(NB&CL) “Tôi đã quyết định trở thành ứng viên cho cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2017”, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy thông báo về quyết định tái tranh cử của mình trên trang Facebook cá nhân ngày 22/8/2016. Tuy nhiên, để “tái chiếm lĩnh” được Điện Elysee, chính trị gia 61 tuổi này còn phải đối mặt với rất nhiều thử thách.
Đời riêng không yên ả
Có lẽ không chính trị gia nào trong lịch sử nước Pháp cận đại có thể “đọ” với ông chủ Điện Elysee nhiệm kỳ 2007-2012 về tần suất đối mặt với những rắc rối. Trong đó, rắc rối lớn nhất lại đến từ “thuộc tính” đào hoa của ông Sarkozy.
Ngày 23/9/1982, Sarkozy kết hôn với Marie-Dominique Culioli, con gái của một dược sĩ đến từ Vico (một ngôi làng ở phía bắc Ajaccio, Corse) và có hai con trai. Đến năm 1996, Sarkozy chính thức ly hôn với Culioli, dù hai người đã sống ly thân từ vài năm trước. Khi đang là thị trưởng Neuilly, Sarkozy gặp Cécilia Ciganer-Albeniz (cháu gái nhà soạn nhạc Isaac Albéniz, và là con gái của một thương gia gốc Nga), khi ông làm chủ hôn cho cô và chồng là Jacques Martin, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Cécilia trước đó là người mẫu thời trang và là nhân viên quan hệ công chúng. Năm 1988, Cécilia Ciganer-Albeniz bỏ chồng để đến với Sarkozy, và ly dị Martin một năm sau đó. Tháng 10 năm 1996, Sarkozy kết hôn với Cécilia và có một con trai.
Tuy nhiên, ngày 25/5/2005, nhật báo Thụy Sĩ Le Matin chạy tin Cécilia đã bỏ Sarkozy để đến với một người Maroc gốc Pháp, Richard Attias, giám đốc điều hành công ty quảng cáo và truyền thông Publicis tại New York. Sarkozy kiện tờ báo, nhưng trong thời gian này, có tin ông cũng đang quan hệ với một nhà báo nữ, Anne Fulda, đang làm việc cho tờ Le Figaro. Ngày 18/10/2007, văn phòng tổng thống thông báo Nicolas Sarkozy và Cécilia Ciganer-Albeniz đã ly hôn do sự đồng thuận từ hai phía.
Song, với bản tính “đào hoa”, chỉ sau 2 tháng ly hôn, cựu Tổng thống Sarkozy lại tìm được bến đỗ tình yêu mới là bà Carla Bruni, một siêu mẫu người Pháp lai Italy được mệnh danh là “bông hồng nước Pháp”. Tương tự như những cuộc hôn nhân trước, chuyện tình giữa ông Sarkozy và “bông hồng nước Pháp” lần này cũng hứng nhiều chỉ trích từ dư luận Pháp vì bà Carla Bruni vốn là một người mẫu nhiều lời ra tiếng vào.
Tuy nhiên, mặc cho những lời gièm pha, cựu Tổng thống Pháp lại tỏ ra rất nghiêm túc trong mối quan hệ với siêu mẫu này.
Tháng 2/2008, trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, ông Sarkozy và bà Carla đã chính thức làm lễ kết hôn. Kể từ khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà Carla Bruni rút khỏi làng giải trí để tham gia vào các hoạt động xã hội. Đến nay, bất chấp sự xuất hiện của nhiều tin đồn, cuộc hôn nhân thứ 3 của cựu Tổng thống Pháp hiện tại vẫn êm ấm.
Những vụ kiện phức tạp
Không chỉ là những rắc rối tình ái. Kể từ năm 2010, cái tên Sarkozy đã bị nhắc tới trong một số vụ kiện pháp lý liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực, nhưng ông chưa bao giờ bị kết tội phạm pháp hay bị khởi tố. Tháng 2/2016, ông Sarkozy bị điều tra chính thức về các khoản chi trong chiến dịch tái tranh cử năm 2012. Tòa án Hiến pháp Pháp từng ra phán quyết cho rằng chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy đã chi tiêu vượt mức cho phép và lệnh cho ông Sarkozy bồi hoàn ngân sách khoản tiền 150.000 euro đã nhận để ra tranh cử, đồng thời nộp phạt thêm hàng trăm nghìn euro.
Mới đây nhất, ngay sau khi ông Sarkozy tuyên bố ra tranh cử tổng thống Pháp, truyền thông lại đưa tin ông có thể phải hầu tòa vì bê bối liên quan đến hoạt động gây quỹ vận động tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012. Vụ việc liên quan đến hoạt động của công ty tổ chức sự kiện Bygmalion. Công ty này từng đứng ra tổ chức một số hoạt động vận động tranh cử cho ông Sarkozy và bị cáo buộc có nhiều khoản chi và gây quỹ trái phép cho chiến dịch vận động tái cử của ông Sarkozy.
Ông Sarkozy năm nay 61 tuổi đã đảm nhiệm vị trí tổng thống Pháp từ năm 2007 đến năm 2012. Trong cuộc bầu cử năm 2012, ông thất bại trước đối thủ Francois Hollande, chính là đương kim Tổng thống Pháp hiện nay. Thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012 khiến ông Sarkozy trở thành vị tổng thống đầu tiên của Pháp không tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai kể từ năm 1981. Cựu Tổng thống Sarkozy đã chuẩn bị cho sự trở lại của mình cách đây hơn 2 năm. Trong một cuộc nói chuyện với phóng viên Đài phát thanh Europe 1 hồi tháng 1-2014, cựu Đệ nhất phu nhân Bernadette Chirac, một người bạn thân, đã tiết lộ với báo chí về ý định ra tranh cử năm 2017 của ông Sarkozy. Và không chỉ bà Chirac, nhiều bạn bè cũng nói về kế hoạch “trở lại” của ông. Phát biểu trên tờ Le Point, Sarkozy nói: “Vấn đề không phải là tôi có trở lại hay không, mà là tôi không thể không trở lại”. Sarkozy cho rằng mình không có sự lựa chọn, vì đó là “nhiệm vụ đối với nước Pháp”.
Những phát biểu khó đỡ
Giữa lúc chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017 - 2022 đang diễn ra, Patrick Buisson - cựu cố vấn của ông Nicolas Sarkozy - ngày 29/9/2016 phát hành một quyển sách về hậu trường nhiệm kỳ 5 năm của cựu tổng thống Pháp. Dày 464 trang với nhiều giai thoại, chứng cứ lịch sử và suy tư thời cuộc, tác phẩm của Patrick Buisson có tựa La cause du peuple: L’histoire interdite de la présidence Sarkozy (Vụ kiện của dân tộc: Chuyện bị cấm thời Sarkozy). Quyển sách của Buisson trích dẫn nhiều phát biểu khó đỡ được cho là của Sarkozy, đại loại như. “Tôi sẽ làm gì ở Guyanne à? Chỉ là 200.000 dân mà một nửa mù chữ mà thôi”; “Tôi muốn chết giàu… Tony Blair cho biết ông ấy được trả 240.000 USD cho một hội nghị. Tôi chắc chắn có thể làm tốt hơn”; “Chirac có lẽ là tổng thống đáng ghét nhất của đệ ngũ cộng hòa. Thẳng thắn mà nói, tôi chưa bao giờ thấy kiểu người hư hỏng như vậy”… Không ai có thể khẳng định những phát ngôn trên có thực sự của ông Sarkozy hay chỉ là “sản phẩm” của Buisson - người đàn ông cay đắng, chua chát và ham muốn trả thù chủ cũ vào thời điểm “nhạy cảm”? Nhưng như người xưa đã nói, rất khó “có lửa mà không có khói”.
Trên trang Twitter, Sarkozy đã trích một đoạn ngắn trong quyển sách sắp xuất bản của mình, nhan đề “Tou Pour La France” (Tất cả dành cho nước Pháp), viết rằng: “Tôi đã quyết định sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Nước Pháp yêu cầu chúng ta hy sinh mọi thứ. Tôi cảm thấy tôi có đủ sức mạnh để lãnh đạo trong thời khắc khó khăn này của lịch sử”. Phát biểu với báo chí, Sarkozy tự tin cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin, khi nỗi khiếp sợ khủng bố đang bao trùm đời sống hằng ngày của người dân Pháp, thì một lãnh đạo theo đường lối cứng rắn như ông sẽ rất cần thiết. Để trở thành ứng cử viên Tổng thống Pháp trong cuộc đua vào năm 2017, Sarkozy sẽ phải vượt qua những ứng viên khá nặng ký. Thứ nhất phải kể đến cựu Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alain Juppé, 71 tuổi, hiện là Thị trưởng thành phố Bordeaux.
Hà Nguyễn