(CLO) Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, mức thu nhập bình quân đầu người ở nước ta ước đạt 48,6 triệu đồng (tương đương 2.215 USD/người), tăng 106 USD so với năm 2015.
[caption id="attachment_140370" align="aligncenter" width="645"]

Thu nhập bình quân của mỗi người dân Việt Nam trong năm 2016 đạt khoảng 48,6 triệu đồng.[/caption]
Theo giá hiện hành, quy mô GDP nền kinh tế cả nước năm 2016 đạt 4,5 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015.

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, tuy chưa có bứt phá tăng trưởng của toàn nền kinh tế nhưng các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng tốt ngoại trừ nông, lâm nghiệp và khai khoáng là hai lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.
Lý giải nguyên nhân ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp, giảm tỷ lệ đóng góp vào GDP, đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, năm nay ngành nông lâm và thủy sản đã gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển xảy ra ở miền Trung gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất ở khu vực này. Đây cũng là lĩnh vực kéo tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế xuống.
Về tăng trưởng các ngành, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng năm nay tăng 7,06% so với năm trước trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,9% đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng năm nay có tăng trưởng giảm tới 4%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước. Sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn. Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng trung.
Khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Về cơ cấu kinh tế năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%, khu vực và dịch vụ chiếm 40,92%.
Nhìn chung, trong năm vừa qua, các kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế xã hội phù hợp đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn kiều hối ổn định và có xu hướng tăng cùng những lợi thế so sánh về chi phí nhân công so với các nước trong khu vực tiếp tục là những nhân tố giúp cải thiện cán cân thanh toán và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
T.Tân