Tham dự Lễ có đại diện lãnh đạo bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bộ Nội vụ, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội Lam Kinh nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa xứ Thanh; góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lóp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu xây dụng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy đánh trống khai hội
Sau phần dâng hương tưởng nhớ công đức của vua Lê Thái Tổ, các vị vua nhà Lê, các tướng sỹ và nhân dân có công trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn 600 năm trước, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày diễn văn của buổi lễ, khái quát lại quá trình diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi đầu dấy nghĩa trên đất Lam Sơn đến khi kết thúc thắng lợi bằng hội thề Đông Quan. 10 năm nếm mật nằm gai với biết bao khó khăn, gian khổ, lãnh tụ Lê Lợi và các nghĩa sỹ Lam Sơn đã lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đánh đuổi quân Minh, giành lại giang sơn xã tắc, lập nên Vương triều Hậu Lê. Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, xem đó là niềm tự hào của người dân Thanh Hóa nói riêng và người dân đất Việt nói chung, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh quyết tâm, nỗ lực phát huy “hào khí Lam Sơn” để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong không khí linh thiêng của buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã nổi trống khai hội - tiếng trống tìm về nguồn cội, bày tỏ niềm tri ân, ngưỡng vọng trước công lao to lớn của tiền nhân, âm vang “hào khí Lam Sơn”, thúc giục, cổ vũ người dân xứ Thanh hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Một tiết mục trong Lễ hội Lam Kinh năm 2018
Buổi lễ khép lại bằng chương trình Nghệ thuật tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và công cuộc phát huy “hào khí Lam Sơn” trong giai đoạn ngày nay. Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham dự của gần 1000 nghệ sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên, trong đó có nghệ nhân các đoàn dân ca, dân vũ đến từ khắp các địa phương tỉnh Thanh Hóa. Với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: chèo, tuồng, kịch nói, ca nhạc, dân ca, dân vũ... chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2018 được đánh giá cao cả về quy mô đầu tư dàn dựng lẫn chất lượng nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc đối với hàng vạn người hành hương trẩy hội.
Tại Lễ hội Lam Kinh 2018, song song với hoạt động chính lễ là chuỗi các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: Hội chợ khởi nghiệp họ Lê Việt Nam, Hội thi tìm hiểu truyền thống cội nguồn Lê tộc, Liên hoan nghệ thuật quần chúng họ Lê Việt Nam, Khai trương công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh.
Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của tỉnh Thanh Hóa, lễ hội Lam Kinh năm 2018 đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương, góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Quang Duy