Bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến, khiến các y bác sĩ phải gồng mình cứu chữa. Ảnh: TL
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, trong tuần 41 (từ ngày 5 đến ngày 11/10) toàn thành phố ghi nhận 34 trường hợp mắc Sởi được báo cáo, nâng tổng số ca mắc Sởi trên địa bàn lên 181 trường hợp.
Cùng với bệnh sởi, bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu gia tăng so với những tháng trước đây. Chỉ riêng trong tuần 41, tổng số ca tay chân miệng nhập viện lẫn ngoại trú là 2.864 ca, tăng 25% so với trung bình tháng 9. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có gần 25.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4.567 ca nhập viện, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong xu hướng tăng của bệnh sởi và tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng chỉ trong tuần 41 (từ ngày 5 đến ngày 11-10) TP.HCM ghi nhận 699 ca sốt xuất huyết nhập viện và 748 ca bệnh ngoại trú, tăng hơn 40% so với tháng 9.
Tính từ đầu năm đến nay, dù số lượng bệnh nhân nhập viện nội trú giảm 16% nhưng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị ngoại trú lại tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong tuần 41, đã phát sinh 61 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn 24 quận, huyện.
Đại diện Sở Y tế T.PHCM cũng nhận định, thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11 các dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các quận, huyện tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết như: vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, xử lý ổ dịch…
Bên cạnh đó, thực hiện điều tra dịch tễ tất cả các ca bệnh sởi, tay chân miệng; yêu cầu các trường học, nhóm trẻ, các khu kinh doanh vui chơi giải trí thường xuyên vệ sinh khử khuẩn các đồ chơi, thiết bị học tập của trẻ em. Đồng thời, Sở Y tế cũng chỉ đạo các trạm y tế phường, xã phát động chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa sởi mũi 1 và mũi 2 cho trẻ trên địa bàn.
Minh Châu