(Congluan.vn) - Bỉm Sơn là thị xã cửa ngõ của tỉnh Thanh Hóa những ngày này vắng hẳn người đi bởi những cơn mưa mùa thu. Cũng vì mưa, đường xá lại trở nên nhớp nháp, lầy lội. Phố phường, con người, thời gian gần đây như vẫn vậy. Nhưng sự đổi khác nơi đây thấy được từ cái chợ trung tâm – chợ Bỉm Sơn. Chợ giờ đã và đang được xây dựng lại, mang tới cho người dân nơi đây nhiều niềm vui, nhưng bên cạnh đó cũng không ít âu lo…
Tạm biệt con đường đê “đau khổ” ?
Quý I/2014, Chủ tịch UBND Thị xã Bỉm Sơn Bùi Huy Hùng đã ký Quyết định số 962/QĐ-UBND về việc bàn giao Chợ Bỉm Sơn cho Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) quản lý, đầu tư, kinh doanh và khai thác.
Chợ Bỉm Sơn đang được xây dựng
Theo đó, phía Công ty Đông Bắc có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, phương án chuyển đổi chợ Bỉm Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt; đồng thời tiếp nhận toàn bộ cán bộ, nhân viên hiện có của Ban Quản lý chợ Bỉm Sơn, đảm bảo mọi chế độ, quyền lợi cho người lao động theo quy định. Thành lập Công ty CP Chợ Bỉm Sơn để triển khai kinh doanh, quản lý chợ,…
Việc xây mới chợ Bỉm Sơn thực sự đã trải qua một hành trình đầy chông gai.
Đầu năm 2012, Công ty Đông Bắc được giao và bắt đầu triển khai xây dựng dự án thì đông đảo bà con tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đã tụ tập phản đối.
Sau đó, chính quyền Thị xã Bỉm Sơn đã phải tạm dừng khởi công dự án, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã gặp gỡ đại diện tiểu thương, được báo giới ca ngợi là “một trận thua đẹp”, một hình ảnh đẹp “lãnh đạo gần dân”...
Tới đầu năm 2014, dự án xây chợ mới được tái khởi động, dự kiến sẽ tiến hành trong đầu tháng 5/2014, hạng mục chợ chính được triển khai vào cuối tháng 9/2014. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 65 tỷ đồng.
Hiện tại, chợ Bỉm Sơn đã bắt đầu triển khai xây dựng các hạng mục sát bờ sông Tam Điệp.
Trước khung cảnh này, một số người dân gần chợ cho biết: Chợ cũ xuống cấp, đường xá đi vào nhớp nháp, lầy lội. Được xây mới, các khu vực kinh doanh buôn bán sẽ khang trang, sạch sẽ hơn. Mong rằng đường xá cũng được đầu tư, nâng cấp…
Vui, nhưng còn lắm âu lo…
Người Bỉm Sơn, đâu đâu, ai ai cũng nói tới cái chợ. Có lẽ, như hầu hết các đô thị, làng quê Việt, chợ luôn là trung tâm, nơi đông người sống và kinh doanh, buôn bán. Người Bỉm Sơn, như bao người Việt khác. Họ yêu, gắn chặt với cái chợ như người Việt xưa yêu, gắn bó, gìn giữ cái giếng làng.
Những năm gần đây, trong thời kỳ hội nhập, “Tây hóa”, nhiều địa phương đã đập chợ để xây dựng trung tâm thương mại, hoặc đơn giản là xây một chợ mới lớn hơn, nhiều nơi tiểu thương bãi thị, phản đối, khiếu nại tố cáo đông người.
Ở khu vực phía Nam, từ Đồng Nai của Đông Nam Bộ tới khu vực ĐBSCL, hình ảnh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình ngược xuôi làm việc, đối thoại, mới thấy tình hình “làm mới” chợ truyền thống gây xáo trộn lớn tới cỡ nào.
Ở phía Bắc, nơi chợ truyền thống phổ biến, dày đặc hơn phía Nam, suốt từ TP. Vinh của tỉnh Nghệ An lên tới Cao Bằng, Lạng Sơn, việc đập cũ xây mới chợ cũng khiến các cơ quan cấp trung ương, địa phương họp lên họp xuống.
Quay lại chợ Bỉm Sơn, điều không ít tiểu thương âu lo là việc thu phí chắc chắn sẽ nặng hơn, bó rau sẽ không còn 1.000, 2.000 đồng, mà tăng lên bởi chi phí xây dựng, trong khi đời sống người dân còn nghèo, thu nhập, mức sống không tăng, chỉ giá đất tăng.
Thêm nữa, bài học về tiểu thương chợ Vinh ở tỉnh hàng xóm Nghệ An bãi thị cũng đang nhãn tiền.
Mới đây, sáng 15/9, gần 500 hộ tiểu thương ở chợ Vinh (Nghệ An) đồng loạt đóng cửa các ki-ốt quầy sạp, đến Phòng tiếp dân tỉnh đề nghị giải quyết những khiếu nại kéo dài.
Chợ Vinh trước đây là chợ tạm, mới được xây dựng lại vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 35.050m2, bố trí 1.380 gian hàng, hệ thống cầu thang cuốn tự động. Tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng từ 2 nguồn chính là huy động từ các tiểu thương kinh doanh tại chợ và ngân sách thành phố.
Theo các tiểu thương, khi xây dựng chợ, UBND TP.Vinh đã huy động của các hộ tiểu thương số tiền hơn 175 tỷ đồng nhưng khi quyết toán chỉ báo cáo có 134 tỷ đồng. Mặt khác, dự án quy hoạch chợ Vinh khi thông qua các hộ góp vốn nói rõ tầng 3 của chợ bố trí khu hành chính và cửa hàng ăn uống. Sau khi hoàn thành, BQL chợ Vinh đã chuyển đổi công năng, chia thành các ki ốt và cho thuê bán các mặt hàng tương tự như tầng 2 và tầng 1, nơi các hộ dân phải góp vốn xây chợ mới được quyền kinh doanh.
Tính toán về chuyện cổ phiếu, cổ phần, góp vốn, quyết toán, các tiểu thương quen với mua bán trao tay có lẽ không hề rành rọt. Xây xong cái chợ có ai mua ai bán hay lại bỏ hoang... sao không lo lắng được?!
Hi vọng rằng, chợ Bỉm Sơn trong quá trình xây dựng và đi vào hoạt động không gặp phải “sự cố” như chợ ở Vinh (Nghệ An), chợ Thành Công (Hà Nội), hay chợ An Đông (TP.HCM) mới đây, sắm vai trò động lực để kinh tế xã hội thị xã đi lên, để giá tiêu dùng không còn là nguyên nhân khiến cái giàu - nghèo thêm sâu khoảng cách.
Kiên Giang
Không được đưa công an ra đối đầu với người dân!
Trong cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài cuối tháng 4/2014 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Những công trình nhạy cảm như vậy cần đối thoại, công khai và bảo đảm quyền lợi người dân để người dân đồng thuận.
Tại cuộc họp, theo Thanh tra Chính phủ, đến đầu năm 2014, trong tổng số 528 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp mà Quốc hội đã giao Chính phủ tập trung giải quyết (Kế hoạch 1130) đã giải quyết được 481 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 90%. Hiện còn 47 vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài.
Cũng tại cuộc họp, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cảnh báo xu thế chính trị hóa trong một số vụ KNTC đông người, một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình này để rêu rao vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; tập hợp người dân thành lực lượng dân oan để xúi giục…
Trung tướng Tô Lâm cũng khẳng định, một số nơi cán bộ tham nhũng, tiêu cực khi triển khai dự án nhưng lại được bao che, không dám nhận lỗi, xin lỗi dân; một số cán bộ thách đố người dân khiếu kiện. Trong khi đó, nhiều cán bộ đứng đầu thì né tránh, ngại va chạm, gặp người dân; chính quyền một số nơi có tư tưởng đưa công an ra đối đầu với người dân khiến người dân bức xúc...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Không được đưa công an ra làm thay chính quyền, ở một số nơi đang có biểu hiện này, cần chấn chỉnh ngay!
T.H