Đà tăng của nhóm ngành ngân hàng đã diễn ra trong thời gian tương đối dài và giá cổ phiếu ngành ngân hàng, theo nhận định vẫn được neo ở mức cao. Triển vọng của nhóm ngành ngân hàng vẫn rất lạc quan, là nhóm ngành chịu tác động trực tiếp của tăng trưởng kinh tế cũng như các chính sách vĩ mô, như nới lỏng cung tiền hay nâng trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), năm 2018, dự báo hệ thống tài chính tiếp tục đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, khoảng 19,3% so với cuối năm 2017. Cơ cấu nguồn cung ứng bền vững hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và tăng nguồn trung dài hạn từ thị trường vốn. Dự kiến, cung ứng từ thị trường vốn tăng 22,5% và từ hệ thống TCTD vào khoảng 17,5%.
Năm 2018, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, mức tăng trưởng tương đương với 3 năm gần đây, vào khoảng 18% -19%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh, có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung dài hạn và tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn. Tín dụng tiêu dùng dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao và là mảng hoạt động chiến lược của nhiều ngân hàng trong năm 2018. Chất lượng tín dụng được cải thiện nhờ xử lý quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, các TCTD yếu kém đặc biệt là 3 ngân hàng 0 đồng đang có những dấu hiệu tích cực, khuôn khổ pháp lý cho xử lý tài sản xấu dần được hoàn thiện, các yếu tố kinh tế vĩ mô hỗ trợ mạnh.
Về thanh khoản hệ thống năm 2018 sau 5 tháng đầu năm vẫn được dự báo tương đối ổn định. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn có xu hướng giảm do các TCTD đang chủ động cơ cấu lại nguồn và sử dụng nguồn, xu hướng tăng cho vay ngắn hạn và tăng huy động tiền gửi kỳ hạn dài và phát hành GTCG.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo dựa trên 2 kịch bản là kịch bản cơ sở và kịch bản cao. Ảnh: NHNN
Tỷ giá năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục ổn định. Tỷ giá trong năm 2018 có nhiều yếu tố hỗ trợ đó là: Cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tại các nước mới nổi và đang phát triển tiếp tục xu thế tăng so với năm trước (IMF, WEO-T10); dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực. Trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đang có xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo dựa trên 2 kịch bản là kịch bản cơ sở và kịch bản cao. Kịch bản thứ nhất, với kịch bản cơ sở - tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,83% và lạm phát ở mức dưới 4,5% khi đầu tư giữ tốc độ tăng ổn định, tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn và xuất khẩu, hệ thống tài chính ổn định. Thứ hai, với kịch bản cao – tăng trưởng ước đạt 7,02% và lạm phát ở mức 4,8% khi nền kinh tế đạt những kỳ vọng như kịch bản cơ sở, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế trong năm 2018.
Nền tảng nền kinh tế Việt Nam đang rất tốt, tuy nhiên vẫn có những ảnh hưởng từ bên ngoài rất rõ, ví dụ như chiến tranh thương mại, chiến sự ở Trung Đông hoặc khi Fed (Ngân hàng Trung ương của Mỹ) tăng lãi suất trở lại, đó là yếu tố bên ngoài tác động vào Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá đó là những yếu tố có thể tác động trong ngắn hạn. Đặc biệt là thị trường chứng khoán sau những tháng đầu năm tăng trưởng thuộc top đầu thế giới đã trải qua tháng 4 và 5 không mấy tích cực khi tình trạng ảm đạm vẫn kéo dài. Những tháng cuối năm cũng sẽ khó đoán biết khi mà tính liên thông của thị trường Việt Nam với thế giới đã lớn hơn và dễ bị tác động bởi những yếu tố kinh tế - chính trị bên ngoài.
Đồng thời với đó, dòng vốn ngoại ồ ạt đổ vào các ngân hàng thương mại trong nước đang cho thấy sức hấp dẫn của ngành này đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với những cải cách mạnh mẽ từ quá trình tái cơ cấu, tiềm năng từ thị trường tài chính Việt Nam là điều nhà đầu tư đang nhận thấy rõ.
Mới nhất, trong tháng 3 vừa qua, Techcombank đã công bố thông tin về khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus. Với hơn 370 triệu USD, hệ thống NHTM cổ phần Việt Nam đã được bổ sung một khoản đầu tư không nhỏ từ khối ngoại.
Trước Techcombank, nhiều ngân hàng trong nước cũng đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư từ khối ngoại. Điển hình như VPBank với 250 triệu USD, HDBank với 300 triệu USD, hay TPBank với 40 triệu USD… Trong đó, thương vụ của HDBank gây chú ý đặc biệt với sự xuất hiện nhiều định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như: Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JP Morgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital (Anh)…
Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, nhiều khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư mới vào thị trường tài chính Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài với các NHTM trong nước. Điều này có ý nghĩa tích cực trong xu thế hội nhập, bởi để tăng cường cạnh tranh và khẳng định vị thế, các ngân hàng trong nước sẽ lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài có tiềm lực tài chính vững mạnh và uy tín hàng đầu tham gia mua cổ phần.
Việc hợp tác này cũng sẽ giúp các ngân hàng trong nước nâng tầm vị thế, mở rộng cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh. Đó cũng là lý do vì sao thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng đã đề xuất nới “room” cho đối tác ngoại để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các NHTM trong nước.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy nhiều tiềm năng từ thị trường tài chính Việt Nam. Đầu tư, củng cố về quản trị, công nghệ là những việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi rót vốn vào các nhà băng nhằm khai thác mảnh đất màu mỡ trong phát triển dịch vụ tài chính qua di động.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa ký kết cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài khi có rất nhiều điều khoản liên quan đến các ngân hàng nước ngoài có thể hoạt động tại một trong những quốc gia thành viên của CPTPP mà ko cần phải mở chi nhánh.
Cũng theo ông Hiếu, sau giai đoạn đầu tái cơ cấu hệ thống với nhiều khó khăn (2011 - 2015), hệ thống NHTM Việt Nam đang ở giữa giai đoạn hai của tái cơ cấu (2016 - 2020) với những nét chuyển động mới và tích cực hơn. Với những cải tiến mạnh mẽ, ngành ngân hàng đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, quản trị.
Với những chính sách đang thực thi, có thể thấy sự kỳ vọng của thị trường tài chính Việt Nam ổn định từ nay đến cuối năm./.
Bảo Anh