Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng tại đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật, 13/08/2023 07:56 AM - 0 Trả lời

(CLO) Qua khảo sát thực tế và có cuộc làm việc chuyên đề về sụt lún, sạt lở, ngập úng tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 12/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục đi khảo sát thực tế và có cuộc làm việc chuyên đề về sụt lún, sạt lở, ngập úng tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL, một số nhà khoa học.

thu tuong pham minh chinh ngan chan day lui sut lun sat lo ngap ung tai dong bang song cuu long hinh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác thị sát tình hình sạt lở ở Đồng Tháp.

Trong buổi sáng, Thủ tướng đã khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.

Còn 561 điểm sạt lở, gồm bờ sông 513 điểm/602 km; bờ biển 48 điểm/208 km

Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông: 666 điểm/744 km; bờ biển: 113 điểm/390 km).

thu tuong pham minh chinh ngan chan day lui sut lun sat lo ngap ung tai dong bang song cuu long hinh 2

Hiện tại còn 561 điểm sạt lở, gồm bờ sông 513 điểm/602 km; bờ biển 48 điểm/208 km.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, tình hình sạt lở tại ĐBSCL có một số điểm đáng lưu ý. Theo đó, mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100 ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350 ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh).

Cùng với đó, xói lở nghiêm trọng trên các sông/kênh nối sông Tiền – sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi (nước sông Tiền có xu thế chuyển sang sông Hậu). Xói lở tập trung nhiều ở sông Tiền; tập trung ở An Giang, Tiền Giang và Cà Mau (tổng chiếm 30%), trong đó An Giang 75 điểm, Tiền Giang 65 điểm, Cà Mau 86 điểm.

Về giải pháp bảo vệ bờ biển, khoảng 5 năm trở lại đây đã có nhiều giải pháp công trình xây dựng để bảo vệ dải ven biển và rừng ngập mặn, với hai dạng chính: Giải pháp bảo vệ bờ trực tiếp và giải pháp bảo vệ bờ gián tiếp (đê giảm sóng xa bờ).

thu tuong pham minh chinh ngan chan day lui sut lun sat lo ngap ung tai dong bang song cuu long hinh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang.

Từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL là 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324 km. Trong đó, đã xây dựng hoàn thành 190 công trình/246 km/11.453 tỷ đồng; đã có kế hoạch đầu tư 28 công trình/78 km/4.770 tỷ đồng, gồm 21 công trình bờ sông và 7 công trình bờ biển.

Từ năm 2015 đến nay, đã trồng và phục hồi 10.042 ha rừng ngập mặn với tổng kinh phí 1.931 tỷ đồng; dự kiến giai đoạn 2022-2025 tiếp tục trồng 2.631 ha rừng ngập mặn. Đã tổ chức di dời 21.696 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.773 tỷ đồng.

Hiện tại còn 561 điểm sạt lở, gồm bờ sông 513 điểm/602 km; bờ biển 48 điểm/208 km. Trong đó, số điểm đặc nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204 km (bờ sông 39 điểm /118 km, bờ biển 24 điểm/86 km).

thu tuong pham minh chinh ngan chan day lui sut lun sat lo ngap ung tai dong bang song cuu long hinh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong chuyến khảo sát kè chống sạt lở.

Chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa

Cùng ngày, tại Cần Thơ, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nhằm đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và bố trí nguồn lực để ứng phó sụt lún, sạt lở, ngập úng trong vùng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá, với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (theo một số nghiên cứu, nước biển dâng 0,35 cm/năm và ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng bị tác động mạnh nhất bởi nước biển dâng); tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn Mekong dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ tại một số thời điểm, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về ĐBSCL.

Cùng với đó là tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất ở ĐBSCL. Theo số liệu đo đạc của Bộ TN&MT trong 10 năm (2012-2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở ĐBSCL khoảng 0,96 cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35 cm/năm), đặc biệt tại một khu vực ven biển (nguyên nhân do khai thác nước ngầm quá mức, chất tải xây dựng,…). Đồng thời, vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị.

thu tuong pham minh chinh ngan chan day lui sut lun sat lo ngap ung tai dong bang song cuu long hinh 5

Thủ tướng yêu cầu cần triển khai đồng bộ, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011-2016, giảm trên 15.300 ha (do sạt lở và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nuôi trồng thủy sản).

"Đến nay, còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng đến người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng cần xử lý với tổng chiều dài 204 km, nhu cầu đầu tư gần 14.000 tỷ đồng", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu: Ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL; bảo tồn, phát triển, khai thác bền vững rừng, đất rừng, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, sắp xếp quy hoạch lại không gian sinh tồn và sản xuất; bảo vệ môi trường sinh thái.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai đồng bộ, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Về trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư). Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Huy động nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của các địa phương, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương… cho công tác này.

thu tuong pham minh chinh ngan chan day lui sut lun sat lo ngap ung tai dong bang song cuu long hinh 6

Thủ tướng yêu cầu rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa.

Về lâu dài, Thủ tướng Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn (cần xác định rõ nguyên nhân đối với từng vấn đề, từng khu vực, nguyên nhân nào là chủ yếu để có giải pháp phù hợp đối với từng khu vực).

Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn.

Rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa; xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tổng kết đánh giá các mô hình hay, cách làm tốt; chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, bán tín chỉ carbon…

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

Nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu triển khai Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tin tức
Chính phủ quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(CLO) Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tin tức
Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại quan trọng nhất của cả nước

Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại quan trọng nhất của cả nước

(CLO) Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á.

Tin tức
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

(CLO) Ngày 18/9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan.

Tin tức
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

(CLO) Chiều 19/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp thân mật Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen.

Tin tức