(CLO) Sáng 11/8, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Lễ công bố “Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
[caption id="attachment_114711" align="aligncenter" width="600"]
Sơ đồ định hướng phát triển không gian Vùng Thủ đô[/caption]
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Như vậy, so với quy hoạch trước đây (tại Quyết định 490 ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ), sẽ có thêm 3 tỉnh được mở rộng trong Quy hoạch Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đó là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 với quy mô dân số - lao động đến năm 2030 đạt khoảng 21 - 23 triệu người (trong đó: Đô thị khoảng 11,5 - 13,8 triệu người; nông thôn khoảng 9,2 - 9,5 triệu người); khoảng 12,0 - 13,2 triệu lao động. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 55 - 60%.
Đây là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việc điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng, đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia hiệu quả, hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống.
Quy hoạch đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội; làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới…
Với quy hoạch này, các tỉnh trong Vùng tạo thành mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
PV