(CLO) Các lô hàng tôm xuất khẩu tôm của Việt Nam bị kiểm soát chặt tại các thị trường xuất khẩu lớn về dư lượng kháng sinh cũng như các loại kim loại nặng, độc tố sinh học và vi sinh. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu tôm của Việt Nam đã khó lại càng thêm khó.
[caption id="attachment_129300" align="aligncenter" width="660"]
Các lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam bị kiểm soát chặt tại các thị trường xuất khẩu lớn về dư lượng kháng sinh cũng như kim loại nặng. (Ảnh minh họa)[/caption]
Mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng bị các nước nhập khẩu kiểm tra chặt. Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm tra 10% những lô hàng tôm nhập từ Việt Nam từ ngày 5-9 đến hết năm nay để xem trong mỗi con tôm có hóa chất kháng sinh Nitrofurans hay không.
Đây không phải lần đầu, tôm xuất sang Hàn Quốc bị cảnh báo có kháng sinh cấm mà năm 2013, tôm xuất sang thị trường này cũng bị kiểm tra chất ethoxyquin từ 1/1/2013 đến ngày 31/12/2013.
Ngay cả đối với thị trường Nhật Bản cũng thường xuyên kiểm tra khâu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Theo thời gian, danh sách các loại kháng sinh cấm bị Nhật Bản kiểm tra ngày càng nhiều. Trước đây, chỉ có một chất Enrofloxacin thì nay trong danh mục kiểm tra đã có thêm bốn chất nữa là Chloramphenicol (CAP), Sulfadiazine, Sulfamethoxazole, Furazolidone.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đối với thị trường Nhật Bản, ban đầu khi phát hiện có một vài lô hàng có dư lượng kháng sinh cấm, họ sẽ kiểm tra 30% lô hàng và sau đó nếu phát hiện có thêm nhiều lô hàng nữa thì sẽ nâng mức kiểm tra lên 100% và chỉ giảm tỷ lệ kiểm tra xuống nếu số lượng lô hàng kiểm tra có tỷ lệ vi phạm giảm.
Đáng chú ý, trước đây, các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam chỉ tập trung vào kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì nay kiểm tra thêm kim loại nặng, độc tố sinh học nằm trong danh mục phải kiểm tra của nhiều quốc gia khác nhau.
Còn thị trường EU đưa con tôm nói chung, thủy sản nói riêng vào danh mục kiểm tra kim loại nặng như một yếu tố phải kiểm tra bắt buộc. Ở châu Đại Dương và Australia, quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam trong 5 năm qua cũng có thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng để kiểm tra độc tố sinh học và vi sinh trong sản phẩm tôm và một số sản phẩm thủy sản khác.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, hiện tại, hầu như những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đều đã đưa tôm vào diện kiểm tra bắt buộc khiến việc xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn và nguy cơ hàng bị trả về vẫn luôn xảy ra.
Trước tình hình này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có tôm, xuất khẩu vào EU rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng. Trong số đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến.
Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng tiếp tục triển khai chặt chẽ hoạt động kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó lưu ý, lưu ý kiểm tra việc kiểm soát mối nguy kim loại nặng tại các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn trong quá trình kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những khuyến cáo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Bộ NN&PTNT cũng vừa ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu nhằm xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.
T.Tân