Trực diện trạm trộn bê tông dưới chân cầu Thủ Thiêm
Vào những ngày đầu tháng 10, sau khi hai bài báo “TP.HCM: Bất chấp giờ cấm, xe bồn bê tông vô tư “tung hoành” giữa nội đô” và “Tái diễn tình trạng xe bồn bê tông “vô tư” vào giờ cấm, trách nhiệm thuộc về ai?” được báo NB&CL đăng tải, ngay lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Theo đó, ghi nhận tại nhiều điểm nóng mà báo phản ánh, thực tế đã biến chuyển rõ rệt, không còn thấy những chiếc xe bồn bê tông có tải trọng trên 5 tấn xuất hiện nữa. Thay vào đó, nhiều biển báo cấm xe tải nặng trên 2,5 tấn vào giờ cấm từ khung giờ 6 giờ đến 22 giờ cũng được gắn lên.
Tuy nhiên sau khi tái lập kỷ cương, các nguồn tin của PV cũng cho biết vẫn còn thấy một vài chiếc xe bồn bê tông xé rào để vào giờ cấm. Để xác thực, chúng tôi lại phải mất nhiều ngày ghi nhận thực tế hiện trường. Theo đó tại quận 1, TP.HCM, phát hiện có những chiếc xe bồn bê tông chạy từ hướng Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh di chuyển vào quận 1.
Để tìm hiểu thêm đâu là nơi xuất phát, chúng tôi quyết định theo chân một chiếc xe bồn bê tông mang nhãn hiệu “Saigon-RDC” từ hướng quận 1 trở ngược ra lại quận Bình Thạnh và băng qua cầu Thủ Thiêm. Từ đây phát hiện được một điểm tập kết hàng loạt chiếc xe bồn mang nhãn hiệu “Saigon - RDC” nằm ngay bên trái dưới chân cầu Thủ Thiêm (thuộc địa phận quận 2). Đặc biệt, điểm tập kết này cũng chính là nơi thiết lập trạm trộn bê tông. Những “bầu sữa” này - cách chúng tôi gọi trạm trộn bê tông, chuyên sản xuất bê tông tươi sau đó theo dây chuyền cho vào xe bồn bê tông rồi từ từ chạy ra khỏi trạm trộn sau đó chạy ngược vào trung tâm thành phố để đổ bê tông tại các công trình.
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, dường như mọi cảnh vật xung quanh trạm bê tông này đều phủ lớp bụi xám xịt. Cùng với đó là âm thanh hỗn tạp của những thiết bị trộn bê tông, tiếng còi xe inh ỏi của những chiếc xe bồn vận chuyển bê tông khi ra vào trạm. Đặc biệt trạm bê tông này lại nằm sát cạnh khu biệt thự Lan Anh, nơi có môi trường sống khá trong lành và lý tưởng.
Nếu trên bờ là hàng loạt xe bồn bê tông thay nhau lần lượt ra vào trạm, xe chuyên dụng tới lui trong trạm để xúc cát, đá, xi măng đưa vào máy trộn… thì dưới sông cũng không kém. Những sà lan chở đầy cát đá cũng luân phiên cập bờ để các thiết bị máy móc chuyên dụng đưa vật tư lên bờ.
Trạm trộn bê tông dưới chân cầu Phú Mỹ, quận 2.
Cũng theo ghi nhận của PV, tại khu vực trạm bê tông dưới chân cầu Thủ Thiêm này không chỉ có nguy cơ bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn... mà con đường mới được đầu tư xây dựng dưới chân cầu Thủ Thiêm cũng bị băm nát, xuống cấp đầy “ổ gà, ổ voi” gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Bất an hơn, mối nguy hiểm về tai nạn giao thông luôn rình rập ở khu vực này vì xe vận chuyển ra vào trạm thường xuyên, thậm chí bất chấp luật lệ giao thông chạy ngược chiều dưới chân cầu.
Chứng kiến cảnh tượng này, nhóm PV cũng đã ghi hình toàn cảnh và cố gắng tìm tên dự án trạm trộn bê tông nhưng dường như điều này là không thể, vì phía ngoài cổng trạm trộn bê tông cũng không có bảng hiệu, hay đề tên doanh nghiệp nào.
Dự cảm trạm trộn bê tông này có vấn đề, ngay lập tức nhóm PV đã vào trực tiếp UBND phường An Khánh - nơi quản lý địa bàn để tìm hiểu thêm thông tin về tính pháp lý của dự án.
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Miên Thụy, Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh cho biết: Hiện tại theo tôi được biết thì trạm bê tông này đang ngưng hoạt động rồi, vì sắp tới hình như là sẽ cho di dời. Lúc trước trong quá trình công tác cũng nhiều lúc thấy có mấy xe bê tông ra vào thì có thể nó đi ngược chiều vậy thôi, chúng tôi có nhắc nhở phía chủ đầu tư để quản lý việc đó. Còn về thông tin cấp phép hoạt động thì được biết trước đây là có, mục đích là để phục vụ cho 4 tuyến đường trong khu vực Thủ Thiêm.
Nói thêm về nguồn gốc đất khu vực này, ông Thụy nói: Trước đây thì quận 2 quản lý, nhưng khi thu hồi đất xong thì lại giao về cho Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (sau đây gọi tắt là BQL Thủ Thiêm), sau đó BQL Thủ Thiêm mới giao đất cho các đơn vị thực hiện khai thác. Thành ra nhiều lúc mọi người cứ tưởng là đất thuộc địa bàn quận 2 quản lý, nhưng trên thực tế là không phải, cho nên có sự nhập nhằng giữa quản lý hành chính và quản lý nhà nước về mặt đất là vậy. Vừa rồi đại diện BQL Thủ Thiêm có làm việc với phía nhà đầu tư trạm này và đơn vị này cho biết là sắp tới sẽ đi cho nên tạm thời là họ không có làm gì. Thấy các xe có tập kết vô đó nhưng cũng không thấy có làm gì.
Tuy nhiên để có thêm thông tin cung cấp cho PV, sau đó ông Thụy cũng hỏi thêm một chuyên viên trong phường đang theo dõi trạm này thì vị này cho biết: Qua trao đổi dự kiến là đến tháng 11 sẽ bàn giao trạm, tuy nhiên trong thời gian hai tuần vừa rồi thì lại hoạt động liên tục, có việc cập cảng để bốc dỡ cát đưa lên liên tục, chứ không có thấy ngưng gì nữa. Thấy vậy nên các bộ phận chuyên môn vừa rồi cũng nhờ phối hợp để chụp hình đưa lên làm báo cáo đề xuất là di dời liền chứ không chờ nữa. Vị chuyên viên này cũng cho biết thêm là giấy phép trạm này đã hết hạn từ lâu rồi.
Theo hồ sơ mà chúng tôi có được ngay sau đó, trạm trộn bê tông này có diện tích tổng thể gần 7.650m2 bao gồm cả Bến thủy nội địa thuộc Công ty TNHH Bê tông Thủ Thiêm (địa chỉ đặt tại 418/2B Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Phú Nhuận, TP.HCM) do ông Nguyễn Hùng Hưng làm Giám đốc.
Trạm trộn bê tông này mọc lên là nhằm mục đích cung cấp bê tông và tập kết vật tư thi công công trình cho các dự án BT (04 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm) có thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/1/2018. Như vậy theo hồ sơ cho thấy trạm trộn bê tông và cả bến thủy nội địa này đã hết thời hạn tồn tại - đúng như thông tin mà lãnh đạo phường An Khánh trao đổi trước đó.
Hỏi thêm về hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật để được xây dựng trạm trộn bê tông này, ông Thụy cho biết nên làm việc với UBND quận 2 hoặc BQL Thủ Thiêm để có thông tin thêm chứ hồ sơ tại phường chỉ có bấy nhiêu thôi.
Tiếp tục mở rộng, ngay lập tức chúng tôi đã liên hệ UBND quận 2 để tiếp tục làm rõ!
Cụ thể, tiếp chúng tôi theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng, đại diện Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) cũng đã có buổi làm việc với PV vào sáng ngày 16/10. Theo đó, trước những nội dung PV đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến trạm trộn bê tông thuộc Công ty bê tông Thủ Thiêm (dưới chân cầu Thủ Thiêm), vị đại diện Phòng QLĐT cho rằng trạm trộn bê tông này không nằm trong sự quản lý của UBND quận 2 mà thuộc quản lý của BQL Thủ Thiêm. Tuy nhiên để có thời gian chuẩn bị nội dung để cung cấp, trước mắt vị đại diện này cũng xin tiếp nhận và hứa sẽ cho rà soát lại hồ sơ pháp lý liên quan đến trạm trộn bê tông này để cung cấp sau cho PV.
Trạm trộn bê tông dưới chân cầu Thủ Thiêm, quận 2
Phát hiện trạm trộn bê tông dưới chân cầu Phú Mỹ đã hết hạn tồn tại! Mở rộng thêm thông tin liên quan đến một trạm trộn Bê tông khác nằm ngay dưới chân cầu Phú Mỹ thuộc địa bàn quận 2 quản lý - nơi nhóm PV đã khá vất vả để theo đuôi chiếc xe bồn bê tông để vào tận nơi có trạm trộn bê tông khi trên người chúng tôi đã bám đầy bụi đường mù mịt.
Trao đổi về trạm trộn bê tông này, đại diện Phòng QLĐT cho biết: trước đây đơn vị thi công cầu Phú Mỹ có xin thành phố để lập trạm trộn bê tông nhằm phục vụ cho việc thi công cầu Phú Mỹ, đến khi xây xong thì phải trả lại nguyên trạng. Nhưng khi xây xong cầu Phú Mỹ thì họ vẫn xin tồn tại để khai thác thêm một thời gian nữa, sau đó thành phố cũng cho nhưng giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quản lý và cho phép thuê lại. Tuy nhiên hiện tại được biết là hợp đồng cho thuê đất để lập trạm trộn bê tông này cũng đã hết hạn rồi. Còn bây giờ họ lại tiếp tục đang xin cho làm tiếp. Nói tóm lại là trạm trộn bê tông này đã hết thời hạn tồn tại. Chúng tôi cũng sẽ thu thập dữ liệu thêm để cung cấp cho PV trong vài ngày tới - vị đại diện Phòng QLĐT khẳng định!
Ngoài hai trạm trộn bê tông – được chúng tôi ví như “bầu sữa” này, nhóm PV còn nhận được phản ánh của bạn đọc thêm vài trạm trộn bê tông đang gây ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con đều nằm trên địa bàn quận 2. Liên quan đến hồ sơ pháp lý của những trạm trộn bê tông này, đại diện Phòng QLĐT cũng hứa sẽ cung cấp thông tin sau.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Chính Kỳ, Trọng Hiếu, Thanh Vĩnh