặc sắc riêng biệt đầy sức hấp dẫn của từng dân tộc, vùng miền tạo ra một mùa trẩy hội đầy sắc màu...
Rộn ràng lễ hội tâm linh
Năm nay du khách đến chợ Viềng kỷ lục, lên tới 4 vạn người. Mặc dù ở Nam Định có 4 chợ cùng tên là Viềng: Chợ Viềng Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (huyện Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Hưng), chợ Viềng Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc) song chỉ nổi tiếng và thu hút nhiều du khách là chợ Viềng Phủ Dầy (Vụ Bản). Xưa, chợ Viềng là phiên chợ đặc trưng của dân cư nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, người ta còn có thể tìm thấy những vật dụng của nhà nông, từ đôi quang gánh, chiếc thúng, chiếc mủng, đơm, đó, giỏ cua cá hay chiếc đòn gánh, liềm, cuốc xẻng hoặc những sản phẩm dùng cho cuộc sống hàng ngày như quần áo, thực phẩm, sách vở, đồ chơi trẻ em... Chợ Viềng mang ý nghĩa tâm linh nên hàng năm thu hút đông du khách thập phương đến chợ đều cầu mong những may mắn trong năm mới.
Như thông lệ, ngày mồng 6 âm lịch hằng năm, Chùa Hương khai Hội, mở đầu cho 3 tháng trẩy hội của du khách thập phương tại vùng đất thiêng, đây là lễ hội dài nhất (3 tháng) cả nước.
Một lễ hội được đông đảo du khách chờ đón- Lễ khai ấn Đền Trần. Lễ hội khai ấn Đền Trần 2015 đã có hơn 2.000 người bảo vệ lễ hội, để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau lễ hội Khai ấn Đền năm 2015 sẽ được tái hiện đầy đủ các nghi thức lễ Rước nước, Tế cá lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Và nét khác biệt, du khách sẽ được nhận ấn sớm hơn một tiếng so với năm 2014.
Ngày 10 tháng Giêng (ngày 28-2) lễ hội xuân Yên Tử tại sân Lễ trường Giải oan đã thu hút một lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài với nhiều điểm nhấn độc đáo, trong đó phải kể đến lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới được may bằng vải 5 sắc gồm xanh, vàng, đỏ, trắng, cam có chiều dài 25,58m tượng trưng Phật lịch 2558, chiều dài lịch sử Phật giáo thế giới. Chiều ngang lá cờ dài 20m, diện tích toàn bộ lá cờ là 500m2 nặng 60kg; Lá cờ này được gắn cố định giữa hai đỉnh núi giữa Chùa và Suối Giải Oan ở độ cao 200-250m. Một điểm khác nữa là khi Ban quản lý di chuyển toàn bộ dịch vụ trên tuyến từ Chùa Giải oan lên Chùa Đồng xuống phía dưới chân núi; quán triệt không để tình trạng hàng quán, lều bạt, bán hàng rong...
Riêng, lạ lễ hội các vùng miền
Lễ hội Lồng tồng Lâm Bình, Tuyên Quang ngày 01/3/2015 (ngày 11 tháng Giêng) lễ hội cầu Thần Nông, Thành Hoàng làng và Thần Địa. Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày đặc sắc và mang nhiều yếu tố của tín ngưỡng phồn thực. Nghi thức lễ hội được tổ chức gồm Mông, khi hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con trai, gia đình sẽ mời thầy cúng đến làm lễ cầu trời đất, thần linh và hứa nếu sinh được con trai thì họ sẽ tổ chức lễ hội cho mọi người vui xuân. Lễ hội tổ chức vào ngày mùng 2 tết, kéo dài 1 đến 3 ngày trên những khu đồi. Ngày khai hội, ngoài việc chuẩn bị lễ vật do gia chủ thực hiện thì mọi thủ tục đều do ông thầy cúng tiến hành. Nghi lễ khai hội chính là điệu múa khèn, tiếp theo là cảnh hát hội do ông chủ hội (một người cao tuổi có uy tín trong làng) và một vài ông già hát dẫn lời. Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra rất sôi nổi khắp quả đồi rộng, thi múa kèn, thi bắn nỏ, quay cù, hay từng tốp các chàng trai, cô gái chơi đánh yến, ném quả pao, hát gầu plềnh... Đặc sắc nhất chính là thi múa khèn trên cọc, những tay khèn cao thủ còn làm những động tác khá nguy hiểm như uốn người qua một đòn gánh bắc ngang trên chảo thắng cố... Các trò chơi diễn ra vô cùng hào hứng mặc dù phần thưởng cho người thắng cuộc chỉ là một bầu rượu ngô.
Lễ hội Xa Mắc, Tây Nguyên cũng mang tới nét độc đáo riêng biệt. Các dân tộc ở Tây Nguyên gọi lễ nông nghiệp này là lễ hội Xa Mắc (lễ hội mừng cốm mới). Họ tin rằng sở dĩ mùa màng tươi tốt, bội thu là do một vị thần vũ trụ phù hộ, nếu vị thần này nổi giận thì các cây trồng, gia súc, gia cầm sẽ bị mất sạch. Nên lễ đẽ, cổ đeo kiềng bạc, cổ tay, cổ chân cũng vòng bạc sáng trắng, nam giới đầu chít khăn có cắm lông chim công hay chim trĩ dài kéo nhau về tụ tập xung quanh nhà rông (những cư dân ở nhà dài không có nhà rông như £đê, Kor thì tụ tập xung quanh nhà già làng). Tiếng chiêng trống, cười nói, la hú vang động cả núi rừng yên tĩnh. Mớ âm thanh hỗn tạp kia bỗng tắt hẳn khi già làng cùng thầy cúng mặc áo blan, khố kơtếch, khoác áo choàng rộng, đầu chít khăn có cắm lông chim trĩ (trang phục lễ hội) tiến về phía đàn tế đọc lời khấn cúng. Lễ hội Xa Mắc diễn ra suốt một ngày, một đêm, khiến người ta đến đây quên hết mọi nỗi nhọc nhằn, vất vả đời thường, quên đi mọi hận thù để chỉ có duy nhất một tiếng nói trên thế gian này, tiếng nói của tình yêu giữa con người với con người, như lời người Tây Nguyên vẫn thường nói: “9 tháng đổ mồ hôi, 3 tháng vui mùa lễ hội”.
Hằng Nga