
Dù Hà Nội đã mở rộng cửa, nhiều thủ khoa vẫn không về?
Một con số được đưa ra trong Chương trình gặp mặt, tuyên dương các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2011 do Thành đoàn Hà Nội tổ chức mới đây khiến người dân không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Đó là, trong 8 năm qua, Hà Nội liên tục “trải thảm đỏ” đón nhân tài, nhưng chỉ có 57 thủ khoa về làm việc tại các cơ quan, ban ngành của thành phố Hà Nội, chiếm tỷ lệ khiêm tốn là 6,62%. Và trong 57 thủ khoa đó, nay ai vẫn còn bám trụ, ai đã ra đi thì vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.
Giải thích về thực trạng trên, có ý kiến cho rằng, mặc dù thành phố đã mở rộng cửa, nhưng nhiều thủ khoa không có nguyện vọng về. Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều bạn thủ khoa đã không ngần ngại nói thẳng rằng, dù sao làm Nhà nước lương vẫn thấp, điều kiện làm việc kém thân thiện và cơ hội thăng tiến khá khó khăn.
Hiện nay, nhiều địa phương có chính sách thu hút nhân tài bằng lương và nhà, đất… Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, để thu phục người tài bằng tiền là chưa đủ, trong khi một số chính sách khác nghe thì hay nhưng đi vào thực tế mới thấy không phải lúc nào cũng giống như lời nói.
Hồi đầu năm nay, Navigos Search- một nhà cung cấp các giải pháp tuyển dụng nhân sự cao cấp- đã khảo sát trên 4.800 nhân sự cao cấp làm việc tại các công ty trong nước và các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, lương và thu nhập chỉ là yếu tố đứng thứ tư trong những ưu tiên lựa chọn. Đứng đầu trong các yếu tố đó là “đội ngũ lãnh đạo tốt”, thứ hai là yếu tố “có môi trường làm việc tốt về thể chất lẫn tinh thần” thứ nữa là đến “các chương trình hỗ trợ đào tạo, phát triển”.
Trên thực tế vẫn thường có chuyện làm việc trong cơ quan Nhà nước, người lao động thường ít chịu áp lực về công việc nhưng lại có vấn đề là phải xử lý những mối quan hệ “tế nhị”- những quan hệ này nhiều khi khá ngóc ngách, phức tạp. Trong khi đó, nếu làm việc ở khu vực phi nhà nước, những mối quan hệ này thường rạch ròi hơn và nhiều khi người lao động chỉ cần làm tốt công việc chuyên môn là đủ. Bên cạnh đó, dù là thủ khoa, nhưng những sinh viên mới ra trường vẫn còn yếu về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và đặc biệt là còn hổng những kiến thức về quản lý Nhà nước. Làm quen, học hỏi những kiến thức này không thể một sớm một chiều, cộng với phong cách làm việc “sáng vác ô đi tối vác về” cũng là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ đang sục sôi nhiệt huyết thấy không được như ý.
Từ những vấn đề trên cho thấy, thu hút nhân tài cần có sự đổi mới từ cách nghĩ, cách làm. Cần đi vào thực chất, hiệu quả; triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, tránh tình trạng hình thức, kêu gọi nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu hoặc chế độ, chính sách chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của đối tượng cần tuyển dụng.
PV