Thổi hơi thở đương đại vào “Truyện Kiều” trên sân khấu kịch Tây - Ta

Thứ sáu, 18/10/2019 14:57 PM - 0 Trả lời

(CLO) Với 3.254 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, “Truyện Kiều" được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và trở nên bất tử không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trên sân khấu kịch của cả Tây lẫn Ta, các đạo diễn đã thổi được hơi thở đương đại vào tác phẩm kinh điển này.

Truyện Kiều” được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, góp phần quan trọng cho thấy tầm vóc tư tưởng và tài năng văn chương của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm được Trung tâm Văn hóa, Khoa học thế giới UNESCO tôn vinh như một tài sản vô giá của nhân loại, tái bản rất nhiều lần cũng như được chuyển soạn sang nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Một cảnh trong vở

Một cảnh trong vở "Kim Vân Kiều" do nghệ sĩ Nhà hát kịch L’Attrape Théâtre (Pháp) thể hiện.

Nàng Kiều trong các bộ vest đen

Dự án tái hiện thân phận nàng Kiều trên sân khấu do Viện Goeth của Đức hỗ trợ, vừa được tổng duyệt và ra mắt khán giả Hà Nội đêm 12 và 13/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ và khán giả TP. HCM ngày 19/10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đêm diễn có 4 tiết mục về nàng Kiều do 4 đạo diễn dàn dựng: đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ), đạo diễn - NSƯT Trần Lực (LucTeam) và NSND Hồng Vân (sân khấu kịch Hồng Vân). Mỗi tiết mục kéo dài khoảng 20 - 25 phút. Từng làm những vở về nàng Kiều, từ kịch hình thể đến kịch nói, nay đạo diễn Bùi Như Lai tiếp tục "đặt tính biểu tượng gần như hàng đầu", kết hợp kịch hình thể, kịch nói với loại hình kịch đọc. "Tôi có nhờ tác giả Thu Phương trong Sài Gòn chấp bút kịch bản cho mình với bốn chủ đề chính: định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do. Dự kiến có khoảng 10 diễn viên tham gia. Chìa khóa để tôi giải mã thân phận nàng Kiều là thông qua hai hình thức kịch đương đại và kịch đọc", đạo diễn Như Lai nói. Khi được mời dựng Kiều chỉ 20 - 25 phút mà vẫn đảm bảo hấp dẫn và nổi bật tinh thần hiện đại, anh cho rằng đây là một thử thách, một bài toán để các đạo diễn phải suy nghĩ nhiều. Hai hình ảnh nàng Kiều của thời cổ xưa và nàng Kiều của thời hiện đại cứ như quấn chặt vào nhau, lạ lùng là mấy trăm năm cách biệt nhưng nghịch cảnh và những tâm tư cứ thế tương đồng. Những day dứt cứ thế hoang hoải: Phụ nữ sinh ra cả thế giới, cớ sao họ dễ dàng bị đẩy xuống bùn đen?...

“Nàng Kiều” do đạo diễn Amelie Niermeyer với hình thức kịch tài liệu đầy mới mẻ ở Việt Nam.

“Nàng Kiều” do đạo diễn Amelie Niermeyer với hình thức kịch tài liệu đầy mới mẻ ở Việt Nam.

Tiết mục của đạo diễn Amélie Niermeyer không có nhân vật nàng Kiều trên sân khấu. Lấy không gian ở một nhà hàng, nơi cô Quỳnh được chồng tổ chức buổi sinh nhật và tặng cho cô món quà là quyển "Truyện Kiều". Vở diễn mở ra những cuộc bàn luận sôi nổi về Kiều giữa nhóm bạn của Quỳnh và các thực khách khác trong nhà hàng.

Đạo diễn Amélie Niermeyer chia sẻ, lần đầu tiên đọc "Truyện Kiều" cách đây 2 năm bà đã rung động với câu chuyện đoạn trường của Kiều. Bà xây dựng nên cấu trúc và nội dung cho tác phẩm (với sự hỗ trợ của biên kịch Hoàng Trang) sau khi phỏng vấn các diễn viên về "Truyện Kiều". "Tôi muốn khuyến khích những cuộc thảo luận không chỉ về nàng Kiều mà còn về vai trò của người phụ nữ trong xã hội đương đại" - đạo diễn Amélie Niermeyer nói. Với tình yêu với nàng Kiều, đạo diễn Trần Lực đã xây dựng cho sân khấu LucTeam một tiết mục độc đáo, có múa đương đại kết hợp với những hình thức của tuồng, nghệ thuật truyền thống. Các nhân vật mặc trang phục hiện đại. Lối thể hiện vẫn trung thành với sân khấu ước lệ biểu hiện (tả ý). Trên nhạc nền của bộ trống gõ, nàng Kiều trong trang phục vest đen bày tỏ tâm tư, kể lại cuộc đời mình. Lời thoại phối hợp nhịp nhàng với những câu thơ Kiều. Đạo diễn Trần Lực bày tỏ: "Trải qua bao cuộc bể dâu, bao nhiêu biến cố mà nàng Kiều vẫn rất mạnh mẽ, yêu đời, khát khao sống. Những người phụ nữ như vậy xứng đáng có được cuộc sống hạnh phúc".

Câu chuyện nhưng mới

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, người được phân công phụ trách đưa Kiều lên sân khấu, chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện chương trình này như những góc nhìn khác nhau về nàng Kiều thông qua nghệ thuật sân khấu. Chương trình này không phải đưa Kiều trở lại như một tác phẩm văn chương của quá khứ, mà làm thế nào để tạo ra cuộc đối thoại cùng con người hôm nay, để tìm ra sự liên quan giữa các câu chuyện tưởng như xưa cũ về những vấn đề xoay quanh tình yêu, đạo hiếu, công lý, tha hóa quyền lực...”.

NSƯT Bùi Như Lai và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã gây ấn tượng với khán giả về thân phận nàng Kiều.

NSƯT Bùi Như Lai và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã gây ấn tượng với khán giả về thân phận nàng Kiều.

Từ kịch bản của Lê Quốc Nam với sở trường kịch kinh dị, tiết mục của sân khấu Hồng Vân khai thác những cuộc báo mộng của Đạm Tiên với Kiều, khuyên nàng đừng vì hận thù mà sa vào những cuộc báo oán triền miên. NSND Hồng Vân tỏ vẻ hồi hộp: "Tác phẩm của các anh chị phía Bắc quá công phu, khổ luyện, còn tiết mục của chúng tôi mang đến sự dung dị, chân phương. Cách chúng tôi làm là vận dụng âm nhạc, nhấn vào ca khúc, ca từ. Giai điệu, nhạc phối cho tác phẩm đều do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết. Với tiết mục này, tôi muốn mọi người cùng suy ngẫm số phận nàng Kiều, và tất cả chúng ta ở đây là do thiên định hay nhân định?".

Cũng từng diễn kịch, cải lương từ tác phẩm “Truyện Kiều”, lần này đạo diễn Lê Quốc Nam tự tay viết kịch bản. Anh cho biết sẽ khai thác phân đoạn Kiều trả thù những kẻ đã rắp tâm hãm hại mình, dùng thủ pháp kịch kinh dị bên cạnh sử dụng vũ đạo. Tại phía Nam, nhà hát Thế Giới Trẻ của Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP. HCM cũng đã lên kế hoạch cho vở diễn “Kiếp hồng nhan” (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Khác với những lần trước chỉ một mình bỏ tiền đầu tư, lần này NSƯT Hoàng Yến nhận được sự hợp lực của nhiều nghệ sĩ để cùng làm nên tác phẩm. Đây cũng là vở đông diễn viên nhất so với các vở mà Hoàng Yến làm "chủ xị", gồm 10 người: Hoàng Yến, Phạm Thục, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, họa sĩ tranh cát Trí Đức, Xuân Hồng, Lê Hoàng Giang, Mi Lê... Êkip tiết lộ vở sẽ được dàn dựng mang tính chất hiện đại, không dùng thơ của Nguyễn Du nhưng xem vẫn thấy... rất Nguyễn Du, nhấn mạnh vào các nhân vật "biểu tượng" như Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh... Êkip đang trăn trở để xây dựng nàng Kiều sao cho ấn tượng.

Mang Kiều lên sân khấu rối cạn

Lần đầu tiên "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du được dựng kịch rối tại Hà Nội. Vở diễn có tên “Thân phận nàng Kiều”, đang được Nhà hát Múa rối VN dàn dựng, với hy vọng làm nên một tác phẩm sân khấu thử nghiệm đầy tính sáng tạo để tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4 năm 2019 diễn ra cuối tháng 10. Vở kịch do NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối VN - chuyển thể kịch bản và đạo diễn từ kịch bản của NSND Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu; họa sĩ tạo hình là Lê Đình Nguyên (Nguyên "trâu"), âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và đương đại do nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đảm nhiệm. NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết từ lâu anh đã ấp ủ ý định dựng kịch rối Kiều, nhưng phải tới nay mới đủ dũng cảm thử sức với tác phẩm kinh điển này. Vở rối cạn này sẽ hướng tới khán giả người lớn.

Thắng lợi sân khấu Pháp

Trước đó, cuối tháng 9/2019, lần đầu tiên “Truyện Kiều” được đưa lên sân khấu nhạc kịch với kịch bản được dịch sang tiếng Pháp, do các nghệ sĩ tài năng của Pháp và Việt Nam thể hiện, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace - 24 Tràng Tiền, Hà Nội, sân khấu kịch Idecaf và Trung tâm văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Nhà hát kịch Nhà hát L’Attrape Théâtre (Paris –Pháp) thể hiện “Truyện Kiều” dưới dạng opera với kịch bản được chuyển thể và soạn từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện, do đạo diễn tài năng Christophe Thiry thực hiện. Vở diễn thuộc thể loại thể nghiệm, cho nên Thúy Kiều được cả nghệ sỹ Pháp thể hiện như một nhân vật hòa trộn văn hóa của cả Pháp và Việt Nam, với âm nhạc sử dụng cả truyền thống và hiện đại (nhạc cổ truyền dân tộc của Việt Nam và nhạc hiện đại của Pháp). Các nghệ sỹ trình bày cả opera và pop, vừa hát và chơi đàn như violon, piano, guitare. Phần âm nhạc truyền thống của Việt Nam như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu do hai nhạc sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam (Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và Đoàn nhạc Gõ Phù Đổng) thể hiện. Phần âm nhạc là một thể nghiệm độc đáo, mới lạ của vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều.”

Ở “Ngẫm Kiều”, đạo diễn, NSND Hồng Vân và các ngôi sao sân khấu miền Nam đã chọn cách thể hiện nhẹ nhàng, mộc mạc...

Ở “Ngẫm Kiều”, đạo diễn, NSND Hồng Vân và các ngôi sao sân khấu miền Nam đã chọn cách thể hiện nhẹ nhàng, mộc mạc...

Đạo diễn Christophe Thiry đưa vào vở nhạc kịch nhiều chi tiết mới lạ. Câu chuyện về cuộc đời, thân phận nàng Kiều vẫn là mạch nguồn chính của tác phẩm nhưng tuyến nhân vật, không gian, thời gian của “Kim Vân Kiều” được mở rộng, nối dài. Bối cảnh xã hội Việt Nam từ thời phong kiến đến hiện đại được tái hiện trong nhạc kịch “Kim Vân Kiều”. Đặc biệt, bên cạnh nàng Kiều (theo nguyên tác của Nguyễn Du), êkíp sáng tạo đã đưa vào tác phẩm nhạc kịch hai nhân vật mới: hai người phụ nữ (đến từ châu Phi, châu Mỹ). Cuộc sống, số phận của họ có nhiều điểm tương đồng với nhân vật Thúy Kiều. Đó là những người phụ nữ mang khát vọng tự do, khát khao hạnh phúc và niềm tin vào sức mạnh của những điều chính nghĩa khi phải đối diện, vượt lên nghịch cảnh, sự trớ trêu của số phận. “Điều này một lần nữa khẳng định tài năng của đại thi hào Nguyễn Du và giá trị phổ quát của “Truyện Kiều”. Nhờ đó, tác phẩm trụ vững cùng thời gian, vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác, chuyển soạn cho các nghệ sỹ ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trên thế giới”- đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Những nhân vật chính của vở diễn này do các nghệ sỹ Pháp hóa thân. Trước đó, vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” đã chính thức ra mắt tại Thủ đô Paris (Pháp) vào tháng 6/2017. Đại diện Viện Pháp tại Việt Nam cho biết, 5 đêm diễn “Kim Vân Kiều” tại Paris đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả và những ý kiến đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.

Nguyễn Hưng- L.Đoan

Tin khác

Đặc sắc lễ hội rước nước trên sông Hồng

Đặc sắc lễ hội rước nước trên sông Hồng

(CLO) Lễ hội rước nước tại đình làng Phú Xá (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa diễn ngày 18/3 với sự tham gia nhiệt tình của hàng trăm người dân Thủ đô. Đây là lễ hội truyền thống nhằm tỏ lòng thành kính, cảm tạ Thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nhân dân có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Đời sống văn hóa
Chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại Ninh Bình

Chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại Ninh Bình

(CLO) Tối 18/3, tại sân khấu Thủy Đình, Phố cổ Hoa Lư, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Trường Đại học Hoa Lư phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào. Chương trình nhằm quảng bá văn hóa Lào tại tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Ghé thăm động Hoa Lư - Căn cứ khởi nghiệp của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh

Ghé thăm động Hoa Lư - Căn cứ khởi nghiệp của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh

(CLO) Cùng với Cố đô Hoa Lư nổi tiếng, động Hoa Lư cũng là một trong những di tích tiêu biểu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng. Nên ngày nay, nhiều du khách khi đi du lịch Ninh Bình sẽ lựa chọn tham quan, trải nghiệm thêm động Hoa Lư.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Tổ chức lễ cầu an tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Miếu Hai Thôn

Thái Bình: Tổ chức lễ cầu an tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Miếu Hai Thôn

(CLO) Tối ngày 18/3, tại di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra lễ cầu an. Đến dự có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê mở triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê mở triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

(CLO) Ngày 18/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kết hợp với họa sĩ Phan Ngọc Khuê khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.

Đời sống văn hóa