(NBCL) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX (giai đoạn 2011-2015) đề ra 6 chương trình đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ngành với nhiều nỗ lực đưa nghị quyết vào thực tiễn đời sống, đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt thành phố. Đến Đại hội X (2015-2020) vừa qua, Đảng bộ TP.HCM tiếp tục bổ sung thêm một chương trình đột phá thứ 7, là “chỉnh trang và phát triển đô thị”, được chờ mong sẽ là “điều ước thứ 7” đối với người dân, nhất là hàng vạn hộ sống trên và ven kênh rạch, trong các chung cư cũ xuống cấp..
[caption id="attachment_78720" align="aligncenter" width="633"]
TP.HCM vừa ra mắt thế hệ lãnh đạo mới trẻ trung, năng động, nhiệt huyết.[/caption]
Những dấu ấn lớn
Nhắc tới TP.HCM, nhiều người sẽ nghĩ ngay, sẽ nhận ra trước nhất là sự năng động, đổi mới. Sau 30 năm đất nước mở cửa, TP.HCM với 6 chương trình đột phá mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đưa ra và đi vào thực tiễn đời sống là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ của đô thị lớn nhất nước này. 06 chương trình đột phá bao gồm: Cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ngập nước; giảm ùn tắc giao thông đã được TP.HCM nỗ lực thực hiện trong những năm qua.
Có thể khái quát, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP.HCM hiện đã có 12 trường, chuyên khoa đạt chuẩn kiểm định Ðại học - Cao đẳng khu vực ASEAN, 97-100% nhân lực ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trọng yếu đã qua đào tạo. Về cải cách hành chính, hiện có 24/24 quận huyện và 07 sở ngành đưa vào sử dụng hệ thống một cửa điện tử, giảm bớt khó khăn, phiền hà cho người dân… Trong lĩnh vực dịch vụ, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỉ trọng 57,33% trong tổng GDP, cao hơn giai đoạn 2006 -2010 (46%), những ngành dịch vụ chất lượng cao, hàm lượng chất xám lớn ngày càng nhiều và có nhiều lợi thế cạnh tranh luôn được tập trung đầu tư, phát triển.
Ðối với công nghiệp, giá trị sản xuất giai đoạn 2010 - 2015 tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 2006 – 2010, mô hình tăng trưởng được chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất trên một hécta đất đạt 370 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,3 lần so với năm 2010… Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, TP.HCM vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần bình quân cả nước.
Về hạ tầng, những năm qua, thành phố đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giúp mở toang các cửa ngõ như: Đường Phạm Văn Ðồng, mở rộng xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…, cùng với dự án đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, đưa 06 cầu vượt kết cấu thép vào sử dụng tại các giao lộ lớn… đã góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó, các dự án nâng cấp, bơm thoát nước, trạm bơm, nạo vét kênh rạch… được rốt ráo thực hiện, khu vực trung tâm đã cơ bản hết ngập nước. Đặc biệt, dấu ấn nổi bật nhất là việc những dòng kênh đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm được “phục sinh”, đã nâng cao chất lượng sống của người dân ở 7 quận nội thành nơi dòng kênh đi qua, làm sáng, xanh lên diện mạo đô thị. Theo một thống kê, trong 03 năm đầu thực hiện 6 chương trình đột phá, TP.HCM đã chi tới hơn 46.800 tỉ đồng, cộng với rất nhiều tâm huyết nỗ lực để ghi những dấu ấn…
Chương trình đột phá thứ 7- điều ước về sự đổi thay
Thực tế, dù những năm qua, với sự nỗ lực, trách nhiệm, sự quyết tâm cao của các cấp ngành, thì TP.HCM vẫn còn tồn tại một thực trạng không dễ giải quyết: Vẫn còn khoảng 20 ngàn hộ dân sống ven kênh rạch, hàng vạn hộ dân còn sống trong khoảng 50 chung cư xuống cấp, các khu nhà ổ chuột… Suốt hơn 20 năm qua, TP.HCM đã tổ chức di dời, tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch, di dời và xây mới 22 chung cư cũ… Nhưng vẫn là chưa đủ! Bởi dọc hai bên các con kênh Văn Thánh, Tàu Hũ, kênh Đôi (quận Bình Thạnh, 4, 7, 8…), còn rất nhiều khu nhà lụp xụp, chật hẹp kéo dài. Ở đó, hàng vạn người dân phải sống trong hoàn cảnh khó khăn: Khan hiếm nước sạch, nhà cửa tạm bợ, luôn ám ảnh với nguy cơ sạt lở, đa phần không có khái niệm vệ sinh tự hoại… Ước mơ của họ, đơn giản là được… dời đi.
Và với mục tiêu đưa khoảng 100.000 hộ dân thoát khỏi cảnh sống ô nhiễm, nguy hiểm, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã thông qua chương trình đột phá thứ 7 mang tên “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, là niềm phấn khởi, là “điều ước” về sự đổi thay của hàng chục nghìn hộ dân đang mong ngóng nói trên. Thực vậy, mục tiêu của chương trình đột phá thứ 7 là tới năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành di dời hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Trước mắt, 5 năm tới sẽ di dời ½ số hộ dân nói trên. Đến năm 2020, tháo dỡ 120.000m2 sàn chung cư hư hỏng nặng, xây dựng mới 240.000m2 sàn chung cư mới…
Trước Đại hội, ông Trần Trọng Tuấn, GĐ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Chúng ta phải tập trung để mời gọi đầu tư, khai thác các nguồn lực xã hội (xã hội hóa) nhằm tổ chức di dời, tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống ở ven các kênh rạch, các chung cư xuống cấp. Nó gắn liền với các dự án phát triển đô thị, và bằng nguồn vốn ngân sách không thôi thì sẽ không thể thực hiện được!”. Thực tế, vấn đề tài chính chỉ là một trong những khó khăn.
Bởi trong những năm qua, vấn đề “chỉnh trang đô thị” của TP.HCM có không ít bất cập: Tình trạng xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra nhiều ở các quận huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9…; Việc thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…Đặc biệt, di dời, tổ chức lại cuộc sống người dân không thể dừng lại ở những căn nhà, lô đất, mà phải giúp họ “nghiệp lạc” mới có thể “cư an”. Như một cán bộ quy hoạch luôn đau đáu tình trạng nhiều cửa sổ căn hộ tái định cư nhô ra các biển quảng cáo “May đo”, “Sửa chữa”… làm nhếch nhác bộ mặt khu dân cư.
Tuy nhiên, việc lường trước những khó khăn, cũng là cách các cấp ngành TP.HCM thể hiện quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm. Mới đây, tân chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định ưu tiên hàng đầu của TP.HCM là thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. “Việc thêm chương trình thứ 7 chỉnh trang đô thị là đòi hỏi thực tế của cuộc sống. Mục đích là làm sao để giải quyết cuộc sống của người dân đang sống trên kênh rạch.Thứ hai là các chung cư đang xuống cấp. Thứ ba là phát triển các khu đô thị ngoại vi. Tổ chức cuộc sống cho người dân ngày càng đàng hoàng hơn. Xây dựng TP có chất lượng sống tốt”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Chương trình đột phá thứ 7, đã và đang trở thành “Điều ước thứ 7” đối với hàng vạn hộ dân TP.HCM, là quyết tâm, ưu tiên hàng đầu của TP.HCM trong giai đoạn phát triển sắp tới. Nói như nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, “Việc đề ra chương trình đột phá thứ 7 này thể hiện được phẩm hạnh, năng lực, tầm nhìn của Đảng bộ thành phố, và nói lên một phẩm cách là: Chịu trách nhiệm đối với nhân dân về những vấn đề thực tế, nhận ra được đâu là vấn đề bức xúc mới đặt ra…” Vậy là, trong 10 năm tới, 100.000 người ở ven kênh rạch và chung cư cũ sẽ không còn bị bỏ lại phía sau sự chuyển mình, tiến bước nhanh chóng của Thành phố!
Kiên Giang