Tiền mất tật mang vì “công dụng đồn đoán” của cao hổ cốt: Cả núi các tinh hoa y dược: Sao không dùng?
Còn nhớ, qua rất nhiều lần đi điều tra xuyên quốc gia, nhất là chuyến tôi và danh hài Xuân Bắc được mời sang Nam Phi thị sát về tình trạng giết tê giác lấy sừng bán sang châu Á làm “thần dược” chữa… ung thư và giải độc, hạ sốt - theo niềm tin mù quáng của những kẻ lắm tiền nhiều của. Một nhà báo phương Tây, đã hỏiXuân Bắc: “Theo ông, sừng tê giác có tác dụng gì chosức khoẻ con người không?”. Bắc thản nhiên: “Có!”. Tôi tái mặt. Chúng tôi (có lần đi cùng cả Diva Hồng Nhung, Đại biểu Quốc hội Võ Tuấn Nhân, nay là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Công an Hà Nội…) được mời sang để tìm hiểu, về viết báo rồi nói với công chúng cả nước là đừng sử dụng sừng tê giác nữa, nó thật sự không có tác dụng gì nhiều; trong khi các loài tê giác quý hiếm đáng yêu này sắp tuyệt chủng rồi.
… Ai ngờ, trong lúc nhiều người đang ngơ ngác, quay ra, “Nam Tào” Xuân Bắc cười hài hước: “Có, khi mắm môi mài sừng tê giác thì có tác dụng rèn luyện cơ bắp của cái tay!”. Tôi kể thêm, tôi đi điều tra, thấy họ mài vất vả quá, để miếng sừng cứng như thép nguội lên cái bàn quay bằng sứ. Cứ mài khét lẹt thế, có mà uống gốm sứ hoà tan (vì đĩa mài mềm hơn sừng tê) chứ làm gì có chất sừng. Mà chất sừng cũng như cái móng tay của bạn. Ai đó bảo, sừng tê giác có tác dụng thanh lọc cơ thể, hạ sốt. Một chuyên gia thở dài: Nếu hạ sốt thì mua thuốc tây Efferalgan, vài nghìn đồng một gói, uống cái là hạ ngay. Nếu thanh lọc cơ thể thì có nghìn loại thực phẩm chức năng, và thảo dược rồi luyện tập, sao phải giết chết loài vật quý hiếm và to lớn bậc nhất của địa cầu kia để đoạt sừng nó? Nên nhớ, gói thuốc hạ sốt Efferalgan thay cho tác dụng đồn đoán của sừng tê giác giá chỉ có giá vài nghìn đồng (0,3 đô la Mỹ) và bất kỳ hiệu thuốc nào cũng đang bán!
Quả thật, sau cuộc đối thoại đó chúng tôi đã thêm tỉnh ngộ với góc nhìn của các nhà báo nước ngoài. Andrew Peterson, Giám đốc Quỹ bảo tồn Tê giác còn sang Hà Nội thăm tôi, nhiệt tình đề xuất: nếu sừng tê giác chữa được ung thư, tôi xin tặng Việt Nam cả kho sừng đang giữ (tồn kho sau các vụ án, sau khi tê giác chết ở trong rừng) ở chỗ chúng tôi để cứu người. Làm gì có việc đó.
Quả thật, nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, được cả thế giới ra sức bảo vệ, chúng đã chết thảm, chết oan, chết một cách không đáng vì những kẻ mù quáng. Họ tự huyễn hoặc mình, nghĩ ra đủ thứ “công dụng thần kỳ” của cao hổ, sừng tê giác, mật gấu, da voi. Tiêu biểu là câu chuyện cao hổ cốt.
Hơn 20 năm qua, các nhà khoa học đi mòn rừng Việt mà chưa ghi nhận được dấu tích con hổ hoang dã nào. Mãi gần đây, tháng 8/2022, mới nghe thông tin thoáng qua về việc hổ “tái xuất” ở Phong Nha – Kẻ Bàng mà rung chuyển dư luận. 22 năm trước, cũng là lần duy nhất trong mấy nghìn năm lịch sử Việt Nam, có một cá thể hổ hoang dã được bẫy ảnh của EU chụp được tại Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An). Như thế, để thấy hổ ở Việt Nam hiếm tới mức nào. Vậy mà người ta nấu cao hổ ở khắp nơi, thi nhau “chung tiền” mua cả con hổ sống về mổ, nấu cao, khoá vam, lắp camera vào nồi để theo dõi bảy ngày đêm. Rồi hí hửng vét nồi cao, chia chác cao theo tỷ lệ chung tiền. Họ tự nghĩ mình giỏi, biết ăn chơi và biết quan hệ…
Vừa rồi, ông Ngô Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bị bắt giữ tại nhà khi đang giết con hổ tạ nấu cao. Đối tượng tên Hiền ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bị tố cáo khi các phóng viên ghi hình bí mật thực hiện loạt bài điều tra “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” (đoạt Giải A, Giải Báo chí Quốc gia năm 2021, đăng trên Báo Điện tử Dân Việt) rồi công an bắt, nay anh ta đã lĩnh án 7 năm tù (năm 2022). Cùng vụ, hai đối tượng bị bắt vì vận chuyển trái phép 7 con hổ nhỏ (các “bé” hổ nay đã 50kg/con và được nuôi ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng), cũng lĩnh án 9 năm tù giam hầu như cùng dịp với đối tượng Hiền kể trên.
Các vụ việc trên cho thấy điều gì? Họ mua hổ con từ các trang trại trái phép, cho hổ sinh sản cận huyết ở bên Lào (chúng tôi đã sang điều tra và có hình kèm theo bài viết này), vận chuyển về Việt Nam bán cho các đối tượng nuôi. Họ nuôi hổ trái phép trong ngục tối, dưới lòng đất, cho ăn lợn chết, gà chết, từ lúc sơ sinh đến lúc đem đi giết để nấu cao, hổ hầu như không thấy ánh sáng mặt trời. Chúng được cho thức ăn tăng trọng, tẩm nhiều hoá chất độc hại. Khi giết mổ, cấp đông, vận chuyển lại đổ cả núi hoá chất ướp tẩm nữa (để tránh thiu thối và xuống màu món hàng tiền tỷ). Lúc nấu cao để bán trôi nổi trên mạng xã hội (với giá “siêu rẻ”), hoặc các thợ nấu dùng thủ thuật (hầu hết người ta không thể mua hổ về tự nấu cao được) quái quỷ nhằm pha chế, thêm phụ gia vào. Họ cho cả bã vôi để tạo độ đục lờ của đáy lọ rượu cao, cho thuốc Tây, đặc biệt là thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, rồi thuốc phiện để “gây hưng phấn” giả tạo cho người dùng.
Với tư cách nhà báo, chúng tôi có đủ ghi âm, ghi hình, nhân chứng phục vụ cho nhận định này: chưa bao giờ cao hổ cốt lại tạp nham, hổ lốn và bị pha trộn tàn ác nhằm bán trên mạng xã hội và internet (cũng như ngoài đời thực) như bây giờ. Và hổ nuôi nhốt trái phép bẩn thỉu, độc hại, làm sao có nồi cao không là hiểm hoạ cho sức khoẻ người tiêu dung được? Đó là chưa kể các rủi ro pháp lý quá lớn khi mua hàng cấm (hổ), bị cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, điều mấu chốt hiện nay là: cần có nghiên cứu, tư liệu thuyết phục, nâng cao thực thi pháp luật ở lĩnh vực này, để cảnh tỉnh những người mù quáng quá sức thần thánh hoá cái gọi là “cao hổ cốt”; đồng thời xử lý nghiêm mọi vi phạm để làm gương. Quan trọng không kém là chúng ta cần nghiên cứu thêm, ứng dụng thêm các sản phẩm thay thế cái gọi là “tác dụng của cao hổ cốt”.
Đúng như Bác sỹ Nguyễn Văn Thế, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an đã rất thẳng thắn nói trong Lễ phát động Dự án xã hội Giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam, rằng: Cao hổ cốt không có tác dụng chữa trị như đồn đoán. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng cùng quan điểm như trên. Thế nên, các nhà khoa học, đặt biệt là các vị lương y kêu gọi “Cần thay đổi hành vi để giảm nhu cầu sử dụng các chế phẩm từ hổ phục vụ mục đích chữa bệnh tại Việt Nam”, nhất là khi mà chúng ta đang ở trong một thị trường nóng buôn bán trái phép các sản phẩm từ hổ. Hai năm trước, Tiến sỹ Trần Xuân Nguyên, trong tư cách Trưởng Ban Chuyên môn của Trung ương Hội Đông Y Việt Nam cũng tâm huyết nói: Giảm và tiến tới loại trừ việc sử dụng cao hổ còn là việc tích cực “nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín và sự phát triển bền vững của Y học cổ truyền vì sự phát triển của chúng ta”.
Ông Nguyễn Văn Thế nhấn mạnh: Cao hổ giả rất nhiều trên thị trường, nhưng ngay cả cao hổ “thật” đi nữa, thì cũng cần nhận thức rõ vấn đề mấu chốt này. Cao hổ cốt chủ yếu chứa canxi, mà canxi của nồi cao, để nó “ngấm” được vào xương của người dùng, nó còn phụ thuộc vào ít nhất 3 vấn đề. Y học chỉ rõ, để canxi vào được xương người dùng, thì họ phải kê tới 3 loại thuốc. Cho nên, việc ăn/uống cao hổ cốt mà hấp thụ được canxi tốt thì “hơi khó khăn” (nguyên văn lời ông Thế). Chắc chắn là hiệu quả của việc này rất thấp, trong khi số tiền bỏ ra để mua cao hổ quá đắt đỏ (một hai tỷ đồng/con hổ bán trái phép).
Ai cũng biết, giá chợ đen hiện nay, một lạng cao hổ khoảng 25 đến 35 triệu đồng. Trong khi để chữa đau nhức xương khớp, chưa kể Tây y, chỉ Đông y thôi, đã có đủ loại thuốc “tốt bổ rẻ” mà các cụ đã dùng từ nghìn đời, đã chứng minh hiệu quả của chúng rất rõ. Như, đỗ trọng, cốt toái bổ, thiên niên kiện, cẩu tích, tục đoan… Các vị Giáo sư, các chuyên gia đầu ngành đều đã lên tiếng, không hiểu sao nhiều người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là “cao tạp nham”. Các đối tượng đẽo gọt, mài rũa từng mảnh xương trâu bò, chó mèo, để tạo các lỗ tròn như xương bánh chè hình mắt phượng, xương bả hình cánh buồm của hổ(hai yếu tố trên được coi là tín hiệu quan trọng - mà dân gian nghĩ - đó nhất định chỉ xương hổ “xịn” mới có). Thậm chí, dân gian muốn có bộ xương mà chó ngửi thấy bỏ chạy, thế mới đáng mặt chúa sơn lâm, các đối tượng cũng bỏ hoá chất vào thịt hổ, để chó chạy tán loạn. Như đã viết ở trên, nhiều người dùng chính cơ thể họ ngẫm nghĩ, dùng thử xem cao hổ cốt có “sung” không, các đối tượng đã bỏ thuốc Tây, thuốc phiện và chất tạo màu, tạo mùi, tạo độ đục độ lắng vào để lừa người tiêu dùng. Tất cả là mánh khoé trục lợi của con buôn hết.
Nhiều trùm buôn hổ đã tiết lộ với chúng tôi các mánh pha trộn, đánh tráo xương chó mèo bò trâu thành xương hổ… Tại Lào và Thái Lan từng xuất hiện công nghệ “giải phẫu thẩm mỹ cho xương chó thành xương hổ” bán sang Việt Nam.
Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), chỉ trong 1,6 năm tính từ năm 2019 đến giữa năm 2020, đã ghi nhận 720 hành vi vi phạm, xâm phạm loài hổ trong thực tế và 652 hành vi vi phạm quy định về bảo vệ hổ trên các trang mạng xã hội. Qua các vụ việc, cơ quan chức năng đã bắt giữ và tịch thu 26 cá thể hổ, trong đó có 3 cá thể còn sống, còn lại là hổ đông lạnh hoặc sản phẩm từ hổ.
Không chỉ dùng các loại cao xương động vật khác để nấu cao rồi mạo danh “cao hổ cốt” nhằm trục lợi, theo Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, với tư cách Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Quân đội 108 phân tích: cái nguy hiểm hơn cả là những người nấu cao thường trộn một số thuốc Tây dạng chống viêm, giảm đau mạnh để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp. Cảm giác “hiệu nghiệm” tức thì đã khiến không ít người bệnh đã tin và sẵn sàng bỏ khoản tiền không nhỏ để mua cao hổ (vốn là cao hổ rởm). Tuy nhiên, việc dùng các loại cao hổ rởm này không những bệnh tình không cải thiện mà còn có thể nặng hơn sau một thời gian dài sử dụng.
Gần đây, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng và chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã phải tiếp nhận và điều trị cho không ít bệnh nhân bị các phản ứng dị ứng và nhiễm độc suy gan, thận…, thậm chí tử vong sau khi sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như: sừng tê giác, mật gấu, xương cao hổ…
TSKH Nghiêm Vũ Khải là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII và XIV, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp KH&KT Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với người viết bài này:
“Không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể xóa bỏ nhận thức về công hiệu như “thần dược” của những bài thuốc gia truyền, trong đó có nói đến các sản phẩm từ động vật hoang dã. Các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc là nơi tồn tại tập quán này từ xa xưa.
Tuy nhiên, ví dụ như Nhật Bản, người ta đã sản xuất những chất thay thế tương đương với sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy không còn các thành phần từ ĐVHD nhưng các loại thuốc, thực phẩm chức năng đó vẫn được người “có thói quen” dùng ĐVHD kia… tin dùng!
Như một loại thuốc trợ tim, trước đây người Nhật sử dụng nhiều thứ chiết xuất từ ĐVHD, gần đây họ sử dụng các thứ khác không phải ĐVHD mà công dụng vẫn tốt và được nhiều người tin dùng.
Tôi có thời gian dài làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản nên tôi biết đây là một quá trình thay đổi rất khó khăn. Từ trách nhiệm, thái độ ứng xử quốc gia đối với Công ước Washington (CITES) đến ý thức của người dân tạo nên một sức ép lên Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách buộc họ phải thay đổi.
Và cuối cùng, các nghiên cứu khoa học và công nghệ đã giúp giải bài toán khó ấy một cách thành công.
Rất cần khuyến khích, nhân rộng những hoạt động hữu ích mà nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp gần đang thực hiện như phát triển các loài dược liệu, loài cây thuốc quý như đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc Linh, các loài quý hiếm khác. Đây là hướng đi đúng, phù hợp chủ trương bảo vệ môi trường, phát triển đất nước bền vững, hài hòa”.
(CLO) Hội thảo khoa học: “Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 29/11/2024, tại thành phố Đồng Hới.
(CLO) Do thu hằn cá nhân, Hợi đã thực hiện hành vi thả thuốc diệt cá xuống ao cá làm cho nước trong ao của anh Ng. lây lan ra nhiều ao khác, khiến cá chết hàng loạt.
(CLO) Ngày 21/11/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã long trọng tổ chức khai trương Dự án chính quyền số - một trong những dự án quan trọng nhất, làm nền tảng đột phá phát triển kinh tế số, xã hội số.
(CLO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, ngày 22/11, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Khu vực từ Hà Tĩnh và Quảng Bình mưa rào, cục bộ có nơi mưa to. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông. Các khu vực khác có mưa rào và dông.