Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Dấu ấn một nhà văn hóa lớn

Thứ năm, 25/07/2024 06:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài vai trò là một nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cống hiến hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn thấy ở ông một nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa, một nhân cách văn hóa lớn.

Văn hóa tạo dựng tâm hồn và đức hạnh cho dân tộc

Chia sẻ với phóng viên NB&CL, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm hiểu biết sâu rộng, trong đó ông rất hiểu sâu sắc và tường tận về văn hóa. Hệ thống tư tưởng lý luận của Tổng Bí thư là sự kế thừa và tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư có một tham luận vô cùng quan trọng và sâu sắc về vấn đề văn hóa trong thời đại mới. Tổng Bí thư tái khẳng định chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Hội nghị Văn hóa năm 1946 là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa còn thì dân tộc còn”, đồng thời mở rộng chân lý đó, mở rộng “chiều kích” của văn hóa trong một thời đại mới với quá nhiều thách thức đối với sự tồn vong, phát triển của Đảng và của đất nước.

tong bi thu nguyen phu trong dau an mot nha van hoa lon hinh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các văn nghệ sĩ và đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: Trần Huấn

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư dẫn ra nhiều khái niệm mang tính học thuật nhưng cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa. Theo ông, văn hóa rất gần gũi với đời sống; khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… đó chính là văn hóa. Ngược lại, những cái “ti tiện, đớn hèn, phi pháp và bỉ ổi” chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Cũng tại Hội nghị này, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, cần khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Ông yêu cầu quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, trên cương vị một người đứng đầu đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi sứ mệnh của mình bằng hai con đường song song: luật pháp và văn hóa. Trong đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng là để bảo vệ tính tôn nghiêm của luật pháp và những vấn đề văn hoá được Tổng Bí thư đặt ra như một chiến lược lớn để tạo dựng tâm hồn và đức hạnh cho dân tộc.

“Những vấn đề đặt ra cho văn hóa trong lúc này là rất cấp bách. Tổng Bí thư thấu hiểu sự tấn công vào nền văn hóa, vào đạo đức xã hội, thậm chí sự tấn công vào đạo đức của cả cán bộ, đảng viên thì việc chấn hưng văn hóa là vô cùng quan trọng. Cho nên Tổng Bí thư đồng thời tiến hành song song hai nhiệm vụ quan trọng là chống tham nhũng và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chống tham nhũng để giải quyết vấn đề trước mắt, những tồn đọng mà Nhân dân đang mong chờ; nhưng chiến lược dài lâu hơn, cho 50 năm sau, một thế kỷ sau hay nhiều thế kỷ sau nữa phải là vấn đề văn hóa. Tôi cho rằng, quan điểm về văn hóa, tư tưởng về văn hóa, chiến lược về phát triển văn hóa của Tổng Bí thư là vô cùng cần thiết và có thể nói là cấp bách mà thời đại đặt ra” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Còn theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người truyền cảm hứng, tiếp động lực và khát vọng chấn hưng nền văn hóa Việt Nam. Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của ông là bản tuyên ngôn, là kim chỉ nam định hướng cho con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam.

“Đối với các cán bộ ngành Văn hóa, tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư chính là được tiếp cận với cuốn cẩm nang vô giá. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những luận điểm cơ bản, đó còn là những vấn đề mà Tổng Bí thư đang gửi gắm trong cuốn sách mà thông qua đó, mỗi cán bộ văn hóa được nâng cao nhận thức một cách sâu sắc về những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; thấm nhuần những vấn đề về lý luận từ tổng kết thực tiễn mà Tổng Bí thư đã gửi gắm trong ấn phẩm cuối cùng của cuộc đời ông” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Chức tước như phù vân

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất đánh giá: Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một tấm gương văn hóa tiêu biểu, một nhân cách văn hóa lớn. Trong cuộc sống hằng ngày Tổng Bí thư vô cùng giản dị. Ông thường nói, chức vị là do Nhân dân giao cho, được Nhân dân ủy quyền. Nhà trường, bạn bè của ông vẫn nhắc nhớ, tháng 11/2020, Tổng Bí thư về thăm thầy cô Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - nơi mình từng theo học, ông vẫn chân tình và cung kính xin phép xưng “em” với thầy cô. Tới dự gặp mặt lớp cũ, ông nhờ người chở mình bằng xe máy. Gặp thầy cô, bạn bè, ông nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!”.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Tổng Bí thư luôn để lại ấn tượng sâu sắc về khí chất, cốt cách của một con người - một nhân cách văn hóa cao đẹp. Những điều đó được thể hiện không đao to búa lớn mà giản dị, nho nhã, khiêm nhường, trong từng lời nói, từng cử chỉ thực hành văn hóa, trong đạo đức và lối sống, nêu gương hằng ngày.

tong bi thu nguyen phu trong dau an mot nha van hoa lon hinh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng tại nhà riêng, dịp Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư

Sinh thời, Tổng Bí thư luôn nhắn nhủ: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Bàn về hạnh phúc ông chia sẻ giản dị: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, những điều Tổng Bí thư nói luôn giản dị nhưng sâu xa, thấm thía, tạo nên sức mạnh, niềm tin. “Tầm cao văn hóa của Tổng Bí thư thể hiện trong cả lý luận và thực tiễn. Điều này được thể hiện một cách giản dị và sâu sắc trong mỗi nếp nghĩ, việc làm” - PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng là người có nhiều dịp được gặp Tổng Bí thư khi làm công việc biên tập sách của ông. Trong hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà biên tập, cuốn “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là tác phẩm mà bà và cộng sự đầu tư công sức nhiều nhất.

“Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy có rất nhiều hình ảnh quý, nói lên rất nhiều điều. Ví dụ, trong các chuyến thăm, làm việc với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ Nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo. Hoặc trong cuốn sách có hai bức thư Tổng Bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị cao nhất. Đặc biệt, có những bức ảnh lần đầu tiên công bố như bức ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng... Các tư liệu nói lên rằng bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa” - bà Phạm Thị Thinh chia sẻ.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Ga Đà Lạt sẽ miễn tiền vé tham quan đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Ga Đà Lạt sẽ miễn tiền vé tham quan đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

(CLO) Sau khi bất ngờ thông báo tăng giá vé tham quan ga Đà Lạt lên gấp 10 lần, đơn vị quản lý ga Đà Lạt vừa thông báo điều chỉnh lại theo hướng miễn phí đối với một số hành khách, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Đời sống văn hóa
Trưng bày những di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương

Trưng bày những di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương

(CLO) Gần 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất xứ Đông xưa trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Đời sống văn hóa
Nhiều tư liệu quý được công bố tại Triển lãm trực tuyến 'Hỡi đồng bào Thủ đô'

Nhiều tư liệu quý được công bố tại Triển lãm trực tuyến 'Hỡi đồng bào Thủ đô'

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xây dựng Triển lãm 3D trực tuyến với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô”.

Đời sống văn hóa
Cà Mau: Nhiều hoạt động tại lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc

Cà Mau: Nhiều hoạt động tại lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc

(CLO) Từ ngày 10 - 25/11, lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) sẽ được diễn ra cao điểm với nhiều hoạt động như hội thảo khoa học; tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia; trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sách báo...

Đời sống văn hóa
Gốm Mường, lạ và quen…

Gốm Mường, lạ và quen…

(NB&CL) Sau một thập kỷ học hỏi rèn luyện các kỹ thuật truyền thống về nghề gốm, thể nghiệm nhiều phương pháp làm đất, men, lò nung,... họa sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các đồng nghiệp đã giới thiệu với công chúng một dòng gốm “lạ” - gốm Mường.

Đời sống văn hóa