(CLO) Sáng 16/1, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại khu vực cột mốc tọa độ quốc gia GPS 001, điểm cực Nam của Tổ quốc.
[caption id="attachment_77320" align="aligncenter" width="640"]
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham dự Lễ động thổ Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau[/caption]
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đồng chí Phạm Quang Nghị, chỉ đạo Đảng bộ TP. Hà Nội, đồng chí Lê Thanh Hải, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tới dự.
Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, được xây dựng kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.
Công trình Cột cờ Hà Nội gồm có 3 tầng đế và thân cột. Tầng một cao 3,1m, tầng hai cao 3,7m, tầng ba cao 5,1m, trên ba tầng này là thân Cột Cờ cao 18m. Toàn bộ chiều cao của Cột Cờ là 33,4m, nếu tính cả cán cờ thì cao tổng cộng là 41,4m.
Công trình với công năng sử dụng đa năng, có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài phục vụ khách tham quan du lịch, có khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử.
Việc xây dựng Cột cờ Hà Nội tại tỉnh Cà Mau có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử và du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh, cũng như gắn kết gần gũi giữa nhân dân Thủ đô và người dân Đất Mũi địa đầu phía Nam của Tổ quốc. Cột cờ Hà Nội tại đất mũi Cà Mau còn có giá trị khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chủ quyền biển đảo quốc gia; gắn bó Bắc Nam một nhà, cùng chung tiếng nói của Thủ đô và quê hương đất mũi Cà Mau với bạn bè quốc tế.
Trước đó, sáng 16/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ thông xe cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi.
Cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào với tổng mức đầu tư trên 380 tỉ đồng, kết nối với tuyến đường Cà Mau-Đầm Dơi, nối liền TP. Cà Mau đến huyện Đầm Dơi.
[caption id="attachment_77321" align="aligncenter" width="640"]
Các đại biểu cắt băng khánh thành, thông xe cầu Hòa Trung[/caption]
Dự án được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp nhận thực hiện từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau vào tháng 2/2015.
Toàn bộ dự án có tổng chiều dài 1.286 m, trong đó phần cầu chính và đường đầu cầu dài 626 m, chiều dài đường vuốt nối khoảng 660 m. Sau hơn 6 tháng thi công, đến nay, dự án cầu Hòa Trung đã cơ bản hoàn thành, trở thành dự án có thời gian lập và thi công ngắn nhất mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện. Vốn đầu tư công trình là của các nhà thầu tự ứng để thực hiện.
Cùng với cầu Hòa Trung, đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, được đưa vào sử dụng đã nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng), đến Đất Mũi (Cà Mau).
Với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi được khởi công từ tháng 5/2009, có điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn); điểm cuối là khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).
Toàn tuyến có tổng chiều dài khoảng 58,7 km; bề rộng mặt đường 6 m. Đoạn qua thị trấn Năm Căn thiết kế theo quy hoạch với bề rộng mặt đường 21 m. Trên tuyến có 22 cây cầu được thiết kế xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi và cầu Hòa Trung hoàn thành tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi đề người dân đi lại, không phải qua đò, qua phà như trước đây, xóa thế biệt lập của huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển, điểm cuối cùng của đất nước chưa có đường ô tô.
[caption id="attachment_77322" align="aligncenter" width="640"]
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ[/caption]
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là hai dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường, củng cố an ninh,quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân tỉnh Cà Mau, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương chủ đầu tư, các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công, các cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đã ngày đêm làm việc trên công trường, đảm bảo cho hai công trình được thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị thiết kế, thi công tiếp tục hoàn thiện những hạng mục còn lại của hai công trình nói trên. Đồng thời bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thủ tướng cũng mong muốn tỉnh Cà Mau khai thác hiệu quả các lợi thế từ hai công trình để phục vụ cho các mục tiêu phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
[caption id="attachment_77323" align="aligncenter" width="600"]
Ảnh: VOV[/caption]
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát động lễ khởi công Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long – Cà Mau. Công trình có tổng vốn đầu tư trước thuế hơn 5.500 tỷ đồng với tổng diện tích đất và mặt biển trên thềm lục địa hơn 2.100 ha cách từ đất liền trở ra biển 500 mét. Dự án được lắp dựng 50 tua-bin gió, công suất mỗi tua-bin 2MW.
T.Toàn