Từ tháng 1/2015, kinh doanh trên mạng xã hội phải đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử và đóng thuế. Tuy nhiên, quy định vừa đưa ra đã vấp phải không ít những phản đối từ dư luận. Ngành thuế cũng thừa nhận việc thu thuế kinh doanh trên Facebook là cần thiết nhưng thực hiện không hề dễ dàng.
Việc quản lý kinh doanh trên Facebook hiện nay là rất khó!
Kiểm soát đã khó
Thực tế là, hiện nay có hàng trăm ngàn trang Facebook có bản chất như sàn giao dịch điện tử. Các gian hàng ảo chính các thành viên tham gia được phép tự do post (đăng) bài quảng cáo bán hàng của mình. Do đó, Bộ Công Thơng đưa ra quy định là nhằm kiểm soát chất lượng hàng hoá, phòng ngừa các gian lận thương mại, lừa đảo có thể xảy ra… Mục đích là rất đúng nhưng kì thực còn khá nan giải nếu đi vào thực hiện. Cư dân mạng cho rằng, khó có thể kiểm soát được vấn đề này. Vì Facebook không có chức năng mở gian hàng, lập website nhánh để bán hàng hay có chuyên mục mua bán như một sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, khác với một website dưới dạng sàn giao dịch thương mại điện tử, quan hệ giữa admin với các thành viên của trang lập ra rất lỏng lẻo, nếu không nói là gần như không có ràng buộc trách nhiệm về quyền lợi kinh tế. Nhiều facebook cho hay, họ có hàng trăm ngàn thành viên tham gia nhưng đều là đăng ký tự do, Ban quản trị không thu phí gì cả. Trên mạng cũng có hàng trăm ngàn người mở Facebook bán hàng nên việc quản lý như vậy sẽ không khả thi.
Quả thực, hiện nay rất khó để kiểm soát những chủ nhân Facebook này vì tính chất “ảo” và tính cá nhân cao. Chủ trang có thể là một hoặc nhiều người làm admin. Bộ Công Thương cũng khó có cơ sở khoa học kỹ thuật để “đóng cửa” hay truy trách nhiệm Facebook dạng này như việc rút giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử…
Đánh thuế càng khó hơn
Mạng xã hội như facebook hiện không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, họ là mạng xã hội toàn cầu, không chịu ràng buộc bởi các quy định về thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, do vậy việc yêu cầu Facebook phải đăng ký khai báo chức năng sàn giao dịch TMĐT là điều không thể, qua đó việc thu thuế cũng trở nên vô cùng khó khăn. Rõ ràng, việc quản lý kinh doanh trên mạng xã hội như facebook hiện đang khó kiểm soát, chưa nói tới việc đánh thuế.
Theo khảo sát trên các trang mạng bán hàng, có thể thấy nhiều trang chỉ để số điện thoại liên hệ, không có địa chỉ cụ thể, không có tên người bán, điều này gây rủi ro rất lớn đối với người mua, khi xảy ra sự cố rất khó để có thể khiếu nại, khiếu kiện hay để các cơ quan chức năng quản lý. Tuy nhiên, việc đánh thuế có thể chưa cải thiện được tình hình này. Đó là chưa kể để lách thuế, các chủ shop bán hàng càng tìm cách che giấu các thông tin của mình khiến việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn.
Một lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, việc đánh thuế khi kinh doanh trên mạng xã hội không phải là một loại thuế mới. Bản chất chính là liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. Thay vì việc mang hàng đến chợ để trao đổi giao dịch thì mang đến "chợ ảo" để bán hàng. Dù là admin hay thành viên tham gia, nếu các cá nhân này có lãi thì sẽ phải nộp thuế. Lãnh đạo ngành thuế thừa nhận, quy định là đúng, cần thiết nhưng thực hiện rất khó khăn. Rõ ràng, chủ trương quản lý, kiểm soát kinh doanh qua mạng xã hội vẫn còn là bài toán khó, chắc chắn sẽ gặp nhiều “rào cản” trong thời gian tới.
Hà Vân