Hôm nay, 29-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2014
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2014. Ảnh: Lã Anh
Lạm phát được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, khoảng 4%
Về tình hình kinh tế-xã hội, thông tin tại phiên họp cho thấy, trong 10 tháng năm 2014, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, năng suất và sản lượng lúa hè thu tăng cao. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu với mức khoảng 1,87 tỷ USD; xuất khẩu khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước cải thiện đáng kể với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp (so với tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 có mức tăng 2,36%, mức thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm qua). Lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, kết quả đạt được là khá toàn diện theo hướng ổn định, vững chắc. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8% có thể đạt được và nhiều khả năng có thể cao hơn; lạm phát được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, khoảng 4%; đảm bảo các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi ngân sách. Kết quả này tạo nền tảng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 (mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 trình Quốc hội là 6,2%), bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội là tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, trong 3 năm qua, Chính phủ đã bám sát mục tiêu tổng quát này trong quá trình chỉ đạo, điều hành và đến thời điểm này, cơ bản đã đảm bảo các định hướng và mục tiêu đề ra.
Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra cho năm 2014 cũng như chuẩn bị tiền đề, điều kiện cho tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nợ công, thu chi ngân sách và quyết liệt xử lý nợ xấu.
Hơn 98% nợ công là để đầu tư
Tại phiên họp, lãnh đạo một số bộ, ngành đã trình bày các vấn đề liên quan đến nợ công, nợ xấu. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định nợ công vẫn trong giới hạn an toàn. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng. Nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA. Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu chi ngân sách.
Bên cạnh đó, thời gian qua, bội chi tăng do huy động nguồn thu cho ngân sách giảm đi, có nguyên nhân do tăng trưởng chậm và giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi chi cho con người (như tiền lương, an sinh xã hội…) vẫn tăng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công để nâng cao hơn nữa tính an toàn, hiệu quả của nợ công.
Về nợ xấu, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những cải thiện trong những tháng gần đây, cụ thể đến ngày 20-8 tăng 4,07%; đến ngày 22-9 tăng 6,62% và đến ngày 20/10 tăng 7,46% so với cuối năm 2013 (cùng kỳ tăng 6,43%).
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng không tính vào số liệu tăng trưởng tín dụng.
Kết luận về vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nợ công của quốc gia (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP). Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tuyệt đại đa số nợ công (chiếm 98%) là để chi cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong Chiến lược nợ công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo Chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ; đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép (bằng 25% GDP). Thủ tướng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.
Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9-2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Như vậy, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10-2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460.000 tỷ đồng xuống còn 252.000 tỷ đồng (giảm 54,3%)...
Theo SGGP