Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Lê Viết Chữ- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi; Đặng Ngọc Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch HNBVN; Phan Hữu Minh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra (HNBVN); TS. Trần Bá Dung- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (HNBVN); Hà Minh Đích- Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Chủ tịch HNB Quảng Ngãi; cùng gần 200 đại biểu đến từ 10 Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin & Truyền thông, lãnh đạo cơ quan báo chí 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; cùng đông đảo phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương đến dự và đưa tin.
Đồng chí Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch HNBVN phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch HNBVN nêu rõ: Hiện nay, dù chúng ta tiếp cận ở bất cứ khía cạnh nào, ủng hộ hay phản đối, thích nghi hay phủ nhận… thì MXH vẫn tồn tại và sẽ chi phối đời sống của con người một thời gian nữa. MXH thực sự trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt báo điện tử) đã sử dụng mạng xã hội và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Đồng thời, các phóng viên-nhà báo sử dụng mạng xã hội (facebook, twitter. Instargram…) để chia sẻ thông tin lẫn nhau và là nguồn cung cấp tin, bài viết, hình ảnh…cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc một cách nhanh nhất. Đối với MXH gần như không có ranh giới thời gian và không gian. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt hạn chế, gây tác hại không nhỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc.
"Trên thực tế thời gian qua, trên mạng xã hội đã tồn tại vô vàn những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các nhà báo. Những thông tin như vậy gây hệ lụy không nhỏ với sự ổn định trong xã hội. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác như thế nào, yêu cầu cụ thể của chuẩn mực và thông tin có trách nhiệm gì, nhất là trong điều kiện hiện nay" đồng chí Mai Đức Lộc cho hay.
Sau hơn một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế; có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên- nhà báo khi tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn….
Từ những thực tiễn đặt ra như vậy, đồng chí Phó Chủ tịch HNBVN Mai Đức Lộc đề nghị và mong muốn tại tọa đàm này các đại biểu từ nhận thức và thực tế công tác của mình hãy tham gia, đóng góp những ý kiến xây dựng thật thiết thực. Trong đó, cụ thể hóa những tiêu chí “chuẩn mực” và trách nhiệm” của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thống khác, ngõ hầu giúp những người làm báo có nhận thức đúng đắn, góp phần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.
Đồng chí Lê Viết Chữ- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu chào mừng.
Phát biểu chào mừng tọa đàm, đồng chí Lê Viết Chữ- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đánh giá cao tính thời sự và cần thiết của chủ đề mà tọa đàm đề cập; nhân dịp này, đồng chí giới thiệu một cách khái quát về tình hình, kết quả đạt được trong phát triển - kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ngãi thời gian vừa qua. Đồng chí khẳng định, những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua ngoài sự cố gắng, nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn có sự đóng góp tích cực và thiết thực của các cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà báo, nhất là cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà báo thường xuyên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị và mong muốn HNBVN và các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo tiếp tục gắn bó chặt chẽ, luôn đồng hành cùng địa phương, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quảng Ngãi trong thời gian tới.
“Tiếp nối hoạt động của HNBVN tại Quảng Ninh và Cần Thơ, hôm nay Quảng Ngãi được chọn là nơi đăng cai tổ chức tọa đàm“Nhà báo và mạng xã hội” của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, tôi cho rằng đây là một diễn đàn hết sức có ý nghĩa, quan trọng, thực sự cần thiết và đúng đắn, là dịp để các nhà báo, người làm báo trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên trao đổi, giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm để cùng nhau tham khảo, vận dụng trong hoạt động thực tiễn công tác. Đặc biệt là dịp để các đại biểu thảo luận, tham gia đóng góp những ý kiến tâm huyết, thiết thực, cụ thể giúp Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các chế tài để triển khai thực hiện tốt các quy định về “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác ” góp phần xây dựng môi trường lành mạnh trong hoạt động báo chí; xây dựng đội ngũ nhà báo, người làm báo trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng và nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhấn mạnh.
Nhà báo Phan Hữu Minh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN phát biểu đề dẫn.
Đề dẫn tại tọa đàm, nhà báo Phan Hữu Minh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN cho rằng, hiện nay việc quản lý mạng xã hội rất khó, mỗi người dùng mạng xã hội như một Tổng biên tập, một địa chỉ kết nối với bạn đọc. Do vậy, các cơ quan báo chí, nhà báo lựa chọn các thông tin đưa lên mạng xã hội cần xác định điều gì nên đưa, không nên đưa.
Nhận thấy tầm quan trọng cũng như tính phức tạp của vấn đề, trước hết nhằm xây dựng, bổ sung nội dung cụ thể của Điều 5, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam thấy cần thiết phải có những quy ước cụ thể đối với hoạt động tác nghiệp của hội viên, phóng viên để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động báo chí. Vừa tạo điều kiện để nhà báo, hội viên nâng cao trình độ qua khai thác mạng xã hội, nắm bắt thông tin và các tiện ích qua mạng xã hội. Nhưng mặt khác cũng cần phải có những quy định phù hợp nhằm quản lý thông tin cũng như hoạt động của hội viên, nhà báo trên mạng xã hội. Bởi lẽ nhà báo, hội viên trước hết có nghĩa vụ công dân, đồng thời là cán bộ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước.
Yêu cầu chung là ban hành một quy định cho nhà báo, hội viên khi tham gia mạng xã hội, một mặt khuyến khích hội viên sử dụng thành tựu công nghệ mới, đồng phát huy trách nhiệm nhà báo, các cơ quan báo chí và các cấp Hội trong tác nghiệp và sử dụng mạng xã hội.
Với cách tiếp cận ở nhiều góc độ, cùng với tâm huyết, trách nhiệm, trên tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cuộc tọa đàm đã nhận được gần 15 ý kiến phát biểu, mặc dù bên cạnh một số ý kiến còn băn khoăn song tựu chung các đại biểu cùng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao việc Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm ở 3 khu vực Bắc- Trung- Nam về chủ đề mang tính thời sự “nóng”, cấp bách này.
Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm, chính lòng tự trọng nghề nghiệp của người làm báo không cho phép chúng ta dễ dãi trước các phát ngôn và hành vi của mình khi tham gia mạng xã hội. Do đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện Điều 5 trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, để các nhà báo luôn thể hiện được sự chuyên nghiệp, trung thực, chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội. Đồng thời các ý kiến đã đề xuất và cùng đi tìm giải pháp cho vấn đề này:
Đa số các ý kiến thống nhất rằng, một mặt, bản quy tắc cũng cần động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nhà báo, hội viên tích cực tham gia mạng xã hội, khai thác thông tin, phát hiện sự kiện để góp phần vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ, vừa bảo đảm tuyên truyền có định hướng của người làm báo chính thống; tạo luồng thông tin tích cực, chủ đạo, đúng định hướng, để dẫn dắt, nhân rộng điển hình, giảm tải tác hại… góp phần tạo ra một không gian mạng phát huy được lợi ích và hiệu quả cao nhất.
Mặt khác, các đại biểu cho rằng, bản quy tắc cũng cần có quy định rõ việc nhà báo, hội viên cần phải tránh những điều không làm trong các luật, quy định, đặc biệt Luật Báo chí những điều cần tránh để không vi phạm.
Phát biểu kết luận tọa đàm, thay mặt Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến mà các đại biểu đã hiến kế cho HNBVN. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ mong muốn, sau tọa đàm này, BTC tiếp tục được lắng nghe những tâm tư, góp ý, đề xuất một cách thẳng thắn nhất, để từ đó Hội Nhà báo Việt Nam tổng hợp, trao đổi, xây dựng và cụ thể hóa,... nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 5 về "chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác" của người làm báo trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Đồng chí Mai Đức Lộc đã trân trọng cảm ơn tình cảm, sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Hội Nhà báo Quảng Ngãi, cũng như các cơ quan, đơn vị tại địa phương để tọa đàm diễn ra chất lượng, hiệu quả, thành công tốt đẹp.
Theo BTC, từ các ý kiến tại cuộc tọa đàm hôm nay, cùng với các ý kiến đã thu nhận được từ 2 cuộc tọa đàm tại Quảng Ninh và Cần Thơ, BTC sẽ tập hợp, xây dựng bản dự thảo quy tắc và tiếp tục xin ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo HNBVN, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN… rồi mới có bản quy tắc chuẩn cuối cùng để chính thức ban hành.
Ngọc Lành