Thỏi nam châm thu hút dòng vốn ngoại

Thứ năm, 05/04/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục giao dịch khá sôi động trên thị trường chứng khoán Việt Nam và số tiền rót vào đây tiếp tục gia tăng

Khối ngoại tăng mạnh

Trong tuần cuối cùng của tháng 3 vừa qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 28,4 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với tổng giá trị mua ròng lên 424,77 tỉ đồng. Động thái này tiếp theo việc các nhà đầu tư này cũng mua ròng trong tuần trước đó với trị giá hơn 520,3 tỉ đồng.

Theo tổng kết của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ đầu năm đến giữa tháng 3 khối ngoại đã mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam xấp xỉ 547 triệu USD, trong đó bao gồm 485 triệu USD cổ phiếu và 61 triệu USD trái phiếu. Như vậy tính chung đến hết quý 1, số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam  đạt gần 589 triệu USD, tương đương khoảng 13.400 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong quý 1 năm nay đã có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,89 tỉ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,34 tỉ USD và 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD. Dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Báo Công luận
 Tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước nhanh hơn cũng là yếu tố đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán trong giai đoạn này là nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục 6,7% của GDP năm 2017. Quan trọng hơn, GDP được dự báo sẽ duy trì trung bình trên 6,3% trong giai đoạn 5 năm, tức là Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất thế giới. 

Mặc dù có một số thách thức nhưng có thể khẳng định là vị thế mà thị trường chứng khoán Việt đang đứng hiện vững chắc hơn nhiều so với cách đây 11 năm. Theo Công ty chứng khoán VnDirect, nhìn một cách khách quan thì diễn biến và chất lượng thị trường sau 11 năm đã có sự khác biệt khá nếu không xét về điểm số.

Đó là thị trường đang ở đỉnh cao trong lịch sử xét về quy mô, số lượng DN niêm yết và tính thanh khoản. So với giai đoạn năm 2007, mức vốn hóa thị trường đã thay đổi từ 423.000 tỷ đồng lên 3.360.000 tỷ đồng (chiếm 70% GDP), tức tăng 8 lần.

Các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy hấp dẫn bởi các doanh nghiệp niêm yết mới; hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu Việt Nam gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Theo thống kê chưa đầy đủ giá trị danh mục chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến đầu tháng 12/2017 đã là 31 tỷ đô-la, tăng 81% so với thời điểm cuối năm 2016. Rất nhiều quỹ đầu tư có mức tăng trưởng NAV trên 30%, trong khi một quỹ đầu tư ở Nhật Bản tăng trưởng 3% đến 5% đã là thành công. Điều này tạo hiệu ứng hút các quỹ đầu tư lớn khác. Từ đầu năm 2017 đến nay, dòng vốn ngoại ròng vào thị trường khoảng 1,75 tỷ USD. Fed tăng lãi suất sẽ không thay đổi xu hướng này.

Khu vực bị ảnh hưởng nhất khi Fed tăng lãi suất là thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, khối ngoại hiện chỉ nắm 5,3% trái phiếu Chính phủ và hầu hết đó là khoản đầu tư của các chi nhánh ngân hàng ngoại đặt tại Việt Nam, nên tác động chung là không lớn. Khi FED thực hiện các bước tăng lãi suất cơ bản, điều khiến các thị trường lo ngại chính là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi. Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát tín hiệu về mối lo ngại đó.

Về yếu tố định tính, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh về điểm số, nhưng chưa có sự đồng thuận của nhiều nhóm ngành, thay vào đó được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu bluechips, ngân hàng. Do đó, thị trường đang ở vùng đỉnh như hiện nay khiến giới đầu tư có xu hướng bán ra. Thêm vào đó, thị trường bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cách điều hành “bay nhảy” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và dự báo điều này có thể lặp lại trong tương lai.

Vậy cần phải nắm bắt cơ hội này như thế nào để phát triển thị trường chứng khoán ổn định và bền vững cũng như tối ưu hóa hiệu quả cho nền kinh tế.

Sôi động nhưng thận trọng

Ông David Do, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VIG chia sẻ, tổng số tiền mà các quỹ ETF trên thế giới đang quản lý khoảng 5.000 tỷ USD; tại Việt Nam, ETF chỉ mới quan tâm vài năm qua. Các quỹ ETF lớn thường giải ngân khoảng 25-50 triệu USD, trong khi thị trường Việt Nam không có nhiều cổ phiếu và đủ lớn để các quỹ rót tiền. Đối với các quỹ đầu tư quốc gia, tổng số tiền đang quản lý là 8.000 tỷ USD, trong đó lớn nhất là quỹ đầu tư của Na Uy, khoảng 1.000 tỷ USD. 

Các quỹ này thường quan tâm tới bất động sản, cơ sở hạ tầng và giao tiền cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác. Chẳng hạn, VIG đang quản lý tài sản 500 triệu USD, trong đó có tiền của các quỹ đầu tư quốc gia. Ông David Do nhìn nhận, để các quỹ đầu tư quốc gia lớn như của Na Uy tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là khó. Với dòng vốn từ Hàn Quốc, nhiều tập đoàn của nước này đã đầu tư lâu năm tại thị trường Việt Nam, có thặng dư và họ muốn tái đầu tư.

Hiện họ tham gia đầu tư cả bất động sản, chứng khoán và góp vốn cổ phần (private equity). Còn dòng vốn từ Nhật Bản đã chảy vào Việt Nam từ lâu. Đáng chú ý, khoảng 2 năm qua, dòng vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khá nhiều.

Dòng vốn đầu tư vẫn đang vào ròng đã trở thành một chỉ báo quan trọng, cũng như lực đỡ thực tế trên thị trường. Dòng vốn gián tiếp có độ nhạy cảm cao và rất linh hoạt. Nếu thị trường chứng khoán có dấu hiệu bất ổn, dòng vốn này sẽ ngay lập tức được thu về thông qua các quỹ mở, quỹ ETF hay các hợp đồng ủy thác. Biểu hiện chung sẽ là tình trạng bán ròng trên thị trường.

Những sự kiện mới xuất hiện gần đây như FED tăng lãi suất, các rào cản thương mại quốc tế về lý thuyết là sẽ làm gia tăng rủi ro trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy mức độ tác động tới các thị trường là khác nhau, đồng thời việc các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro đến mức nào mới là yếu tố quyết định. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại vẫn đang vào ròng thị trường Việt Nam khoảng 9.700 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần 3 tháng đầu năm 2017. Mức vốn vào tăng lên thì không thể nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam bị đánh giá là rủi ro cao hơn các thị trường khác.

Trong bức tranh kinh tế vĩ mô, vấn đề cần theo dõi là tăng trưởng tín dụng. Trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng Việt Nam hơn 15%. Cuối năm 2017, tổng tín dụng trong nước là 130% GDP. Năm 2011, việc tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đã khiến lạm phát lên đến 18,1%. Hiện tăng trưởng tín dụng không cao như trước, miễn là duy trì dưới mức 20% thì sẽ, không có nguy cơ về lạm phát.

Tuy nhiên, nguy cơ về nợ xấu đang tăng. Hầu hết các ngân hàng vừa hoàn tất bán nợ cho VAMC để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (không tính khoản nợ đã bán cho VAMC).

Việc tăng trưởng tín dụng nhanh hơn 2,5 lần tốc độ tăng GDP cũng dẫn đến rủi ro nợ xấu. Những ngân hàng nào có chuẩn cho vay thấp và thu nhập ngoài lãi cao sẽ gặp nhiều rủi ro khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020.

Nguyễn Nam

Tin khác

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

(CLO) Không chỉ Funtap mà một công ty game liên quan cũng liên tục đăng ký mới phát hành game Trung Quốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

(CLO) Khách hàng sử dụng thẻ Tín dụng và Ghi nợ quốc tế cá nhân mang thương hiệu Vietcombank Visa có cơ hội nhận được Chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Pháp và vé tham gia Thế vận hội Olympic 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

(NB&CL) 36 năm hình thành và phát triển (26/3/1988 – 26/3/2024) là tròn 36 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kiên định và thực hiện xuất sắc sứ mệnh riêng vốn có của mình “vì Tam nông”.

Tài chính - Bảo hiểm
Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

(CLO) Ngày 22/3/2024, Vietcombank đã tổ chức thành công Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank” tại Trụ sở chính, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài chính - Bảo hiểm