Thủ tướng: Hà Nội cần tiếp tục tổ chức phòng chống dịch một cách quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn

Thứ hai, 19/07/2021 14:23 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức phòng, chống dịch một cách quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn; có trọng tâm, trọng điểm hơn; thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đặc biệt thực hiện giãn cách xã hội.

Bài liên quan

Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, trong sáu tháng vừa qua thành phố Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình, công việc quan trọng trong điều kiện có nhiều khó khăn, thành phố đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu. Trong đó, Thành phố đang kiểm soát dịch COVID-19 tốt; kinh tế tăng trưởng khá; an ninh, quốc phòng được giữ vững; an sinh xã hội được thực hiện tốt, nhất là triển khai có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ...

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố cần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn; phát triển văn hóa cần cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến, "Thành phố vì hòa bình," xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của cả nước; chất lượng môi trường, tình trạng ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng chiến lược chậm được khắc phục. Đặc biệt, thành phố chưa có đột phá về phát triển kinh tế, nhất là phát triển theo chiều sâu; chuyển đổi số cần đầu tư, phát triển hiệu quả hơn nữa...

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình có thuận lợi, thời cơ, khó khăn thách thức đan xen, song khó khăn, thách thức nhiều hơn, nên phải có quyết tâm cao hơn, tập trung thực hiện hợp lý, hiệu quả hơn. Theo đó, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài; dịch bệnh lại nguy hiểm, diễn biến nhanh, tấn công vào các khu đô thị, tập trung đông dân cư, đầu mối giao lưu và các khu công nghiệp. Do đó thành phố cần có cách thức tiếp cận mới, bám sát thực tiễn để tổ chức thực hiện hiệu quả; chuẩn bị kịch bản cao hơn để chủ động phòng, chống dịch.

Về phương hướng, nhiệm vụ chung, Thủ tướng chỉ đạo thành phố Hà Nội phải tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, xây dựng các giải pháp sát với thực tế, có tính khả thi, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân; nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên... thông qua hệ thống các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Trung ương.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thành phố Hà Nội phải phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao các chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển thành phố, nhất là hợp tác công-tư. Coi trọng công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường truyền thông, truyền cảm hứng cho người dân để người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia.

Có giải pháp phát triển văn hóa, con người Thủ đô hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Phát huy tối đa khí thế, những thành tựu mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua và truyền thống lịch sử, văn hóa con người Thủ để tạo ra động lực mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với thành phố Hà Nội rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông phát triển. Thực hiện giải pháp huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là mô hình hợp tác công-tư kể cả trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược.

Riêng về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm, hoàn thành dự án sớm nhất có thể.

Về quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng chỉ đạo phải đầu tư cho quy hoạch, phát triển đô thị vệ tinh, gắn với phát triển với kinh tế-văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh và vị trí, vai trò của thành phố.

Về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội kiên trì thực hiện "mục tiêu kép," vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Song, hiện nay ưu tiên số một là phòng, chống dịch, lấy bảo vệ sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết; tại những nơi an toàn vẫn duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện phương chấm “4 tại chỗ” và “vaccine+5K+công nghệ” trong phòng, chống dịch. Tích cực chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở mà tổ chức cơ sở Đảng là hạt nhân để phòng, chống dịch hiệu quả. Trên tinh thần lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể phòng, chống dịch. Trong sản xuất, tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” hoặc thực hiện “2 điểm đến 1 cung đường” nhằm vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu: "Thành phố tiếp tục tổ chức phòng, chống dịch một cách quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn; có trọng tâm, trọng điểm hơn; thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đặc biệt thực hiện giãn cách xã hội; rà soát, rút kinh nghiệm ngay những hạn chế; thực hiện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng, kỹ càng".

Cùng với đó, Thành phố cần tổ chức tiêm vaccine an toàn, hiệu quả; xây dựng kịch bản cao hơn để chủ động phòng, chống dịch; bảo vệ bằng được các khu công nghiệp; tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm tối đa ca tử vong; đảm bảo lưu thông hàng hóa; cung ứng hàng hóa, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân; giữ vững an ninh, trật tự; chăm lo vật chất, tinh thần của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tại cơ sở; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo cảm hứng cho người dân yên tâm, chia sẻ, cộng tác trong phòng, chống dịch...

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

(CLO) Sáng 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN – sự kiện quan trọng được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

(CLO) Chính phủ sẽ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tin tức
Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Tin tức
Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

(CLO) Thương mại song phương Việt Nam - Lào trong quý I năm 2024 đạt 476,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Tin tức