(congluan.vn) - Mặc dù ông Đỗ Văn Dân (Việt kiều Camphuchia) chết đã hơn 2 tháng, nhưng nguyên nhân cái chết vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ, khiến dư luận địa phương hết sức hoang mang, bức xúc.
Lời kể của nhân chứng
Theo nội dung đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng của anh Đỗ Văn Thư (em trai ông Dân, trú quán tại thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), vào ngày 26/9/2013, mẹ ông là bà Đỗ Thị Bường mất, ông Dân là con trai cả đang sinh sống tại Campuchia về chịu tang.
Sáng 2/10/2013, hai anh em cùng 3 người cháu trai ra thăm và rào lại mộ mẹ cho trâu bò đỡ vào phá phách. Không may cho ông Dân, khi đang uốn cong cây tre để bao xung quanh mộ thì bị dòng điện 110KV chạy phía trên phóng điện khiến ông Dân bị điện giật chết ngay tại chỗ.
Anh Đỗ Văn Thanh (19 tuổi, là cháu ruột ông Dân và ông Thư), người trực tiếp chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc kể lại: “Tôi đứng gần đó xem bác Dân và chú Thư làm. Chú Thư đứng dẫm chân lên phần gốc đoạn tre, còn bác Dân cầm phần ngọn vít cong. Bỗng dưng tôi nghe tiếng nổ, bác Dân đột ngột buông tay, ngã vật xuống đất. Chỗ chân bác Dân dẫm đoạn tre nhìn thấy có khói bốc lên...”
Ông Nguyễn Hoài Nam (bên phải) – Phó GĐ và ông Nguyễn Huy Minh – Thanh tra an toàn
chi nhánh Cty lưới điện cao thế Miền Bắc trao đổi với phóng viên.
Anh Thư cũng cho biết: “Tôi đang đứng, bỗng cảm thấy người mình tê đi cảm giác như bị điện giật, đồng thời thấy anh Dân ngã xuống. Tôi vội quay lại đỡ anh Dân lên nhưng anh tôi đã không còn cử động gì được. Tôi cùng mấy đứa cháu hô hoán, điện thoại về nhà kêu người ra cứu chữa cho anh Dân nhưng anh ấy đã chết”.
Nhận được tin báo, công an huyện Nông Cống, công an tỉnh Thanh Hóa đã về hiện trường, tiến hành mổ tử thi xác định nguyên nhân cái chết của ông Dân. Phía Công ty lưới điện cao thế miền Bắc – chi nhánh Thanh Hóa cử đại diện về tham gia giải quyết vụ việc. Sau khi mổ xong, cơ quan chức năng bàn giao thi thể ông Dân cho gia đình lo hậu sự.
Kể từ ngày ông Dân mất cho đến ngày 3/12, nghĩa là sau 2 tháng, gia đình không nhận được bất kỳ một lời hỏi thăm, phúng viếng nào của Cty lưới điện cao thế Miền Bắc cũng như của chi nhánh Cty tại Thanh Hóa. Gia đình ông Dân khẳng định ông Dân chết là do bị điện phóng. Bởi khoảng cách từ dây dẫn xuống mặt đất là 6,19m, hôm đó trời mưa nên điện đã phóng xuống đúng cây tre ông Dân cầm khiến ông bị điện giật.
Ngày 5/12/2013, anh Thư viết đơn gửi Cty lưới điện cao thế Miền Bắc kiến nghị việc ông Dân chết do điện giật mà Cty không có trách nhiệm gì. Sau khi gửi đơn được 5 ngày, có 3 người nói là đại diện chi nhánh Cty tại Thanh Hóa đến nhà thắp hương và gửi lại số tiền 5 triệu đồng. Họ nói cái chết của ông Dân không phải do bị điện giật. Đây là tiền Cty quyên góp mỗi người một ngày lương hỗ trợ gia đình...
Câu trả lời vòng vo
Trong buổi làm việc với phóng viên, đại diện Cty lưới điện cao thế Miền Bắc chi nhánh Thanh Hóa (địa chỉ tại số 48, Đông Quang, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) có các ông Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Chi nhánh, Nguyễn Huy Minh – Thanh tra an toàn chi nhánh. Ông Minh cho biết ông là người trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc hôm đó với vai trò “được công an Nông Cống nhờ vào hiện trường để xác định tên đường dây, khoảng cách từ mặt đất tới dây dẫn”.
Trong suốt buổi làm việc, ông Nam và ông Minh liên tục khẳng định với phóng viên nguyên nhân ông Dân chết không phải do bị điện giật. Bởi theo hai ông thì chiều cao đường dây đo được là 6,19m là độ cao đảm bảo theo quy định. Đồng thời tại thời điểm ông Dân chết bị cho là do phóng điện, tại trạm 220 Ba Chè (huyện Thiệu Hóa) và trạm 220 Nghi Sơn, bảo vệ cả hai trạm này không ghi nhận bất kỳ sự cố nào. “Bởi nếu có hiện tượng phóng điện, ngay lập tức tại hai trạm này sẽ ghi nhận được, đường dây sẽ tự động ngắt điện” – Ông Minh khẳng định.
Ông Nam và ông Minh cũng cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm lâu năm làm trong nghề, người bị điện 110KV phóng gây chết thì cơ thể sẽ bị cháy sém. Vì vậy, cái chết của ông Dân không liên quan đến điện...”. Họ còn cho rằng có thể ông Dân đã vi phạm quy định hành lang an toàn lưới điện?!
Anh Thư bên bàn thờ anh trai
Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc với công an huyện Nông Cống, đại diện cơ quan này cho biết nguyên nhân gây cái chết cho ông Dân được kết luận là do bị điện giật. Đem kết luận của cơ quan công an trao đổi lại với ông Minh và ông Nam, hai ông này lại nói: nếu ông Dân chết do điện giật thì cần cơ quan công an phải xác định xem lỗi do đâu, có phải do ông Dân vi phạm quy định an toàn hành lang lưới điện hay không?
Về số tiền 5 triệu đồng đại diện Cty chi nhánh tại Thanh Hóa vào đưa cho gia đình anh Thư sau khi gia đình có đơn, ông Nam giải thích: “Đó là điều tâm đức, là tấm lòng của cán bộ công nhân Cty quyên góp ủng hộ bởi thấy gia cảnh họ khó khăn chứ không phải tiền đền bù gì?!
Gia đình anh Thư trao đổi thêm về gia cảnh ông Dân: Tháng 8/1978, ông Dân nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhà nước đi bộ đội tình nguyện Campuchia. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Dân ở lại nước bạn, lấy vợ, sinh con và nhập quốc tịch Campuchia, sinh sống luôn ở đó. Hiện vợ con ông Dân chưa thể về nước chịu tang chồng, cha. Trước khi mất, ông Dân nguyên là Phó ban liên liên lạc Hội đồng hương Việt Nam tại Phnompenh.
“Nguyện vọng của gia đình tôi là được các cơ quan chức năng xác định và thông báo rõ anh Dân chết do nguyên nhân gì. Nếu anh Dân chết vì bị điện giật thì phía Cty phải có trách nhiệm chứ không thể im lặng như thời gian vừa qua. Khổ tâm nhất là vợ con, bạn bè, hội đồng hương của anh Dân bên Campuchia cứ liên tục điện về đặt nghi vấn cái chết của anh Dân có phải do bị điện giật hay bị đánh, thậm chí bị ám sát?!” – Anh Thư buồn bã nói.
Ông Nguyễn Bá Tiêu – thôn trưởng thôn 1 cho biết thêm: Sau cái chết của ông Dân, nhân dân trong xã hết sức hoang mang. Bởi nghĩa địa của xã nằm ngay phía dưới đường điện 110KV, lại không có bất kỳ cảnh báo gì của ngành chức năng, rất nguy hiểm cho bà con khi có đám tang, thăm mồ mả hay cất bốc mộ. Nguy cơ nếu ngày mưa mà có người trong làng xã mất chưa chắc đã có ai đến đưa tang vì sợ bị điện phóng...