Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được coi là phát triển nhưng lại thiếu yếu tố về liên kết (Ảnh TL)
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong 4 bộ tiêu chí được đưa ra (Tốc độ tăng GDP, cơ cấu kinh tế, đô thị hóa và tỷ lệ hộ nghèo) thì các vùng KTTĐ chưa đạt chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội như đã đặt ra.
Theo đó, với 4 vùng KTTĐ, chỉ có Vùng KTTĐ Bắc bộ đạt 2 chỉ tiêu về GDP và đô thị hóa, gần đạt chỉ tiêu cơ cấu kinh tế nhưng chưa đạt chỉ tiêu giảm nghèo. 3 vùng còn lại không đạt được chỉ tiêu nào.
Trong các vùng đã xuất hiện tình trạng tăng trưởng kinh tế, trình độ phát triển, năng lực kinh tế của các vùng KTTĐ không đồng đều. Hoạt động kinh tế các vùng manh mún, kém hiệu quả.
Đơn cử 2 vùng KTTĐ Bắc bộ và KTTĐ phía Nam đóng góp tới 78,1% vào xuất khẩu chung cả nước, 2 vùng còn lại chỉ đóng góp 2,5%.
Từ 1997, Chính phủ đã lựa chọn 22 tỉnh có khả năng đột phá hình thành nên 4 vùng KTTĐ nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với tốc độ cao và bền vững.
4 vùng KTTĐ bao gồm: vùng KTTĐ Bắc bộ gồm 5 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Dương). Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Vùng KTTĐ phía Nam gồm 2 cụm tỉnh: cụm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai) và 4 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. Vùng KTTĐ ĐBSCL được thành lập gồm 4 địa phương (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau).
Bên cạnh tiêu chí, cũng theo nghiên cứu, đến nay bốn vùng KTTĐ này vẫn duy trì sản xuất khép kín, thiếu liên kết, dẫn đến cạnh tranh không hiệu quả và triệt tiêu các lợi thế của các tỉnh khiến nền kinh tế vẫn manh mún, nhỏ lẻ, nguồn lực vẫn bị phân tán và lãng phí.
Các chuyên gia cho rằng, để các vùng KTTĐ phát huy được lợi thế, thực sự là các vùng KTTĐ trong một liên kết lợi ích tổng thể, cần ban hành chính sách vượt trội bằng một luật hay một nghị định về phát triển vùng KTTĐ nhằm thể chế hóa, giải quyết các điểm nghẽn về thể chế của vùng.
An Nhiên