(NB&CL) Chúng tôi tìm đến gặp Thượng tướng- Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu (Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng) vào một ngày tháng 4 lịch sử. Mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng tướng Hiệu vẫn rất minh mẫn và phong độ… Những câu chuyện về chiến tranh, những trận đánh hào hùng của một thời dường như vẫn in đậm không thể phai mờ trong ký ức của ông. Ông như sống lại một thời tuổi trẻ - tuổi của trí tuệ, của sự gan dạ, kiên cường, của niềm tin chiến thắng…
1. Ông được đánh giá là vị tướng khiêm nhường, bao dung, độ lượng và cũng luôn là người tiên phong trên mọi mặt trận. Ông được phong Thiếu tướng ở tuổi 40 – thời bấy giờ, ông là vị tướng trẻ nhất toàn quân. Tướng Hiệu sinh ra tại xã Hải Long – Hải Hậu – Nam Định. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tài năng quân sự thiên bẩm của mình trong những lần chơi trò đánh trận giả cùng các bạn bè đồng trang lứa. Yêu thích và học giỏi nhất môn lịch sử, nên những trận đánh, những chiến công vang dội của ông cha ta đã thấm nhuần vào máu của ông từ khi còn rất nhỏ. Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông, của Bác Hồ kính yêu, ông quyết định lên đường nhập ngũ. Được sống và chiến đấu qua nhiều đơn vị khác nhau, bản lĩnh gan dạ, mưu trí đã giúp ông dần trưởng thành qua từng trận đánh. Trong cuộc đời chinh chiến ông đã tham gia tất cả 67 trận đánh lớn nhỏ, nhưng tháng 4 và những trận chiến trên mảnh đất Quảng Trị chính là nơi đã để lại ký ức đặc biệt nhất trong cuộc đời ông.
[caption id="attachment_160879" align="aligncenter" width="640"]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng về thăm và dự ngày thành lập Quân đoàn 1.[/caption]
Ký ức đầu tiên nhưng cũng là trận đánh làm ông nhớ mãi vào năm 1970. Đó là trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài – Tân Kim – Cam Lộ – Quảng Trị đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5 tháng 4 năm 1970. “Lúc đó tôi là Đại đội trưởng Đại đội 2 của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 của mặt trận B5. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt một cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài. Lúc đó có thể nói là thời điểm cực kỳ khó khăn kể từ sau Mậu Thân 1968. Thời điểm này, Mỹ dùng chiến thuật Trâu Rừng của Tướng Abram, tức là dùng xe tăng để càn quét kết hợp với các hoả lực cả ở trên không, dưới biển, mặt đất để nó tiêu diệt quân giải phóng. Lúc đó, nhiệm vụ của tôi là phải đưa một đại đội luồn vào bên trong, đánh sâu từ bên trong lòng địch. Sau 4 ngày đêm bám nắm quy luật của địch, đêm mùng 4 rạng sáng ngày 5/4/1970, đơn vị đã chiến đấu, tiêu diệt gọn cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài. Góp phần đánh bại chiến thuật Trâu Rừng của Tướng Abram – tay tướng nổi tiếng của Mỹ và buộc nó phải rút về Đông Hà” – ông bồi hồi nhớ lại. Kết thúc trận đánh đó, đơn vị ông được khen thưởng và ông được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, tiểu đoàn chủ công của trung đoàn 27-B5.
2. Ký ức thứ hai cũng là một ký ức đặc biệt với ông, đó là chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288 Đồi Tròn. Nhiệm vụ của trung đoàn 27 là giải phóng hoàn toàn khu vực 544 (Phu - lơ). Trên cứ điểm này, địch bố trí ba dàn ra-đa kiểm soát mọi chuyển động lớn nhỏ của quân ta. Trận địa pháo cối của địch luôn phát huy lợi thế trên cao để bắn phá các trận địa của ta trên toàn tuyến hành lang. Đây cũng là điểm nối của một con đường cho xe tăng lên căn cứ Phu – lơ từ Cam Lộ qua điểm cao 322 và điểm cao 288. Nhận lệnh tấn công Phu – Lơ, ai cũng hồi hộp vì trước đó ta và địch đã giành giật nhau nhiều lần tại cứ điểm này. Ngày 26/3/1972, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giờ nổ súng tiến công trên toàn mặt trận vào 11h30 ngày 30/3/1972. Thế nhưng, đã xảy ra một tình huống bất ngờ đòi hỏi ông phải đưa ra một quyết định táo bạo, ông kể: “10h30, tức là trước giờ dự kiến nổ súng 1 tiếng thì Tiểu đoàn 3 Ngụy lọt vào trận địa phục kích. Khi đó tôi rất băn khoăn, tôi và đồng chí Chính trị viên Trần Xuân Gứng trao đổi và cuối cùng quyết định báo cáo trung đoàn Trưởng qua điện thoại xin cho nổ súng trước giờ G. Mệnh lệnh tôi đưa ra khi ấy là đánh nhanh gọn, xoá sổ tiểu đoàn 3 của Nguỵ, không để địch kịp điều thêm xe tăng gây khó khăn cho trận địa. Các mũi tấn công đồng loạt bao vây, chia cắt, chặn đường rút lui của địch”. Trong trận đánh ấy, tiểu đoàn do ông chỉ huy đã làm chủ hoàn toàn khu vực phía đông nam căn cứ Phu – lơ và Đồi Tròn, cắt rời thế liên hoàn của các căn cứ Phu – Lơ, Đồi Tròn, Cam Lộ, tạo điều kiện cho đơn vị bạn để tiêu diệt địch ở căn cứ Phu – lơ. Khi đó, chiến sĩ Nguyễn Viết Mão – xạ thủ trung liên của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 đã bắt sống Thiếu tá Hà Thúc Mẫn – Tiểu đoàn trưởng quân Nguỵ Sài Gòn.
[caption id="attachment_160880" align="aligncenter" width="640"]
Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên trái) hạ quyết tâm tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị (tháng 4/1970).[/caption]
3. Ký ức thứ 3 là ký ức không thể nào quên về hình ảnh một bà má miền Nam cùng với câu chuyện cảm động về tấm bản đồ má đã trao trên đường tiến quân về Sài Gòn. Đêm 29/4/1975, ông và đồng chí Trịnh Văn Thư – Chính uỷ trung đoàn Triệu Hải cùng tổ trinh sát vào bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở búng Lái Thiêu. Qua khu vực nghĩa trang và bìa rừng phát hiện ngôi nhà nhỏ có ánh đèn dầu, tổ trinh sát tiến vào. Một bà má từ trong ra mở cửa, anh em trinh sát phát tín hiệu “Hồ Chí Minh”, nghe tiếng đáp lại là “Muôn năm” thì nhận ra đúng là cơ sở cách mạng đây rồi! Ông hồi tưởng lại: “Tôi và anh Trịnh Văn Thư bước vào nhà má mừng lắm. Khi đó, tôi thưa với má về mệnh lệnh của cấp trên, nếu tìm gặp được cơ sở cách mạng thì đề nghị má giúp đỡ. Má nhìn tấm bản đồ chỉ huy của tôi trải dưới ánh đèn dầu, má nói má không rành. Má chạy vào nhà một lát rồi đưa một tấm bản đồ, má trải ra rồi nói với chúng tôi vị trí trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Nơi này kẻ địch tập trung gần 2.000 lính Nguỵ, bọn này án binh bất động, tinh thần rệu rã lắm rồi! Má dặn chúng tôi không nên đánh mà nên kêu gọi bọn chúng ra hàng. Tiếp tục đưa bút rà trên bản đồ, má nói không cần đánh địch ở căn cứ Lái Thiêu, phải nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình theo trục đường 13 mà địch gọi là đường Đại Hàn để nhanh chóng chiếm lục quân Công Xưởng và Bộ tư lệnh thiết giáp quân nguỵ ở Gò Vấp – Sài Gòn để đề phòng địch phản công. Nói xong, má trao lại cho chúng tôi tấm bản đồ. Sáng hôm sau, má bảo má và hai con của má cùng đi trên xe để dẫn đường. Nhưng tôi thưa với má là má cũng đã lớn tuổi, để Hai Mỹ và Sáu Châu đi cùng chúng con là được rồi! Má và hai em ở nhà, đánh xong, chúng con sẽ quay trở về thăm má”. Dưới sự chỉ huy dũng cảm, mưu trí của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng. Khi đó, Đại đội trưởng Mạc đã dùng xe tăng của mình bắn cháy 3 xe tăng địch, xe bị hỏng, đồng chí xuống xe cùng tổ B41 bắn cháy tiếp các xe địch và Đại đội trưởng Mạc bị thương, một chiến sĩ cũng bị thương, Đại đội trưởng Mạc đã lấy thân mình che chở chiến sĩ và đã hy sinh. Lúc này, Tướng Hiệu quyết định đưa Đại đội trưởng Mạc và chiến sĩ lên xe tăng cùng tiến vào Sài Gòn để các đồng chí chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam. Đến khoảng 9h30 phút, mũi thọc sâu của trung đoàn đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp lục quân Công Xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân Nguỵ, căn cứ 25, 26 truyền tin và chiếm Tổng y viện Cộng hoà. Sau đó cùng đơn vị bạn đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Kết thúc những câu chuyện hào hùng, vị tướng già xúc động tâm sự: “Với tôi, Quảng Trị như là quê hương thứ hai của mình vậy! Cuộc chiến tranh dẫu đã kết thúc nhưng với những người lính chúng tôi, ký ức một thời hoa lửa thì vẫn còn mãi”. Những người trẻ hôm nay phần nào cảm nhận được những suy nghĩ và cảm xúc của ông, càng cảm thấy có thêm động lực gìn giữ những giá trị tốt đẹp một thời để biết ơn, tri ân và thực hiện được đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta.
Bích Việt