Theo đó, liên quan đến vụ lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất, gia công thực phẩm chức năng Vinaca (tại ngõ Đại Tu, tổ Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng) do bà Đào Thị Chúc làm chủ cơ sở, cơ quan chức năng đã tạm giữ hàng ngàn sản phẩm Vinaca. Trong đó, có 5 loại sản phẩm đang được sản xuất tại cơ sở này gồm: 154 hộp Vinaca CO3.2 ung thư 154 hộp (loại 80 viên/hộp); 633 chai Vinaca Vi5 tẩy mùi hôi (loại 300 – 900 ml), 100 lọ Vinaca baby Vi6.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện và thu giữ 27 chai dầu gội Sunsilk, hàng chục kg nắp nhựa màu đen và nắp nhựa màu trắng, hơn 200kg vỏ viên nang (vỏ viên thuốc hình dạng con nhộng); hơn 200kg vỏ nhựa chai Vinaca Vi5, 42 thùng vỏ thủy tinh Vinaca ung thư, 5kg nhãn giấy Vinaca, 5kg tem tròn dán nắp lọ thủy tinh, máy làm sạch viên nang và vỉ ép nhộng...
Thuốc ung thư được làm bằng...than tre
Tất cả lô hàng này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, bà Đào Thị Chúc không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa bà đang sản xuất. Lợi dụng việc đặt tên, Cty TNHH Vinaca đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư, rồi lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư, bán ra thị trường.
Ở đây có một sự khó hiểu: Sản phẩm của công ty xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng tên sản phẩm cũng như phần thành phần, công dụng khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc hay thực phẩm chức năng. Ngay trên trang thông tin của doanh nghiệp http://vinaca.vn/, sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 được quảng cáo: “Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư số 1 thế giới”.
Ngay trong phần hướng dẫn sử dụng cũng ghi rõ: Thành phần tinh chất nano carbon, tinh chất nghệ nano, cao sắc… Công dụng: Hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng… Đây là sản phẩm dạng viên uống.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dược chia sẻ: Trong phần ghi công dụng, sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 nêu hàng loạt tác dụng. Ngay cả thực phẩm chức năng cũng không được sử dụng từ "hỗ trợ điều trị" trong phần giới thiệu công dụng, nếu không có nghiên cứu lâm sàng. Trong khi đó, những sản phẩm này được đăng ký là mỹ phẩm!?
Cũng theo vị chuyên gia này, mỹ phẩm là dùng để bôi bên ngoài da, nhưng những sản phẩm được cơ quan chức năng phát hiện lạ ở dạng viên, sản phẩm dùng qua uống thì không thể là mỹ phẩm. Hơn nữa, chính tên sản phẩm đã gây hiểu lầm, khó hiểu cho người tiêu dùng: Mỹ phẩm lại mang tên thuốc ung thư, dạng bào chế?
Vậy mà sở vẫn cấp phép là mỹ phẩm thì đúng là giết người. Dạng bào chế và công dụng như nêu trong thành phần nếu đăng ký phải là thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép cho các công dụng theo quy định pháp luật và theo hồ sơ chứng minh công dụng.
Theo trang web của đơn vị này, thì sản phẩm Vinaca CO3.2 ung thư rao bán trên mạng với giá 2 triệu đồng/hộp và được rao bán tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Tiến Sơn – Phó GĐ Sở Y tế Hải Phòng – cho biết: Những doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm được quyền công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, sở chỉ cấp giấy chứng nhận trên hồ sơ doanh nghiệp cung cấp. Về việc doanh nghiệp tự đặt tên là “Vinaca ung thư CO3.2”, là cách doanh nghiệp đặt tên gọi cho sản của mình, luật không cấm.
Thế nhưng sự thực là, 6 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là hóa mỹ phẩm (không phải thực phẩm chức năng) cho Cty Hồng An Phong (huyện An Dương), nhưng Cty này không sản xuất các sản phẩm này, mà chỉ thực hiện mỗi công đoạn đốt tre, nứa, gỗ để cung cấp tro cho Cty TNHH Vinaca (quận Kiến An).
Cty Vinaca không những chỉ sản xuất các sản phẩm được cấp chứng nhận cho Cty Hồng An Phong (các sản phẩm hóa mỹ phẩm), mà còn sản xuất thực phẩm chức năng (Vinaca CO3.2 ung thư) và giới thiệu là thực phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Trên nhãn mác của sản phẩm “Vinaca ung thư CO3.2” có ghi rõ thành phần gồm tinh chất nano carbon từ thục đen, tinh chất nghệ nano, cao sắc V1 (nghệ, côn bổ, đình lịch tử,…); Cao sắc V2 (nghệ, hương phụ, sài hồ); V3 (bột nghệ, bạch truật); V4 (nghệ, phèn chua); Cao sắc V5 (khổ sâm, phèn đen). Công dụng: hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng, đại tràng, giảm đầy hơi, trào ngược dạ dày, tăng sức khỏe, chống suy kiệt…
Vậy tại sao cơ quan quản lý lại cấp giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm, các thuốc này có loại dùng tẩy da, có loại dùng nhỏ mũi, có loại... chữa ung thư. Hoá mỹ phẩm cũng có thể chữa ung thư ư? Và trong sự việc nghiêm trọng này, ai cấp phép, ai thổi phồng? Liệu có sự buông lỏng của quản lý, hay tệ hơn là sự tiếp tay cho sản phẩm lập lờ này làm hại sức khỏe người sử dụng?
Thượng tá Vũ Văn Thắng, Phó công an quận Kiến An (Hải Phòng) cho biết, Giám đốc Vinaca Nguyễn Xuân Thu (37 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) - người cầm đầu đường dây sản xuất trái phép mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư - đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Người cung cấp than tre, nứa cho Thu là Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong, trú tại xã Hồng Phong (An Dương, Hải Phòng).
Công an Hải Phòng cho biết, ngay sau khi hai cơ sở sản xuất, dán nhãn thuốc tại quận Kiến An bị triệt phá, tất cả điểm trưng bày, bán sản phẩm Vinaca của Thu tại Hải Phòng được tháo biển, đóng cửa. Tại Hà Nội, Quảng Ninh và Nam Định - nơi Thu đặt chuỗi gian hàng, nhà chức trách địa phương đồng loạt kiểm tra, thu giữ số lượng lớn sản phẩm các loại.
Nhà chức trách đã gửi các nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm do Vinaca sản xuất đi giám định. Trong khi chờ kết quả, Công an quận Kiến An kêu gọi những ai là nạn nhân của Vinaca tới trình báo.
Bộ Y tế có công văn hỏa tốc gửi đến Sở Y tế Hải Phòng đề nghị Sở Y tế TP. Hải Phòng phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trước ngày 14/4./.
Cẩm Tú