Chưa bao giờ việc cung cấp và tiếp cận thông tin lại nhanh và dễ dàng như bây giờ. Thông tin đã trở thành một mặt hàng được trao đổi từng giây, từng phút. Mạng internet trở thành một cái chợ khổng lồ. Và ở trong cái chợ này, mỗi người sử dụng buộc phải trở thành một “người tiêu dùng thông thái”.
Nước Mỹ vừa trải qua một tấn bi kịch khủng khiếp khi sát thủ Stephen Paddock xả súng vào đám đông, gây ra cái chết của ít nhất 59 người và làm bị thương 200 người khác.
Trong đau thương, tình yêu trở thành liều thuốc xoa dịu cho mọi tâm hồn. Một câu chuyện cảm động được nhiều người nhắc đến là anh Sonny Melton, 29 tuổi, lấy thân mình đỡ đạn cho vợ là chị Heather Melton.
Kể về chuyện này, nhiều tờ báo, nhiều trang thông tin trên khắp thế giới đã sử dụng kèm một bức ảnh người đàn ông đang ôm một người phụ nữ nằm trên đường sau khi sự việc xảy ra.
Tất nhiên, nhiều người nghĩ rằng đây là Sonny Melton, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Trừ việc tất cả đều là nạn nhân của vụ xả súng thì những người trong ảnh không liên quan gì đến câu chuyện cảm động của vợ chồng nhà Melton.
Khó mà trách được những người đọc khi có sự nhầm lẫn hai vụ việc này khi chỉ nhìn vào một bức ảnh.
Đây cũng không phải lần đầu tiên người ta có những nhầm lẫn như thế này khi tiếp cận những thông tin trên mạng internet.
Tranh minh họa - Nguồn Internet
Chuyện ở ta cũng không có gì khác. Gần đây, trong một lần xử phạt tài xế vi phạm, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) nói:
“Sống ở quận 1 phải chấp hành luật, còn không về rừng U Minh mà sống”. Ngay lập tức, câu nói này trở thành đề tài trên khắp các mặt báo. Các cơ quan báo chí khai thác triệt để mọi góc cạnh của câu nói này, thậm chí, gán cho nó nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau.
Đỉnh điểm của vụ việc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đã “đánh” công văn, đề nghị ông Đoàn Ngọc Hải trả lời Cà Mau để kịp thời “định hướng dư luận”. Lãnh đạo Quận 1 (TP.HCM) đã gửi Thư xin lỗi Cà Mau, nói rõ phát biểu của ông Đoàn Ngọc Hải là sự lỡ lời, không xuất phát từ suy nghĩ của ông Đoàn Ngọc Hải hoặc tập thể quận 1 về bất kỳ sự so sánh, đánh giá nào có tính hạ thấp địa phương bạn.
Thực tế, những ai rành rõ tiếng Việt đều hiểu ông Đoàn Ngọc Hải không bao giờ có hàm ý coi người U Minh – nơi có rừng – là chỉ có luật rừng. Tiếc rằng, nhiều tờ báo, trang thông tin điện tử thay vì có lý giải để tránh xung đột không cần thiết hoặc giải thích cho người chưa hiểu, lại cố tình “xoáy” vào câu nói của ông Hải để “đánh bẫy” nhận thức của độc giả, để “câu view” một cách đáng xấu hổ.
Tất nhiên, không ai đi “bắt lỗi” các tờ báo, trang tin này, nhất là khi người ta có thể đàng hoàng trả lời: Tôi chỉ trích nguyên văn lời ông Hải. Nhưng ở góc độ đạo đức người cầm bút, có thể coi việc xoáy sâu vào phát ngôn của ông Hải về U Minh vừa không giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, vừa là sự xuyên tạc, gây chia rẽ quan hệ giữa hai địa phương Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh.
Đối với những người viết, đã có một hệ thống các hành lang pháp lý, quy định đạo đức để điều chỉnh hành vi, nhưng với người đọc thì khác, không một ràng buộc về pháp lý hay đạo đức xã hội nào điều chỉnh mỗi cú nhấp chuột, mỗi lần “like”, “share” trên mạng xã hội. Hành vi của mỗi cá nhân trên mạng internet chỉ phụ thuộc vào sự hiểu biết và đạo đức của chính cá nhân ấy.
Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times nhận định: Thế giới ngày nay là thế giới phẳng. Chưa bao giờ sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng như bây giờ. Nhưng thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới không phẳng: Không bằng phẳng về nhận thức, về hiểu biết và không bằng phẳng về các giá trị đạo đức.
Vì thế, đứng trước thế giới internet rộng lớn, mỗi người đọc cần tự biến mình thành “người tiêu dùng thông thái”, có khả năng tự sàng lọc tránh để mình rơi vào “bẫy câu view” vô đạo đức.❏
Tử Hưng