Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người đi, để lại niềm tin…

Thứ năm, 25/07/2024 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đảng ta, dân tộc ta đang trải qua nỗi mất mát to lớn khi vừa mất đi một nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân. Nhưng sự tiếc thương, biết ơn vô hạn mà đông đảo người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là minh chứng cho thấy những cống hiến tận tâm tận sức, trí tuệ, tư tưởng, văn hóa uyên bác, nhân cách mẫu mực của Tổng Bí thư đã được ghi nhận, cảm thấu trọn vẹn. Và, điều đặc biệt nhất, di sản lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại chính là lòng tin của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tổng Tư lệnh của lòng dân

Đó là nhấn mạnh của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong bài viết: “Noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn quân quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

Nhưng đó không chỉ là nhìn nhận của Đại tướng Phan Văn Giang. Suốt những ngày qua, người dân cả nước, bằng nhiều cách khác nhau, đã và đang bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là Tổng tư lệnh của lòng dân.

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại thôn Lại Đà và toàn xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), không ai bảo ai, đều tự nguyện tham gia làm vệ sinh đường thôn, ngõ xóm, bảo đảm an ninh trật tự để chuẩn bị đón tiếp thân nhân gia đình Tổng Bí thư cùng các đoàn khách về thăm quê, thắp những nén nhang thơm thành kính tiễn đưa nhà lãnh đạo đáng kính, luôn hết lòng vì dân, vì nước. Ai trong số họ cũng ý thức được ý nghĩa công việc mà mình đang làm, chỉ với mong muốn được bày tỏ sự kính trọng với người con ưu tú của quê hương, làng xã.

Từ chiều tối 19/7, sau khi có thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều người dân trên phố Thiền Quang đã tập trung hướng ánh nhìn về phía ngôi nhà công vụ số 5 - nơi gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống. Chia sẻ với phóng viên báo chí, nhiều người dân đã bày tỏ cảm xúc hụt hẫng, buồn khi nghe tin Tổng Bí thư - người hàng xóm nghĩa tình của khu phố - từ trần.

Niềm tiếc thương, sự hụt hẫng ấy, những ngày này, không chỉ hiện hữu nơi quê nhà, khu phố Tổng Bí thư từng sống. Như một nhà văn nổi tiếng đã thốt lên: Nước mắt đã rơi chung, từ tối ngày 19/7, ngay khi nhận được thông tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, người dân cả nước đã đồng loạt bày tỏ sự kính trọng, niềm tiếc thương vô hạn khi tiễn biệt một nhân cách lớn và nghĩa tình của dân tộc.

Tại dải đất miền Trung, từ chiều 19/7, sau khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, người dân miền biển xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã có những việc làm cụ thể để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn, tiếc thương. Khi nhận được thông báo từ xóm trưởng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đánh bóng chuyền… diễn ra thường ngày vào buổi chiều tại Nhà văn hóa xóm đã dừng lại. Trục đường chính dài gần 1 km chạy qua xóm cũng yên tĩnh hơn bởi người dân không còn mở loa đài như trước kia. Nhiều gia đình đã chuẩn bị cờ Tổ quốc để thực hiện việc treo cờ rủ, kính tiễn Tổng Bí thư về nơi yên nghỉ cuối cùng.

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị tổng kết năm và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa 15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngày 3/1/2023.

Những ngày này, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mãi ra đi, bà con các dân tộc Tây Nguyên đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn. Hình ảnh về một nhà lãnh đạo bình dị, gần gũi, quan tâm đến người dân luôn sống mãi trong lòng người dân Tây Nguyên… Ông A Pát - Trưởng Ban công tác Mặt trận làng Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm làng, bắt tay từng người một, dân làng cảm nhận được sự gần gũi của người đứng đầu Đảng ta. 

Dù Tổng Bí thư đã đi xa, nhưng dân làng Kon Rờ Bàng 2 chúng tôi luôn khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, đưa đất nước ta ngày một phát triển, phồn vinh theo như tâm nguyện của Tổng Bí thư” - già làng A Gưch xúc động nói.

Bàng hoàng, hụt hẫng, tiếc thương - đó cũng là cảm xúc chung của những người con đất Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/7/2024. “Là những người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, chúng tôi cảm thấy rất sốc và đau buồn, nghẹn ngào không biết nói gì ngoài sự thương tiếc”- ông Ninh Viết Thông, kiều bào Thái Lan, bày tỏ. Ông Mai Thảo, Chủ tịch Hội người Việt tại Cuba, cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Cuba rất đau đớn khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đây là mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”.

Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, cũng như cộng đồng kiều bào tại Pháp và bạn bè Pháp, vẫn luôn ghi nhớ trong lòng những chỉ đạo của Tổng Bí thư về quan hệ Việt - Pháp. Đó là huy động kiều bào, bạn bè, tranh thủ sự ủng hộ tích cực trong việc phát triển quan hệ giữa hai nước, để phục vụ cho sự phát triển và tâm thế của đất nước, cũng như xây dựng cơ đồ của đất nước ngày càng to đẹp hơn...

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ 100 đại biểu là cán bộ công đoàn tiêu biểu năm 2019 tại Hà Nội ngày 20/7/2019.

Nỗi thương tiếc vô bờ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người suốt đời vì dân vì nước, cũng đã trở thành thông điệp chủ đạo trên các nền tảng trực tuyến. Người dùng trên các trang mạng xã hội đã bày tỏ lòng tiếc thương qua những vần thơ, bản nhạc... Không cần lời kêu gọi, cũng không cần lời nhắc nhở, chằng ai bảo ai, các tài khoản đã đồng loạt đổi ảnh đại diện, ảnh bìa cũng như cập nhật những dòng trạng thái đầy cảm xúc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, những câu nói, chia sẻ thấm đượm giá trị nhân văn của đồng chí Tổng Bí thư đã được lan toả rộng khắp, như: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

“Và bây giờ trên bầu trời đất Việt, một đám mây trắng tinh khiết và thanh cao đã bay qua...” – đó chắc hẳn không chỉ là cảm xúc của ông Phan Văn Kính (bạn học đại học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước suốt đời vì nước vì dân ra đi, đã để lại bao nỗi nhớ thương cho hàng triệu trái tim người Việt.

Nhà lý luận xuất sắc, uyên bác

Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà lý luận uyên bác, một nhà khoa học với tầm nhìn xa và rộng, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam. “Tổng Bí thư là một trong số ít những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, đồng thời là nhà lý luận. Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với công tác nghiên cứu lý luận từ khi tốt nghiệp đại học (năm 1967) cho đến phút cuối đời, lúc nào đồng chí cũng quan tâm đến công tác lý luận và trực tiếp là nhà nghiên cứu lý luận”- GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ.

GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, từng lý giải: Do kết hợp được đào tạo bài bản về lý luận chính trị với rèn luyện thực tiễn, trải nghiệm qua công tác lãnh đạo, quản lý thông qua nhiều chức vụ cao cấp khác nhau mà anh Trọng đảm nhiệm nhiều trọng trách (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam 3 nhiệm kỳ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản…) nên đã rèn luyện anh Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lý luận xuất sắc của Đảng và Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, mẫu mực, có tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là có tư duy lý luận sắc sảo.

Là nhà lý luận xuất sắc, có tầm nhìn và tư duy lý luận chiến lược, cùng với vốn thực tiễn phong phú, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta nhiều bài nói, bài viết, nhiều tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn đổi mới đất nước; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về xây dựng Nhà nước; truyền thống đại đoàn kết; chấn hưng và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về đối ngoại, ngoại giao Việt Nam…

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith với Nhân dân Thủ đô Hà Nội, sáng 19/12/2017.

“Kết quả tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, là nền tảng, cơ sở khoa học thực tiễn để phục vụ cho việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011 - 2015) mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua. Trong suốt quá trình đó, đồng chí là người trực tiếp triển khai công tác lý luận. Trong thời gian để chuẩn bị cho báo cáo chính trị Đại hội XI, đồng thời chuẩn bị cho bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy các đoàn đi khảo sát, đánh giá tổng kết thực tiễn ở các địa phương, trực tiếp là Phó trưởng Ban chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm phụ trách tổ biên tập. Cùng với đó, đồng chí có vai trò rất quan trọng trong việc tổng kết và làm rõ, hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam rất đặc trưng” - GS.TS. Tạ Ngọc Tấn lấy ví dụ.

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, tổng kết 20 năm đổi mới là bước rất quan trọng để dẫn tới một loạt các vấn đề đặt ra như: khẳng định Nhà nước pháp quyền; vai trò quan trọng của xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đường lối văn hóa; tăng trưởng kinh tế gắn liền với xây dựng, phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội…

"Những vấn đề rất quan trọng đó hầu như đã được tổng kết, đánh giá trong quá trình tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng, khẳng định tiếp theo của mô hình CNXH với 8 đặc trưng. Bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác phẩm kinh điển về nhận thức lý luận CNXH, trở thành cốt tử, trung tâm của nhận thức lý luận, được nhiều nước trên thế giới quan tâm, trong đó có cả những trường đại học của Mỹ...” - GS.TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định.

Theo Trung tướng Trần Vi Dân - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, trong tư tưởng lý luận cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời đã được bổ sung, phát triển tươi mới phù hợp với thực tiễn của đất nước và thời đại ngày nay.

Những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước

“Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất châu Á” - đó là nhận xét của tờ New York Times về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dẫn lại trong bài viết về những dấu ấn lãnh đạo của Tổng Bí thư từ góc nhìn phát triển kinh tế.

 Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong hơn một thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tầm nhìn chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, mạnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 5

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum).

“Trong giai đoạn 2011 - 2020, cùng với thực hiện ba đột phá chiến lược, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là điểm mới trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng.

Cùng với đổi mới thể chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa XI, XII và XIII thực hiện đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Đây là những điểm mới trong tư duy và hành động của Đảng vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lấy việc thực hiện mục tiêu cao cả này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển.

Điểm mới nổi bật, rất quan trọng trong quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong hơn thập kỷ qua đó là kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao, phải luôn chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, góp phần bảo đảm độc lập tự chủ của nền kinh tế” - TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng khẳng định: “13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ký 3 nghị quyết lớn về kinh tế. Đó là nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, nghị quyết chọn lọc đầu tư nước ngoài và nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trở thành những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, cho thấy những định hướng phát triển đất nước đúng đắn của Đảng, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Đường lối “ngoại giao cây tre” nâng tầm vị thế Việt Nam

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia nghiên cứu, đặc biệt là bạn bè quốc tế, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” là một bước đi chiến lược, rất đúng đắn trong việc lãnh đạo chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ngoại giao này thực sự đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Việt Nam phát triển, tiến bộ và có những bước đi rất vững chắc.

“Trong trường phái “ngoại giao cây tre”, có thể thấy vấn đề là cách cách tiếp cận, vận dụng phải linh hoạt, phù hợp với bối cảnh tình hình, được ví von mềm dẻo như cành tre, cây tre. Với góc nhìn của các nhà ngoại giao quốc tế và tôi với tư cách là nhà ngoại giao, đại diện của một quốc gia nước ngoài tại Việt Nam rất thấm thía và ấn tượng về điều này. Trường phái “ngoại giao cây tre” rất phù hợp trong bối cảnh hiện này khi thế giới có nhiều biến động, các quốc gia phải linh hoạt ứng phó hiệu quả với những biến đổi của tình hình. Đây là bài học quý, có ý nghĩa giá trị thực tiễn sâu sắc” - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya bày tỏ.

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 6

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch, Thủ đô Hà Nội, ngày 12/12/2023.

“Trước hết hãy nói về những đặc tính của cây tre Việt Nam: Rễ bền, thân cứng cáp, cành dẻo. Điều này đã được áp dụng hiệu quả trong chính sách đối ngoại của Việt Nam giữa các biến động, luôn có sự uyển chuyển và linh hoạt, thay đổi cho phù hợp với xu thế. Điều này đã mang lại các lợi ích cho Việt Nam, giúp cải thiện mối quan hệ với nhiều đối tác và nâng cao vị thế của Việt Nam. Theo tôi, đây cũng là một chính sách không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho các đối tác, được nhiều nước nhìn nhận, đánh giá và học hỏi” - học giả Indonesia Mohammah Anthony cũng từng chia sẻ.

Đại sứ Lê Văn Bàng - nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, những lời căn dặn, bài viết của Tổng Bí thư đối với ngành ngoại giao, nhất là về phát huy trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam”, là cẩm nang mà những người làm ngoại giao sẽ ghi nhớ mãi.

Theo Đại sứ Lê Văn Bàng, quan điểm của Tổng Bí thư về “ngoại giao cây tre Việt Nam” là sự đúc rút từ trong quá trình lịch sử ngoại giao của dân tộc để rút ra khái niệm “ngoại giao cây tre” rất cứng cáp nhưng cũng rất mềm dẻo. Và thực tế hiện nay, quan điểm của Tổng Bí thư về “ngoại giao cây tre Việt Nam” rõ ràng đã đưa ngoại giao Việt Nam lên tầm cỡ quốc tế. Nhiều nước đã bày tỏ mong muốn chúng ta chia sẻ kinh nghiệm đối ngoại/ngoại giao.

Cốt cách lớn của vị lãnh tụ

Di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại thực sự vô cùng đồ sộ, còn nhiều điều để lớp lớp thế hệ đi sau nghiên cứu, học hỏi, noi theo: đó là những tư tưởng trong chấn hưng, phát triển văn hóa; là việc vận dụng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là những tư tưởng về định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh của Việt Nam trong tình hình mới…

Nhưng có lẽ, giá trị vô giá lớn nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, đưa hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấm sâu vào tâm khảm người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế, là nhân cách, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn xúc động khi nhắc đến tấm gương đạo đức và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nhà văn Nguyễn Đình Thi có viết một câu, trên ngực áo này không một tấm huân chương, nhưng dưới làn áo mỏng này có một trái tim, sâu sắc lắm. Còn nhà thơ Tố Hữu thì đã có rất nhiều bài viết về Bác Hồ mà tôi rất thích cái câu “mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đấy mới là người cộng sản chân chính’’ - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

“Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Quan điểm đó đã được Tổng Bí thư gương mẫu thực hiện trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Suốt quá trình công tác, Tổng Bí thư luôn căn dặn mình phải rèn giũa phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 7

Nhân kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chiều 15/11/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng

Những ngày qua, người dân lan truyền hình ảnh chiếc xe công vụ đã cũ, chiếc áo khoác sờn đứt chỉ, ngôi nhà công vụ đơn sơ thể hiện phẩm chất người học trò cách mạng xuất sắc theo lời Bác Hồ dạy: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trên các trang mạng, cũng lan tỏa bức thư viết tay đồng chí Tổng Bí thư viết cho cô giáo cũ, chẳng hề đề chức vụ, thể hiện sự khiêm cung và đạo đức sáng ngời.

Nói như nhà báo Nguyễn Quốc Phong, nếu là một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng, sẽ không bao giờ có chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đãi khách đến nhà chỉ là chén rượu quê nhà Đông Hội được người thân tự nấu lấy cùng với những viên lạc rang, táo vườn người làng gửi cho gia đình ông. Nếu là một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng, sẽ không có chuyện suốt gần hai chục năm hơn không thay đổi xe công. Ông vui vẻ dùng chiếc xe cũ, như mặc những chiếc áo cũ sờn chỉ cả chục năm, không đòi hỏi, không cần thay thế dù quyền cao chức trọng thế nào…

Ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng chia sẻ: Nếu dùng những từ ngắn gọn nhất thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có phẩm chất hết sức tiêu biểu, mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp chung của Đảng và Nhân dân. Khi là người ở cương vị lãnh đạo cao nhất, đồng chí cũng là người gương mẫu nhất về sự giản dị, từ việc ăn mặc, đi lại, sử dụng các phương tiện chung, đến sinh hoạt riêng. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy từ chiếc áo sơ mi, chiếc cà vạt, chiếc kính mà Tổng Bí thư đã dùng, có lẽ hàng chục năm không thay đổi. Khi tôi còn làm việc, rất nhớ cái cặp đựng tài liệu đã theo Tổng Bí thư suốt mấy chục năm. Đó là chiếc cặp da rất bình dị, đã sờn bạc. Nếu không có sự gương mẫu, giữ gìn như vậy chắc anh đã không thể quyết liệt như anh đã làm trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như vừa qua.

“Tôi nhớ một chi tiết nhỏ, khi Tổng Bí thư về chúc Tết ở huyện Phú Xuyên. Tôi đến trước ông ít phút. Khi ông đến trời mưa nặng hạt. Bình thường, là người khác chắc sẽ yêu cầu lái xe chạy đưa ông lên sảnh để vào hội trường. Khi đó, tôi có nói với mọi người rằng ông sẽ không cho xe đi lên sảnh. Và sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Tổng Bí thư đã dừng xe dưới sân và đội mưa vào hội trường. Thật ra không ai đòi hỏi người lãnh đạo phải làm như vậy nhưng với phong cách bình dị, gương mẫu, không muốn thể hiện mình là cấp trên, quan cách, nên ông đã tự giác làm như vậy. Một việc nhỏ nhưng có tính giáo dục, lan tỏa rất lớn...” - ông Phạm Quang Nghị kể lại.

Không chỉ sống một cuộc đời chuẩn mực trong nguyên tắc, vừa giản dị, gần gũi trong lòng dân, Tổng Bí thư luôn yêu cầu từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; phải lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu; phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một êkíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh…

“Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đấy mới là người cộng sản chân chính’’, cũng bởi mục tiêu ấy, tinh thần quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư là tinh thần đấu tranh “không ngừng, không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Và cũng bởi mục tiêu ấy, ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành một văn bản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Đó là, Quy định số 144 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Theo nhìn nhận của nhiều cán bộ, đảng viên, vượt qua hàm nghĩa của một văn bản pháp quy, Quy định số 144 là mong mỏi thiết tha của một “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, là tiếng lòng của một nhà hiền triết, một sĩ phu luôn đau đáu vì vận mệnh của Đảng, của đất nước; là tình cảm da diết của một nhân cách lớn, luôn coi trọng danh dự, lẽ phải và quý trọng Nhân dân.

tong bi thu nguyen phu trong nguoi di de lai niem tin hinh 8

Chiều 5/6/2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật các nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam (15/5/2008 - 15/5/2023).

Cuộc đời tận hiến, trọn vẹn vì Đảng vì dân, nhân cách lớn của người cộng sản chân chính Nguyễn Phú Trọng thực sự đã truyền cảm hứng và niềm tin lớn cho hàng triệu triệu người dân Việt, tin vào Đảng, vào hệ thống chính trị,… tin vào cơ đồ, tương lai của đất nước. Sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Và với niềm tin lớn được gây dựng từ cuộc đời trọn vì Đảng, vì dân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta sẽ tiếp tục được củng cố, toàn Đảng, toàn dân từng bước hiện thực hóa mục tiêu: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Nguyễn Hà

Bình Luận

Tin khác

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới

(CLO) Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".

Góc nhìn
Ứng xử với công nghệ trí tuệ nhân tạo: Khuyến khích sử dụng có trách nhiệm hay là cấm?

Ứng xử với công nghệ trí tuệ nhân tạo: Khuyến khích sử dụng có trách nhiệm hay là cấm?

(NB&CL) Mới đây một sinh viên ở một trường cao đẳng tại TP.HCM đã bị giáo viên cho 0 điểm với lý do sử dụng AI khi làm bài thi môn học màu sắc, ngành thiết kế đồ họa, và không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên. Sự việc đã có những diễn biến đáng tiếc xuất phát từ câu chuyện nêu trên. Mấu chốt nằm ở câu chuyện AI. Kể từ khi ChatGPT ra đời, lần đầu tiên công chúng được ứng dụng AI trong mọi việc một cách rộng rãi. Và những bước tiến bộ nhanh chóng của nó làm cho mọi người vừa vui mừng vừa hoảng sợ. Ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. Các trường đại học lớn cũng lúng túng. Cho phép sử dụng AI thì nảy sinh rất nhiều câu hỏi, khiến bài thi trở nên vô nghĩa chẳng hạn. Không cho phép sử dụng thì đi ngược với tiến bộ của công nghệ. Các chuyên gia UNESCO đã ví sự phát minh trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh là một tiến bộ khoa học công nghệ giống như phát minh ra điện hoặc internet. Không thể không cho học sinh dùng mà cần hướng dẫn sử dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và cân bằng.

Góc nhìn
Vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và  hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

(NB&CL) “Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân là để tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước ngày càng gần gũi. Đây là dịp để hai bên thấu hiểu nhau hơn, thúc đẩy hợp tác toàn diện để ngày càng có nhiều thành quả, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”. Đó là nhìn nhận của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh trước chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào tới Việt Nam.

Góc nhìn
Nhân lên nữa tình người trong bão lũ, tiếp sức cho đồng bào vượt qua cơn hoạn nạn

Nhân lên nữa tình người trong bão lũ, tiếp sức cho đồng bào vượt qua cơn hoạn nạn

(CLO) Cuộc chiến với những cơn thịnh nộ của “mẹ thiên nhiên” luôn là cuộc chiến ngàn năm chưa bao giờ cân sức và phần thiệt thòi nhất luôn thuộc về người dân. Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu khủng khiếp của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, lâu dài, vì thế, cần thêm nhiều, nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào mình, tiếp sức cho họ trong hành trình gian nan vượt qua cơn hoạn nạn.

Góc nhìn
Đảng mạnh để dân thêm tin yêu

Đảng mạnh để dân thêm tin yêu

(CLO) Dân tin thì Đảng mạnh. Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhận thức một cách sâu sắc rằng, sự thành bại của sự nghiệp cách mạng luôn luôn gắn liền với niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Giữ vững niềm tin của dân với Đảng không chỉ là bài học “xương máu” mà còn là nhân tố quan trọng quyết định đến sự tồn vong của Đảng. Bởi thế, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng là mệnh lệnh thép, là nhiệm vụ tối thượng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Góc nhìn