Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi chung tay xây dựng Châu Á trong kỷ nguyên hậu COVID-19

Thứ năm, 20/05/2021 14:29 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chúng ta cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai; cùng nhau “Chung tay xây dựng Châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19".

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến vào sáng nay (20/5).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đại dịch COVID-19 được đánh giá là “thảm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”, đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, khu vực, cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước.

Theo Thủ tướng, càng trong những lúc khó khăn, càng cần phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đặc biệt.

"Chúng ta cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai; cùng nhau “Chung tay xây dựng Châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19”, Thủ tướng phát biểu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu 6 nội dung trọng tâm trong hợp tác, cụ thể: Thứ nhất, phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao là biện pháp hữu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời là đột phá chiến lược về dài hạn. 

Theo Thủ tướng, với tốc độ phát triển hiện nay, châu Á cần hệ thống hạ tầng vững chắc để hỗ trợ phát triển kinh tế và kết nối thông suốt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, đến 2030 các quốc gia châu Á đang phát triển cần đầu tư ít nhất 1.700 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Do vậy, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến về cơ sở hạ tầng chiến lược chất lượng cao mà Chính phủ Nhật Bản và các đối tác đã đề xuất. Các bên cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo trong huy động vốn và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, khuyến khích các hình thức đối tác công - tư (PPP), lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư.

Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả song phương, đa phương nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phục hồi hậu COVID của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài. Các nỗ lực này cần được triển khai ở tất cả các cấp độ từ toàn cầu, khu vực, liên khu vực, đến nỗ lực cải cách trong nước của mỗi quốc gia. Các khuôn khổ liên kết kinh tế theo hướng mở, dựa trên luật lệ như CPTPP, RCEP sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế khu vực. Đồng thời, các bên cần cùng nhau thảo luận, tìm ra cách thức vận hành nền kinh tế khu vực phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ưu tiên cho lưu chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, bảo đảm chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh vận hành suôn sẻ.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính là động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu COVID. Để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ từ nền kinh tế số đang bùng nổ, cần tăng cường hợp tác trong: (1) Cải thiện hiệu quả cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển; (2) Xây dựng chính phủ điện tử và hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; (3) Nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người dân; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động; (4) Phối hợp xây dựng các khung khổ về bảo đảm an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quản lý thuế và hệ thống logistics cho hoạt động thương mại điện tử.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch. Điều này sẽ giúp định hướng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế trên nền tảng bền vững hơn, bảo đảm cân bằng sinh thái và giải quyết những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Các bên cần thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong xây dựng mô hình tăng trưởng phát thải bằng không, kinh tế tuần hoàn, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; nỗ lực thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; hoàn thành đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc; và đạt được thoả thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.

Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai. 

"Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với các nước, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước trong cuộc chiến này, nhất là trong việc nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận bình đẳng trong phân phối vaccine phòng COVID-19", Thủ tướng phát biểu.

Cũng theo Thủ tướng, các bên có thể nghiên cứu thành lập hoặc phát huy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác sau này; như việc thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

Thứ sáu, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch là bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, thì trên hết và trước hết các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với vấn đề này; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC sớm đạt được hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

"Việt Nam tham gia có trách nhiệm và sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình, ổn định, phát triển và tình đoàn kết; vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia và trong khu vực; vì sự ấm no và hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Quốc Trần

Tin khác

Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

(CLO) Ngày 28/3, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tin tức
Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

(CLO) Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hằng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”

Tin tức
Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng.

Tin tức
Kiểm soát việc tận thu khoáng sản từ nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa

Kiểm soát việc tận thu khoáng sản từ nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần thiết phải quy định rõ ràng, minh bạch và kiểm soát việc tận thu các sản phẩm (cát, sỏi, khoáng sản…) từ hoạt động nạo vét để đảm bảo hiệu quả chung, tránh việc lạm dụng chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường, cảnh quan.

Tin tức
Việt Nam và các nhà tài trợ hài hoà hoá thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai dự án ODA

Việt Nam và các nhà tài trợ hài hoà hoá thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai dự án ODA

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Việt Nam và các nhà tài trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần phối hợp chặt chẽ để chia sẻ, thấu hiểu và cùng nỗ lực hài hoà hoá thủ tục để hai bên cùng thắng khi rút ngắn được thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án.

Tin tức