(CLO) Trung tâm nghiên cứu và Phát triển xã hội vừa phối hợp với Trường đại học Potsdam - Đức và Viện nghiên cứu Môi trường-Hà Lan tổ chức khởi động dự án Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ở đô thị và vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, dự án triển khai sẽ triển khai 2 hợp phần trong vòng 1,5 năm với sự tài trợ của Chương trình chống chịu toàn cầu. Trong đó, hợp phần Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ở thành phố Huế, kinh phí gần 86 nghìn USD với các hoạt động như: đánh giá các giá trị thích nghi dựa vào hệ sinh thái thông qua việc phục hồi dòng chảy tự nhiên và khu vực thoát nước ở Thừa Thiên-Huế; đầu tư thí điểm vào việc cải tạo, duy trì hệ thống thoát nước, trữ nước tự nhiên ở thành phố Huế; tăng khả năng chống chịu với ngập lụt đô thị bằng cách tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý lũ lụt...
Sau một trận mưa dài, các tuyến đường TP Huế bị ngập nặng.
Hợp phần 2 là “Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ở khu vực ven đầm phá” với tổng kinh phí 90 nghìn USD, với các hoạt động sau: Tăng cường trồng rừng ngập mặn vùng đầm phá; Tận dụng hệ sinh thái sẵn có, cải thiện khả năng chống chịu lũ lụt vùng đầm phá và ven biển, giảm bớt xói lở… Bà Phạm Thị Diệu My, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển xã hội, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Dự án nhằm nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng về vai trò của các hệ sinh thái tự nhiên trong việc cải thiện tình trạng ngập lụt hiện tại.
Đường ngập ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
“Ở đô thị nếu biết tận dụng các hệ sinh thái tự nhiên như ao hồ để tăng khả năng thoát lũ thì nó sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Chúng tôi sẽ nạo vét khai thông một số hồ để cho thấy rõ ràng mức ngập lụt sẽ giảm đi nếu như nước được thông thoáng. Còn ở khu vực đầm phá thì quá trình lũ lụt thường kết hợp sự xói lở, nước dâng thì các khu vực rừng ngập mặn nó sẽ giúp cản trở, giảm bớt sức công phá của sóng rồi bảo vệ bờ biển giảm bớt xói lở, bà Diệu My chia sẻ.
Hữu Tin