Tin thế giới ngày 8/8: Mỹ trừng phạt trưởng đặc khu và lãnh đạo Hong Kong

Thứ bảy, 08/08/2020 06:57 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mỹ trừng phạt người đứng đầu Hong Kong cùng hàng loạt quan chức khác; Máy bay Ấn Độ chờ người hồi hương vì Covid-19 gặp nạn, khoảng 20 người thiệt mạng; Vụ nổ tại Lebanon không loại trừ can thiệp từ bên ngoài là những tin tức thế giới mới cập nhật.

Máy bay Ấn Độ chờ người hồi hương vì Covid-19 gặp nạn, khoảng 20 người thiệt mạng

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại sân bay quốc tế Kozhikode, Ấn Độ, ngày 7/8. Ảnh: ANI.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại sân bay quốc tế Kozhikode, Ấn Độ, ngày 7/8. Ảnh: ANI.

Vào lúc 19h40 ngày 7/8 (giờ địa phương), máy bay Boeing 737 mang số hiệu IX 1344 của hãng hàng không Air India Express, xuất phát từ Dubai, trượt khỏi đường băng khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Kozhikode nằm ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Theo cập nhật mới đây nhất của cơ quan chức năng Ấn Độ, 20 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Chiếc máy bay đã gặp nạn khi tiếp đất trong điều kiện thời tiết mưa to, khiến máy bay bị trượt khỏi đường băng và gãy đôi. 

Trên máy bay có 184 hành khách, gồm 10 trẻ sơ sinh và 7 thành viên tổ bay, theo thông cáo của hãng hàng không Air India Express.

Chuyến bay mang số hiệu IX-1344 của hãng Air India Express đang trong hành trình đưa các công dân Ấn Độ bị mắc kẹt ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất vì đại dịch Covid-19 về nước.

Ông Abdul Karim, cảnh sát cấp cao của bang Kerala cho biết trong số người thiệt mạng có một phi công của chuyến bay. Tất cả những người bị thương đều đã được chuyển đến bệnh viện điều trị. Trong số đó có 15 người đang trong tình trạng nguy kịch. Các hoạt động cứu hộ đã kết thúc.

Đường băng của sân bay Karipur dài 2.850 m, nằm trên một đỉnh đồi bằng phẳng với những hẻm núi sâu ở hai bên.

Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Hardeep S. Puri cho biết rằng chiếc máy bay đã trượt hết đường băng trong điều kiện mưa lớn và lao xuống con dốc, sau đó gãy đôi khi va chạm. Cục Điều tra Tai nạn Máy bay đang tiến hành điều tra vụ việc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông "đau đớn" khi biết tin về vụ tai nạn máy bay.

"Tôi đau đớn vì tai nạn máy bay ở Kozhikode. Tôi chia buồn với những ai mất đi người thân yêu của họ. Cầu cho những người bị thương sớm bình phục. Tôi đã trao đổi với Thủ hiến bang Kerala Pinarayi Vijayan. Giới chức đang ở hiện trường và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng", ông đăng trên Twitter.

Mỹ trừng phạt người đứng đầu Hong Kong và hàng loạt quan chức khác

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam trong một buổi họp báo, tháng 12/2019. Ảnh: AFP.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam trong một buổi họp báo, tháng 12/2019. Ảnh: AFP.

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp các biện pháp cấm vận mới với 11 quan chức Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam với cáo buộc "làm suy yếu quyền tự trị" của đặc khu.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 7/8: "Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào 11 cá nhân làm suy yếu tính tự trị và cấm quyền tự do bày tỏ ý kiến hoặc hội họp của dân Hong Kong". Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố bà Lam có vai trò trong việc giám sát và thực thi những chính sách của Bắc Kinh trong việc cắt giảm "các quyền tự do" chính trị tại đặc khu Hong Kong.

Lệnh trừng phạt được ban hành trên cơ sở "Sắc lệnh về Bình thường hóa Hong Kong", được ông Trump ký ngày 14/7.

Ngoài bà Lam, trong danh sách cấm vận mới của Mỹ còn có tên ông Hạ Bảo Long - Chủ nhiệm Văn phòng Hong Kong-Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc; Trương Hiểu Minh - Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng; Lạc Huệ Ninh - Trưởng Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong; và ông Trịnh Nhạn Hùng - người đứng đầu Văn phòng an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh tại Hong Kong. Các ông Trương và Lạc là những Ủy viên trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi ông Hạ là Phó chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc.

Theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản tại Mỹ và lợi ích liên quan của các quan chức có tên trong danh sách hoặc các tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, từ 50% trở lên, bị phong tỏa.

"Toàn bộ tài sản và lợi ích từ tài sản của các cá nhân được nêu tên - cùng với bất kỳ thực thể nào mà họ sở hữu, trực tiếp hay gián tiếp từ 50% trở lên, trên danh nghĩa cá nhân hay cùng những người bị cấm vận khác, [tài sản] tại Mỹ hoặc thuộc quyền sở hữu hay quản lý của người Mỹ - bị phong tỏa và phải được báo cáo đến OFAC", thông báo cho biết.

Trước đó, Mỹ trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc và binh đoàn sản xuất Tân Cương với cáo buộc "vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ". Trung Quốc nhiều lần phủ nhận người Duy Ngô Nhĩ bị "phân biệt đối xử" và cho biết đang tập trung giải quyết tình trạng kém phát triển cũng như thiếu việc làm ở các khu vực tập trung người Duy Ngô Nhĩ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra phản hồi sau động thái mới của Mỹ.

Vụ nổ tại Lebanon không loại trừ can thiệp từ bên ngoài

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (áo sơ mi trắng) tới thăm nơi xảy ra vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (áo sơ mi trắng) tới thăm nơi xảy ra vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun ngày 7/8 đưa ra nhận định về vụ nổ kinh hoàng mới đây tại Beirut. Ông nói rằng cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ nổ lớn nhất trong lịch sử nước này sẽ không loại trừ khả năng có sự can thiệp từ nước ngoài.

"Nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Có khả năng là do can thiệp nước ngoài bằng rocket hoặc bom, hoặc hành động khác", Reuters dẫn lời ông Michel Aoun. "Trước hết, bằng cách nào mà vật liệu nổ được đưa vào [cảng Beirut] và lưu trữ tại đó... Thứ hai là liệu vụ nổ có phải là hậu quả của sự lơ là hay là một tai nạn... và khả năng thứ ba là có sự can thiệp từ bên ngoài."

Theo đó, ông Aoun không loại trừ khả năng một loạt vụ nổ khủng khiếp ở cảng của thủ đô Beirut bị gây ra bởi một quả rocket hoặc bom. Nhà chức trách trước đó xác định 2.750 tấn chất hóa học amoni nitrat lưu trữ tại cảng là tác nhân trực tiếp của vụ nổ. Đã có 16 người bị bắt để phục vụ điều tra. 

Thương vong dự kiến còn tăng vì trong khoảng 5.000 người bị thương có tới 1.000 người phải nhập viện, trong đó 120 người đang nguy kịch. Tối 6/8, người dân Beirut xuống đường biểu tình thể hiện sự tức giận trước sự bất cẩn của nhà chức trách dẫn tới thảm họa.

Sau khi vụ nổ xảy ra, đã có những đồn đoán trên Internet cho rằng Israel hoặc lực lượng Hezbollah ở Lebanon có thể là "thủ phạm" đứng sau vụ nổ. Tuy nhiên cả Tel Aviv và Hezbollah nhanh chóng bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào.

Ngày 6/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Beirut sau thảm họa. Lebanon từng là lãnh thổ ủy trị của Pháp sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Tuy nhiên, việc ông Macron có mặt tại Beirut bị nhiều người chỉ trích là đạo đức giả. Những người này chỉ ra việc Pháp có quan hệ thân thiết và bán vũ khí cho Israel.

Lebanon cần ít nhất từ 10 đến 15 tỷ USD để xây dựng lại đống đổ nát, nhưng quốc gia này vẫn đang gánh khoản nợ nước ngoài lên tới 150% GDP.

Mai Bùi

Tin khác

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư: Ảnh hưởng là gì?

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư: Ảnh hưởng là gì?

(CLO) Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư được ghi nhận trong lịch sử do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.

Thế giới 24h
Cháy lớn ở sàn giao dịch chứng khoán lịch sử của Đan Mạch

Cháy lớn ở sàn giao dịch chứng khoán lịch sử của Đan Mạch

(CLO) Hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra ở Sở giao dịch chứng khoán cũ của Copenhagen, một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thủ đô Đan Mạch, vào thứ Ba (16/4).

Thế giới 24h
Nhà tù nữ ở California phải đóng cửa vì lạm dụng tình dục

Nhà tù nữ ở California phải đóng cửa vì lạm dụng tình dục

(CLO) Cục Nhà tù Liên bang của Mỹ thông báo vào ngày 15/4 rằng họ sẽ đóng cửa nhà tù nữ FCI Dublin ở California, sau hãng tin AP điều tra và phát hiện nhân viên và quản giáo nhà tù đã lạm dụng tình dục tù nhân.

Thế giới 24h
Israel có thể tấn công đáp trả Iran như thế nào?

Israel có thể tấn công đáp trả Iran như thế nào?

(CLO) Hôm 15/4, nội các chiến tranh Israel đã thể hiện sự quyết tâm đáp trả cuộc tấn công của Iran. Bất chấp áp lực từ các đồng minh, họ hiện đang tranh luận về thời điểm và phạm vi phản ứng.

Thế giới 24h
Hàng không thế giới rối loạn vì căng thẳng tại Trung Đông

Hàng không thế giới rối loạn vì căng thẳng tại Trung Đông

(CLO) Cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel hôm 13/4 đã ngành hàng không thế giới hỗn loạn.

Thế giới 24h