(CLO) Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015, lợi nhuận chưa phân phối của Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) âm 478 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 100.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần vốn chủ sở hữu; hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ cũng như các công ty thành viên đang rơi vào thua lỗ.
Nhập khẩu than vỡ trận, vượt gấp 3 lần kế hoạch
Ngành than tiếp tục "bết bát"
Nợ phải trả vượt 100.000 tỷ đồng
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính công bố tình hình tài chính của TKV năm 2015. Theo đó, tổng tài sản tập đoàn đến cuối năm 2015 đạt 138.526 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 38.182 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng.
[caption id="attachment_154973" align="aligncenter" width="500"]
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính tiết lộ loạt các công ty khai thác khoáng sản đang thua lỗ. (Ảnh Internet)[/caption]
Đoàn thanh tra đã kiểm tra 6 doanh nghiệp, trong đó có tới 2/6 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải trả ngắn hạn với các chủ nợ trong thời điểm 31/12/2015. 6 doanh nghiệp có nợ phải trả dài hạn tính đến cuối năm 2015 lên tới 48.163 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn để đầu tư dự án, không phát sinh nợ quá hạn.
Mặc dù nợ phải trả của TKV vẫn chưa vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, tuy nhiên trong 6 doanh nghiệp được thanh tra, Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất Mỏ có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 3,79 lần. Nguyên nhân là do đầu tư dự án mới Nhà máy sản xuất Amon Nitrat công suất 200.0000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 5.761 tỷ đồng, chủ yếu sử dụng vốn vay.
Thua lỗ hàng loạt
Tính đến thời điểm 31/12/2015, TKV đã đầu tư tài chính dài hạn vào 59 công ty, bao gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác với số tiền hơn 15.700 tỷ đồng.
Năm 2015, có 50 công ty kinh doanh có lãi với số tiền đạt 654 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 98,6 tỷ đồng. Trong khi đó, có 9 công ty kinh doanh thua lỗ với số tiền 594 tỷ đồng. Có 11 công ty kinh doanh lỗ lũy kế lên tới 1.407 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ riêng Tổng công ty Điện lực TKV lỗ lũy kế 828 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải thủy lỗ 139 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 115 tỷ đồng; Công ty Đóng tàu Sông Ninh lỗ 90,3 tỷ đồng; Công ty Liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài lỗ gần 70 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sắt Thạch Kê lỗ 17 tỷ đồng.
Tổng công ty Khoáng sản TKV đầu tư dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là 720,5 tỷ đồng, vào 18 công ty. Năm 2015, có 11 công ty kinh doanh có lãi với số tiền 71,8 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 7 công ty kinh doanh thua lỗ tổng cộng 124 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, có 12 doanh nghiệp lỗ luỹ kế điển hình như Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang lỗ 72 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vàng Lào cai lỗ 68,8 tỷ đồng, Công ty Gang thép Cao Bằng lỗ gần 46 tỷ, Công ty Gạch ngói và Vật liệu xây dựng Đồng Nai lỗ 26,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang lỗ 24,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển khoáng sản 4 lỗ 17,3 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV đầu tư dài hạn 514,7 tỷ đồng vào 12 công ty con. Đến năm 2015, 12 công ty kinh doanh đều có lãi với số tiền 86 tỷ đồng, cổ tức được chia là 8,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2015, có 3 công ty vẫn lỗ luỹ kế 265 tỷ đồng, đó là Công ty Xi măng Quán Triều, Công ty Xi măng Tân Quang, Công ty Than điện Nông Sơn.
TKV được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên trữ lượng than, bôxít và các khoáng sản khác của quốc gia.
Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, ngoài việc là tập đoàn độc quyền, luôn được hưởng nhiều ưu đãi, lĩnh vực sản xuất của TKV là lĩnh vực đặc thù, được hưởng lợi thế công khai từ nguồn tài nguyên sẵn có mà chi phí mua gần như bằng 0.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hầu hết đều được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước (cũng chính là tiền thuế do người dân đóng góp), máy móc, thiết bị gần như không còn khấu hao. Đặc biệt, than còn đang được lợi lớn từ việc đào lên rồi xuất khẩu.
Bảo Quyên