(CLO) Sau gần 2 năm ban hành, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đánh giá là thể hiện được tính ưu việt, chủ trương tốt, nhân văn, song vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế khiến quy định này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía giáo viên và phụ huynh học sinh.
[caption id="attachment_115809" align="aligncenter" width="800"]
Cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 sẽ được Bộ Giáo dục – Đào tạo điều chỉnh. Ảnh: Bích Việt[/caption]
Thông tư 30 còn những hạn chế
Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009 ban hành Quy định về đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, cách đánh giá mới nhằm đánh giá toàn diện: chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực, phẩm chất cần thiết nhất của học sinh. Việc đánh giá gồm hai phần: Đánh giá thường xuyên và Đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên không dùng điểm số mà thay vào đó là lời nhận xét, khuyến khích trong quá trình học tập của học sinh.
Thông tư 30 cho thấy học sinh bước đầu đã biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Cán bộ quản lý, bước đầu đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập.
Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng nhận thấy việc thực hiện Thông tư 30 còn có một số hạn chế. Cụ thể là việc đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn: Về sĩ số lớp vượt quá quy định. Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh vẫn cho rằng việc đánh giá học sinh thông qua điểm số thì mới chính xác và việc đánh giá thường xuyên học sinh bằng nhận xét, không chấm điểm, học sinh sẽ lười học hơn.
Ngoài ra, giáo viên còn mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Công tác quản lí ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh.
Đánh giá về Thông tư 30, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết : “Thông tư 30 tư tưởng tinh thần rất tốt, nhân văn. Tuy nhiên, khi triển khai gặp nhiều phản ứng trái chiều của giáo viên và phụ huynh. Cái mới trong thông tư 30 chưa được tuyên truyền, chưa có quá trình chuẩn bị. Thông tư 30 có đưa nhiều nội dung không đồng nhất, nó có thể gây ra 2 – 3 cách hiểu khác nhau. Hơn nữa, trong đó có những quy định để cho cấp quản lý giáo viên rất khó đồng nhất trong cách thực hiện”.
Điều chỉnh như thế nào cho phù hợp?
Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã đưa ra những định hướng phải sửa như các chuẩn kiến thức, chuẩn năng lực theo các khía cạnh là phải nêu rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, một số tiêu chí phải được lượng hóa. Tránh việc đánh giá từng ngày, mà đánh giá theo chu kỳ 1 tháng hoặc 3 tháng để tổng hợp các khía cạnh năng lực, sự tiến bộ của học sinh và trao đổi với phụ huynh.
Ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, thay đổi lớn nhất của việc sửa đổi thông tư sắp tới là bỏ sổ theo dõi chất lượng, thay vào đó là bảng tổng hợp nhằm giảm tải cho giáo viên. Trước đây, giáo viên phải ghi chép đánh giá, nhận xét thường xuyên hàng tuần, hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng, nay giáo viên được quyền chủ động ghi vào bảng tổng hợp cuối kỳ. Ngoài ra, thông tư sửa đổi cũng làm rõ khái niệm đánh giá định kỳ môn học, tiêu chí khen thưởng...
Trong quá trình thực hiện, Thông tư 30 sẽ được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền. Thực hiện Thông tư 30 sẽ theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục.
Bích Việt