(CLO) Để góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu gạo vào thị trường Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung, theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng hơn nữa tới các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách và xúc tiến thương mại.
[caption id="attachment_163592" align="aligncenter" width="550"]
Thuỵ Điển được coi là thị trường mới đầy tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh Internet)[/caption]
Giống như các nước Bắc Âu khác, tập quán và thói quen tiêu dùng của người Thụy Điển vẫn là các sản phẩm có nguồn gốc từ lúa mỳ, khoai tây và ngũ cốc. Theo thống kê của Phòng Thương mại Thụy Điển cho thấy tiêu thụ gạo bình quân đầu người trong 1 năm ở Thụy Điển vẫn còn ở mức khiêm tốn, dao động từ 5,2 đến 5,5 kg.
Tiêu thụ gạo được chia làm 03 loại: tiêu dùng trực tiếp, làm thức ăn gia súc và làm nguyên liệu đầu vào để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên đối với Thụy Điển đa phần gạo nhập khẩu đều được dành cho tiêu dùng trực tiếp và so với các nước Châu Âu khác thì mức tiêu dùng của Thụy Điển đối với mặt hàng gạo là trung bình.
Theo thống kê của Thụy Điển, năm 2016 Thụy Điển nhập khẩu tổng số hơn 695 triệu Cua ron Thụy Điển gạo các loại từ các nước thuộc khu vực Châu Á như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.
Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu dùng khu vực thị trường này còn nhỏ bé so với các quốc gia ở khu vực trung tâm Châu Âu, chủ yếu là do tiêu dùng sản phẩm truyền thống từ lúa mỳ, ngũ cốc, và nông nghiệp chăn nuôi ít đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, theo Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, có thể nói Bắc Âu vẫn là khu vực thị trường tiềm năng đối với gạo của Việt Nam nếu sản phẩm của ta được hưởng ưu đãi thương mại trong tiếp cận thị trường, và đáp ứng được xu thế tiêu dùng và các đặc điểm thị hiếu nêu trên. Để góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu gạo vào thị trường Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung, Thương vụ Việt Nam đề xuất trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng hơn nữa tới các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách và xúc tiến thương mại, cụ thể là:
Vận động, thúc đẩy việc thông qua Hiệp định thương mại tự do với khối EU và khối EFTA bao gồm các nước Bắc Âu hiện là thành viên, trong có quy định dành đối xử ữu đãi hơn đối với các chủng loại mặt hàng gạo của Việt Nam khi tiếp cận thị trường các nước thuộc 2 khối này.
Tăng cường thực hiện chương trình xúc tiến thương mại gạo cho khu vực thị trường Bắc Âu, bao gồm tổ chức các đoàn đi gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan và đại diện doanh nghiệp nước sở tại, và nếu phù hợp sẽ kết hợp tham gia hội chợ hàng thực phẩm liên quan;
Tập hợp cung cấp thông tin cho các Thương vụ về giới thiệu tiềm năng sản xuất xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong đó có danh mục liên hệ cụ thể của các doanh nghiệp và giới thiệu các sản phẩm gạo tương ứng.
Bảo Quyên