(CLO) Với gần 600 doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm, lượng vốn đăng ký mỗi doanh nghiệp đạt trên 76 tỷ đồng đưa số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp bất động sản lên tới 45.584 tỷ đồng, tăng gần 407% so với cùng kỳ 2015.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin về tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trong quý I/2016. Trong đó, kinh doanh bất động sản (BĐS) đang hút số lượng vốn lớn cũng như số doanh nghiệp thành lập nhiều nhất cả nước.
[caption id="attachment_94968" align="aligncenter" width="660"]
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, DN thuộc lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS) có số DN đăng ký thành lập mới, số vốn thành lập tăng mạnh nhất. (Ảnh:Internet)[/caption]
Trong quý I/2016, cả nước có thêm 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và 67,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Như vậy, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Trong đó, kinh doanh BĐS đang hút số lượng vốn lớn cũng như số doanh nghiệp thành lập nhiều nhất cả nước. Số DN đăng ký thành lập mới đạt 596 DN, tăng 146%; số vốn đạt hơn 45.500 tỷ đồng, tăng 406,9% so với cùng kỳ năm trước 2015.
Theo đánh giá của Bộ Xây Dựng, NHNN và các tổ chức quốc tế, thị trường BĐS Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nhờ chính sách tín dụng rộng mở, các Luật mới như: Kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở… Hiện, tổng dư nợ tín dụng của thị trường BĐS theo báo cáo của Bộ Xây Dựng đạt 390.000 tỷ đồng (18,5 tỷ USD), tăng trên 10% so với năm 2010.
Giao dịch tốt là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng và vốn của doanh nghiệp BĐS tăng đột biến. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, thị trường Hà Nội tháng 3/2016 có 1.200 giao dịch thành công, còn tại TP HCM có 1.150 giao dịch thành công ở các dự án đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư có uy tín. Bên cạnh đó, theo Luật Kinh doanh Bất động sản, từ ngày 1/7/2015 các doanh nghiệp bất động sản phải có vốn pháp định trên 20 tỷ đồng, khiến nguồn vốn đăng ký của doanh nghiệp BĐS tăng mạnh.
Hầu hết các tổ chức tài chính trong nước đều có cái nhìn lạc quan về thị trường BĐS năm nay khi bắt đầu làn sóng hội nhập. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, BĐS là ngành xếp thứ hai trong lĩnh vực quan tâm của các nhà đầu tư FDI với vốn đăng ký khoảng 240 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, các DN BĐS đang phải dựa vào 3 chân tín dụng để kinh doanh: vốn tự có, vốn vay ngân hàng và vốn huy động của khách hàng. Trong đó, phần lớn các DN phát triển BĐS hiện nay dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn vay của khách hàng qua huy động theo tiến độ.
Ông Nam cho biết: "Luật Kinh doanh Bất Động sản 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định, các DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định 20 tỷ đồng mới được tham gia vào đăng ký thành lập, đầu tư và kinh doanh BĐS. Quy định này đảm bảo loại bỏ các DN yếu kém chỉ vài tỷ đồng đi kinh doanh BĐS vừa tạo dựng được nhiều khoản bảo lãnh đối với thị trường và người dân".
[su_note note_color="#a1f5d8"]
“BĐS là hình thức đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế ổn định, vàng và tiền tệ không trở thành kênh kinh doanh, kênh thanh toán mà là tài sản sinh lời, hay thậm chí cổ phiếu chứng khoán cũng không hấp dẫn như BĐS, đã cho thấy BĐS đang ngày càng nở rộ và phát triển, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường này ngày một tăng mạnh" - ông Nam khẳng định. [/su_note]
T.Tân