(NB&CL) - Được báo chí, đề cập phản ánh từ lâu nhưng “vấn nạn” “tin nhắn rác” không những không thuyên giảm mà có chiều hướng hoành hành dữ dội hơn, gây phiền muộn và mất an toàn cho khách hàng sử dụng điện thoại di động trong cả nước. Thực trạng này đặt ra câu hỏi: nhà mạng có thật sự quyết tâm chặn “tin nhắn rác” không khi thực tế nó đang mang lại nguồn thu “khổng lồ” cho họ?
Tin nhắn "rác" ngày càng biến tướng tinh vi và đa dạng
“Biến tướng” tin nhắn rác
Nghị định 77/2012 của chính phủ về phòng chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm ràng buộc trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) và các nhà mạng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác. vậy nhưng, hiện nay người dùng điện thoại di động (ĐTDD) vẫn đang phải sống chung với “tin nhắn rác”. Theo Thanh tra Bộ TTTT, “tin nhắn rác” ngày càng biến tướng tinh vi và đa dạng hơn trước, từ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ; đến những tin nhắn mời coi bói, tham gia vào các trò cờ bạc lô đề; tin nhắn có nội dung dụ thuê bao tới những đường link sex đến những tin nhắn lừa đảo dưới dạng mời gọi khách hàng tham gia nhắn tin để trúng thưởng, tải nội dung để trừ nhiều tiền trong tài khoản thuê bao di động… “Tin nhắn rác” còn được sử dụng là công cụ để đối tượng xấu chọc ghẹo, đe dọa… nghiêm trọng hơn, gần đây còn xuất hiện các tin nhắn với nội dung “nóng” và bắt mắt, nếu tò mò, kết nối vào đường dẫn kèm theo, điện thoại sẽ lập tức bị dính “mã độc”. các “mã độc” này sẽ tự động gửi kết nối đến một hay nhiều đầu số dịch vụ, và tất nhiên số tiền trong tài khoản sẽ “không cánh mà bay”. việc phát hiện và xử lý dạng hành vi lừa đảo này tương đối đơn giản, cơ quan quản lý chỉ cần dò theo đầu số tổng đài cung cấp dịch vụ là có ngay thông tin về doanh nghiệp sai phạm.
“Tin nhắn rác” không chỉ do các doanh nghiệp, tổ chức gửi đi mà còn do người dùng cá nhân sử dụng các SiM rác, thuê bao ảo trên thị trường nhắn đi, mục đích là để giảm chi phí, tránh sự kiểm tra của cơ quan quản lý khi cung cấp dịch vụ quảng cáo; đồng thời nhắn tin lừa đảo nạp tiền cho thuê bao…gây phiền toái cho khách hàng sử dụng điện thoại di động.
Đến lúc các nhà mạng phải hy sinh lợi ích
Thời gian gần đây, Bộ TTTT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tin nhắn “rác”, xử lý nhiều đơn vị vi phạm, có vụ xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Bộ cũng đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn nghị định số 77/2012/NĐ-CP, nhằm hạn chế số lượng tin nhắn một thuê bao được phép gửi đi trong một ngày cũng như tần suất gửi tin nhắn. những quy định mới trong Thông tư sẽ góp phần tích cực trong việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ tin “rác”. tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ các nhà mạng mới chịu hy sinh nguồn lợi “khủng” từ tin “rác”, để quan tâm hơn đến quyền lợi của “thượng đế”, chung tay với các cơ quan chức năng tham gia “dẹp loạn” tin “rác”?
Các nhà mạng đều tuyên bố đã xây dựng hàng rào kỹ thuật để chặn tin rác, nhưng tin rác vẫn lọt qua thường xuyên. Dư luận đặt ra câu hỏi, những hàng rào hiện hành thiếu đi sự hiệu quả cần có hay chính những nhà mạng lỏng lẻo và cố tình không làm triệt để? Đối với nhà mạng, việc xây dựng một hàng rào kỹ thuật, ngăn chặn nhắn tin với tần suất hay số lượng lớn trong thời gian nhất định không khó, vấn đề là có làm hay không.
Có một thực tế không thể phủ nhận là nguồn lợi “khủng” mà “tin nhắn rác” và các dịch vụ liên quan mang lại cho các nhà mạng. và theo tính toán lợi ích trong câu chuyện này thì quả thực không khó hiểu khi các nhà mạng đều tuyên bố sẽ quyết liệt tham gia “dẹp” nạn tin “rác”, nhưng lúc hành động toàn “đánh trống bỏ dùi”. và cũng vì thế nên dù đã có quy định cụ thể nhưng hiện nhà mạng vẫn buông lỏng quản lý, để người sử dụng bất kỳ có thể dễ dàng sở hữu hàng loạt sim điện thoại được kích hoạt trước mà không cần đăng ký thông tin cá nhân đang tạo ra “mảnh đất màu mỡ” để tin “rác” hoành hành. nếu quản lý thuê bao di động trả trước được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc, sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng phát tán bừa bãi tin “rác” như hiện nay. Quan trọng là các nhà mạng sẽ quyết tâm đến mức nào, lựa chọn quyền lợi của khách hàng hay chỉ quan tâm đến lợi ích của chính bản thân mình.