Thực trạng hạ tầng GTVT trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô

Thứ năm, 26/07/2018 08:59 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hạ tầng GTVT của Hà Nội, tỉnh Hà Tây (cũ) và các địa phương có liên quan trước khi mở rộng địa giới hành chính được đầu tư, hình thành theo định hướng quy hoạch GTVT riêng của từng địa phương và mới chỉ dừng lại ở trong giai đoạn đầu thực hiện theo quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt.

Các thuận lợi sau khi mở rộng địa giới hành chính: Phương án mở rộng Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu phân tích,  đánh giá kỹ lưỡng trên tổng thể, toàn diện các yếu tố và đã nhận được sự đồng thuận thống nhất, ủng hộ cao của người dân cả nước cũng như toàn xã hội. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sau khi Thủ đô mở rộng nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa của các Bộ, ngành, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.  

Hà Nội mở rộng có tiềm năng đất đai tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, đô thị. Với diện tích trên 3.300 km2, Hà Nội mở rộng sẽ có điều kiện tốt hơn cho quá trình tái cấu trúc Thủ đô cả về không gian kinh tế, lẫn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Nguồn lực con người được bổ sung dồi dào hơn, sự điều phối dân số từ các địa phương sẽ góp phần giảm tải áp lực về dân cư trong khu vực nội đô cũng như thu hút, hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển mới của Thủ đô.

Đây là cơ hội để quy hoạch, phát triển đồng bộ, bền vững  và tổng thể các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải xứng tầm với các Thủ đô khác trong khu vực và trên thế giới.

Khó khăn và thách thức: Phải tổ chức triển khai ngay việc lập, phê duyệt các quy hoạch liện quan (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng, các quy hoạch chuyên ngành,…)  theo quy mô vị thế mới của Thủ đô làm cơ sở quản lý và phát triển đô thị. Việc này thường mất khá nhiều thời gian, công sức và phải đảm bảo tính đồng bộ, kết nối cũng như kế thừa quy hoạch trước đây của các địa phương trước khi mở rộng.  

Việc hợp nhất và mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã dẫn đến sự điều tiết nhu cầu đi lại, và có xu hướng tập trung vào khu vực các quận nội thành, gây áp lực lớn cho giao thông nội đô trong khi phương tiện giao thông không ngừng gia tăng với lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường giao thông có nhiều thay đổi…

Phạm vi địa giới hành chính của Thủ đô rộng lớn hơn nhiều so với trước đây, trong khi đó các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông các địa phương còn chưa đồng đều, thiếu tính kết nối và đang trong giai đoạn đầu tư hình thành (nhiều địa phương còn khó khăn về giao thông đi lại) kéo theo việc quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng gặp phải không ít khó khăn. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn.

Sau 10 năm (từ năm 2008 đến nay) từ khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã mở ra triển vọng to lớn để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Thủ đô đã có thể phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội cả về chiều rộng và chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, văn hoá và lịch sử, công nghệ và khoa học kỹ thuật của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, phát huy và sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của hệ thống hạ tầng giao thông GTVT, theo đó có thể đánh giá khái quát kết quả đạt được sau 10 năm mở rộng như sau:

Về kết cấu hạ tầng: Huy động tổng hợp các nguồn lực, tổ chức triển khai đầu tư  hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng; mở rộng cảng hàng không Quốc tế Nội Bài T2; tuyến xe buýt nhanh BRT (Kim Mã – Yên Nghĩa);  nhóm 9 công trình cầu vượt thép trên các tuyến đường trục chính quan trọng; bến xe khách Yên Nghĩa; mở rộng Bến xe khách Mỹ Đình; cùng nhiều công trình khác trên địa bàn.

Hiện nay, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đang  tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Về vận tải hành khách công cộng: Mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt Hà Nội đã có 112 tuyến, với sản lượng trên 430 triệu lượt hành khách/năm (So với năm 2008, số lượng tuyến đã tăng 64%); bao phủ khắp 30 quận huyện đạt 100% (tăng 37%), tương ứng với 406/584 xã phường, mức độ bao phủ đạt 69,5% (tăng 28%), với 3.026 điểm dừng, 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 96 điểm đầu cuối, 16,07 km đường dành riêng cho xe buýt (trong đó 14,77 km làn đường riêng chỉ dành cho tuyến BRT). Tính đến tháng 6 năm 2018, tổng số phương tiện toàn mạng là 1.820 xe (các xe đều trang bị thiết bị giám sát hành trình GPS, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, ghế ưu tiên cho người già, trẻ em, người khuyết tật...)

Đặc biệt từ ngày 1/1/2017, thành phố Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt BRT01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã, đây là tuyến xe buýt nhanh được triển khai đầu tiên trên địa bàn cả nước và đã thực sự phát huy hiệu quả sau hơn 1 năm đưa vào khai thác vận hành; từ ngày 30/5/2018 cũng đã thí điểm đưa tuyến xe buýt hai tầng cao cấp, mở mui (Hanoi City Tour) nhằm phục vụ phát triển du lịch Thủ đô. 

Báo Công luận
 Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính. Ảnh. TL

Về quản lý, tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông: Cùng với việc tập trung triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết cấu giao thông khung trên địa bàn, ngành GTVT đã tham mưu cho thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống đường giao thông; tổ chức giao thông hợp lý; triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể: tăng cường năng lực lưu thông trên các tuyến đường và xử lý xung đột tại các nút giao; triển khai thực hiện thành công và có hiệu quả trong việc điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến của các tuyến xe khách liên tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ GTVT phê duyệt góp phần quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông khu vực nội đô....

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh). Trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành và tổ chức giao thông, xử lý vi phạm về giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe (iPARKING) nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi giao thông và xử lý vi phạm giao thông cho gần 200 nút giao thông trọng điểm.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thể hiện rõ nét bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng trung bình từ 0,28% đất đô thị/năm, theo đó năm 2010 (mới chỉ đạt khoảng 7%) đến năm 2017 (đạt khoảng 8,96%); số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 (124 điểm) thì đến năm 2017 (37 điểm); số vụ tai nạn giao thông năm 2013 (2.252 vụ) thì đến năm 2017 (1.448 vụ).  Kết quả đạt được như đã nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc giao thông và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô sau 10 năm mở rộng.

Tồn tại, hạn chế: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến nhưng còn chậm và chưa đồng bộ.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm, tuy nhiên nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn nên việc triển khai chậm, mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín; một số tuyến đường trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm chưa hoàn thành do đó chưa khai thác hết năng lực thông qua của kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, một số địa phương chưa tập trung, quyết liệt thực hiện dẫn đến tiến độ công trình bị chậm trễ, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng được điều chỉnh phù hợp và mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng dịch vụ mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ có duy nhất loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe buýt nhanh; đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

Việc triển khai các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe còn chậm. Do đó hệ thống bến, bãi đỗ xe vẫn còn thiếu nhất là các bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm, quỹ  đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp, mạng lưới phân bố bến, bãi đỗ xe còn chưa phù hợp.

Nhận định về nguyên nhân, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh cùng với sự gia tăng rất lớn về phương tiện giao thông  dẫn đến tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, ùn tắc giao thông. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi, trong khi các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn của Thành phố chưa kịp thời bắt nhịp dẫn đến vướng mắc kéo dài khi triển khai, tháo gỡ thủ tục dự án.

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Nguồn vốn ODA cũng giảm và khó tiếp cận, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho các dự án còn chưa kịp thời dẫn đến một số dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện.

Năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, tư vấn  còn hạn chế; những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời dẫn đến tiến độ thực hiện một số dự án còn bị kéo dài.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên các lĩnh vực chưa kịp thời, chưa kiên quyết; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, dẫn đến ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.

Để triển khai thực hiện được các nội dung liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng, ngành giao thông vận tải Thủ đô tiếp tục tổ chức thực hiện 06 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong định hướng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn Thành phố cũng đã định hướng đầu tư các công trình giao thông có tính kết nối các đô thị vệ tinh và các khu vực ngoại thành với khu vực Đô thị trung tâm Thành phố cũng như các tỉnh lân cận thông qua các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị và các trục đô thị có tính kết nối.

Cùng với việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho các đô thị vệ tinh và các khu vực ngoại thành, thành phố Hà Nội còn bố trí kinh phí để triển khai hàng loạt các công trình giao thông tại các đô thị vệ tinh, các khu vực ngoại thành.

Để thúc đẩy phát triển đồng bộ và bền vững các lĩnh vực trên địa bàn thành phố Hà Nội đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cấp các ngành của toàn Thành phố, trong đó vai trò của ngành giao thông vận tải đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng GTVT phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội là rất quan trọng. Nhận thức được điều này, ngành GTVT của Thủ đô luôn quán triệt trong toàn ngành những gì đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi Ngành phải tiếp tục nỗ lực không ngừng, phấn đấu liên tục, hy sinh không mệt mỏi mới mong có thể hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn trong những năm tới đây.

Trâm Anh

Tin khác

Chính thức đưa vào khai thác Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên mới

Chính thức đưa vào khai thác Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên mới

(CLO) Hôm nay (20/4), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã chính thức khánh thành Đài Kiểm soát không lưu cảng hàng không Điện Biên mới, được xây dựng với kinh phí hơn 93 tỷ đồng.

Giao thông
Hải Dương: Xe ô tô lao xuống sông, lái xe tử nạn

Hải Dương: Xe ô tô lao xuống sông, lái xe tử nạn

(CLO) Khoảng 19 giờ ngày 19/4, tại đường Bạch Đằng, phường Trần Hưng Đạo TP Hải Dương, xe ô tô Madaz CX5 màu trắng đang lưu thông đã bất ngờ mất lái lao xuống sông Sặt làm lái xe tử vong.

Giao thông
Hà Nội: Nhiều showroom ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành “của riêng”

Hà Nội: Nhiều showroom ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành “của riêng”

(CLO) Vì mục đích kinh doanh không ít showroom ô tô, cửa hàng sửa chữa xe hơi chiếm lấn vỉa hè, tận dụng vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Giao thông
Đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng hàng hải khoảng 351.500 tỷ đồng

Đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng hàng hải khoảng 351.500 tỷ đồng

(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giao thông
Hà Nội: Nghiêm cấm xe khách tuyến cố định bỏ chuyến để vận chuyển khách hợp đồng

Hà Nội: Nghiêm cấm xe khách tuyến cố định bỏ chuyến để vận chuyển khách hợp đồng

(CLO) Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác bến xe trên địa bàn phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giao thông