Triển lãm “Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và thời Nguyễn” sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 70 tuyệt phẩm tinh hoa của dòng đồ sứ ký kiểu xuyên suốt các thời đại Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Trong đó hơn 30 sản phẩm đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh đại diện cho thời kỳ đầu tiên trong lịch sử đồ sứ ký kiểu với đầy đủ các hiệu đề như: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị đoài và Khánh xuân thị tả sẽ đến từ sưu tập của 2 nhà sưu tầm Nguyễn Công Tuấn và Ngô Văn Trường.
Nhiều người dân cũng như lãnh đạo tham gia thưởng lãm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế nhấn mạnh, “Bảo tồn phát huy di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo huy động tối đa nguồn lực của công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tạo điều kiện cho tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ và gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.
Với triển lãm “Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và thời Nguyễn” lần đầu tiên công chúng ở Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng lãm những tuyệt phẩm tinh hoa của dòng đồ sứ ký kiểu xuyên suốt hơn 3 thế kỷ, hội tụ và tỏa sáng tại điện Long An - công trình kiến trúc gỗ đẹp nhất của triều Nguyễn, Di sản Văn hóa Thế giới.
Bình hoa trang trí hoa điều bằng men ngũ sắc.
Cũng trong dịp này, Bảo tàng Cổ vật Cung đình, TTBTDT Cố đô Huế sẽ tiếp nhận một số sắc phong triều Nguyễn do các nhà sưu tập trao tặng. Hoạt động này là một trong những nghĩa cử cao đẹp, không chỉ trực tiếp góp phần chung tay vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa triều Nguyễn nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung mà còn có sức lan tỏa trong cộng đồng về ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ và gìn giữ di sản dân tộc .
Trước đó, TTBTDT Cố đô Huế phối hợp với Công ty Vietnam Truc Chi Art tổ chức triển lãm “Thơ trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc Chỉ” tại Trường lang Đại Cung Môn - Đại nội Huế.
Triển lãm "Thơ trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc Chỉ".
“Thơ trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc Chỉ” là sự kết hợp giữa 2 loại hình nghệ thuật đó là thư pháp thơ trên kiến trúc cung đình và nghệ thuật Trúc Chỉ. Với 28 tác phẩm Trúc Chỉ tương đương với 28 bài thơ, đoạn thơ qua chủ đề về tinh thần dân tộc, ca ngợi thái bình, thịnh trị và phong cách đất nước.
Hy vọng triển lãm lần này sẽ là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn, thú vị trong chương trình Festival Huế 2018.
Hữu Tin