(CLO) Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương là giảng viên Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM). Chị vừa vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO trao tặng vì đã có những phát hiện trong phương pháp điều trị ung thư.
[caption id="attachment_61995" align="aligncenter" width="640"]
Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO trao tặng.[/caption]
Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng này. Xin giới thiệu bài chia sẻ của Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương:
Vào cuối năm thứ ba, đầu năm thứ tư Đại học, tôi khám phá ra mình có niềm đam mê môn bào chế và công nghiệp dược. Nhìn những sản phẩm tự mình làm ra như mấy tuýp gel, thuốc mỡ, chai dầu hay những viên thuốc nhiều màu sắc,… tôi thấy mình đầy hứng thú. Lúc làm đề tài luận văn tốt nghiệp, tôi đã được giới thiệu đi du học sau Đại học.
Thời gian năm năm du học ở trường Đại học Quốc Gia Kangwon (Hàn Quốc) để hoàn thành các đề tài nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ thật sự quý giá và hữu ích với tôi. Mọi chuyện khá thuận lợi khi tôi chỉ phải tập trung làm nghiên cứu, những việc khác thì các giáo sư tận tình hỗ trợ tôi rất nhiều, từ kinh phí cho việc nghiên cứu, mua hóa chất, thiết bị, cho đến tiền học, chi phí sinh hoạt… Kết thúc năm năm, cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ, tôi đang phân vân nên ở lại học tiếp hay về Việt Nam thì chợt nhớ đến lời thầy hướng dẫn luận văn cho tôi ngày trước: Nước Việt Nam còn chậm hơn các nước tiên tiến khác, người dân nghèo rất nhiều mà giá thuốc không ngừng gia tăng, các sản phẩm ngoại nhập tràn lan trên thị trường... Và vì lí do đó mà tôi đã quyết định trở về…
Nhưng dần dần, một loạt khó khăn mà tôi phải đối mặt đã xuất hiện, như việc tìm các cộng sự có cùng niềm đam mê với mình để lập thành nhóm nghiên cứu, nguồn nguyên liệu có chất lượng, máy móc nghiên cứu chuyên sâu, và bài toán khó nhất là tìm nguồn kinh phí để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình (những việc trước đó ở Hàn Quốc tôi không phải lo đến). Ngoài ra, với một người phụ nữ như tôi, ngoài sự nghiệp, tôi còn phải lo cho con cái, gia đình nên cuộc sống khá bận rộn và không dễ dàng. Áp lực càng đè nặng khi tôi không thể có đủ kinh phí cho các nghiên cứu của mình và phải dùng đến lương tháng để trang trải cho các nghiên cứu đó. Mặt khác, các dự án gửi đi xin kinh phí tài trợ từ các sở ngành trong nước không thành công làm tôi bắt đầu hoài nghi về bản thân. Tôi tự hỏi mình làm sai từ đâu?
Tuy nhiên, trong lúc tôi hoang mang nhất thì lại nhận rất nhiều sự giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là chồng tôi, cũng là một đồng nghiệp của tôi. Bên cạnh đó, tại cơ quan, giáo sư Võ Văn Tới (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng tạo mọi điều kiện để tôi có thể làm tốt công việc nghiên cứu và học cách tạo mối quan hệ với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới qua các kỳ hội nghị quốc tế về sự phát triển của Kỹ thuật Y Sinh. Ngoài ra, tôi còn nhận được sự hỗ trợ của giáo sư cũ ở Hàn Quốc nên cuối cùng, đề tài nghiên cứu khoa học đăng ký giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” của L’Oreal - Unesco đã được tuyển chọn, mang lại cho tôi cơ hội để tiếp tục nghiên cứu công nghệ bào chế sản xuất dược phẩm điều trị bệnh ung thư.
Đề tài nghiên cứu khoa học lần này nằm trong chuỗi nghiên cứu của tôi về các hạt nano dùng trong điều trị và chẩn đoán bệnh ung thư. Đề tài cũng xuất phát từ thực trạng tỉ lệ bệnh ung thư ngày càng tăng cao ở nước ta. Theo chúng tôi nghiên cứu thì sản phẩm dành cho điều trị bệnh ung thư không thiếu nhưng cái thiếu là những sản phẩm trị liệu thật hiệu quả mà giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ của thuốc. Và đó là mục tiêu nghiên cứu trọng tâm của đề tài này. Từ thông tin Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nha Trang chiết xuất được nguồn nguyên liệu fucoidan quý từ tảo nâu (vốn phổ biến tại các vùng biển của Việt Nam) có tính hiệu quả trong việc chống lại sự tạo thành và phát triển của tế bào ung thư, tôi đã tìm hiểu sâu hơn. Nhưng do chưa có nghiên cứu trước đó về việc chế tạo hạt nano sử dụng fucoidan như là nguyên liệu tạo thành, đồng thời là một thuốc điều trị ung thư, thông tin về cấu trúc, đặc tính của nguyên liệu không đầy đủ là những thuận lợi và cũng là khó khăn trong việc nghiên cứu nguyên liệu mới này. Điều đó lôi cuốn tôi vào guồng xoáy nghiên cứu để tìm ra được câu trả lời.
[caption id="attachment_62001" align="aligncenter" width="640"]
Tảo nâu[/caption]
Phương pháp điều trị bằng việc sử dụng fucoidan có mục đích kép là làm dẫn xuất cho thuốc và tự thân là thành tố điều trị bệnh. Khi fucoidan kết hợp với thuốc điều trị ung thư thường kháng nước, phân tử hạt nano sẽ tự tạo lập nhờ vào đặc tính thân nước của fucoidan. Ngoài ra, việc sử dụng các tác nhân hình ảnh trong công thức sẽ giúp các hạt nano này có thể quan sát các tế bào ung thư trong suốt quá trình điều trị.
Thật khó để nói chính xác thời gian hoàn thành nghiên cứu, đưa thuốc vào sử dụng vì còn phải nghiên cứu thuốc trên động vật và nghiên cứu lâm sàng. Trong vòng 4-5 năm tới, hi vọng nghiên cứu các hạt nano chứa đồng thời hoạt chất tự nhiên trị ung thư trong đề án này có thể đạt được những kết quả nhất định, đóng góp một hệ trị liệu mới hiệu quả, ít phản ứng phụ và chi phí thấp trong công tác điều trị bệnh ung thư cho các bệnh nhân mắc phải căn bệnh này ở Việt Nam.
Đức Cường
(Ghi theo lời kể của TS Trần Hà Liên Phương)