(Congluan.vn) - Năm 2003 UBND TP.HCM có quyết định thu hồi đất phục vụ cho dự án Đại học Quốc gia TP.HCM nhưng sau đó lại hủy bỏ các quyết định thu hồi đó. Người dân tiến hành làm hồ sơ đầy đủ chờ ngày nhận Giấy CNQSD đất thì lại nhận được quyết định thu hồi lại phục vụ dự án mở rộng Quốc lộ 1.
Nhập nhằng hai dự án
Năm 2003, UBND TP.HCM ra quyết định số 3453 thu hồi 109 ha đất của phường Linh Xuân và Linh Trung, quận Thủ Đức để chuyển Đại học Quốc gia TP.HCM ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, Quyết định này chỉ giao cho Đại học Quốc gia 96 ha, còn 12ha không thấy nhắc tới mục đích sử dụng cụ thể. Đến 2006, UBND TP.HCM mới có quyết định số 2725 để thu hồi 12 ha còn lại, nhưng lại không giao cho Đại học Quốc gia mà giao cho UBND quận Thủ Đức.
Dựa vào hai quyết định trên, UBND quận Thủ Đức tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất của dân.
Việc thu hồi đất phục vụ cho dự án Đại học Quốc gia nhưng sau lại phục vụ Dự án mở rộng Quốc lộ 1, hay cùng một nguồn gốc sử dụng đất nhưng chính sách đất đai tại khu vực đó lại không đồng nhất, không công khai minh bạch, nhất là cách tính và áp giá bồi thường hỗ trợ của UBND quận Thủ Đức... đã khiến người dân không đồng tình, ủng hộ dẫn đến nhiều hộ dân phải ôm đơn đi khiếu nại.
Gần đây, khi UBND quận Thủ Đức tiến hành rốt ráo công tác giải phóng mặt bằng, nhiều gia đình trong diện bị thu hồi đất không đồng tình với việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thu hồi đất thuộc dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Nút giao thông Thủ Đức (Trạm 2) đến ranh tỉnh Bình Dương, vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng nhưng chính quyền quận Thủ Đức đã tiến hành cưỡng chế.
Chính quyền không minh bạch, dân bức xúc
Điển hình là chỉ hơn 10 ngày sau khi bà Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ 15/65B, tổ 5, KP6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) phát đơn khiếu nại, UBND quận Thủ Đức ra Quyết định 299/QĐ-UBND cưỡng chế để thi hành Quyết định số 3453/QĐ-UBND ngày 20/8/2003, Quyết định 2725/QĐ-UBND ngày 16/6/2006 và Quyết định 6357/QĐ-UBND ngày 11/11/2013. Và sáng 20/2/2014, căn nhà số 15/65B đã chính thức bị cưỡng chế tháo dỡ.
Trước đó, bà Hương khiếu nại về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ trong dự án mở rộng QL1 đoạn từ nút giao thông Thủ Đức (Trạm 2) đến điểm giáp ranh tỉnh Bình Dương. Bà nêu ra hàng loạt dấu hiệu sai phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà và nhiều người dân nơi đây.
Trong đơn bà Hương cho biết, căn nhà số 15/65B có diện tích 27,4m2 nằm trong khu đất rộng 295,7m2 thuộc thửa 43, tờ bản đồ số 35 do Trung tâm Đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên Môi trường vẽ với mục đích xin cấp chủ quyền nhà lần đầu. Việc này đã được UBND phường Linh Trung xác nhận, hồ sơ cũng đã được nộp tại phòng TNMT quận Thủ Đức… Những bằng chứng này cho thấy, ngôi nhà 15/65B đã được tồn tại theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 207/2005/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
Căn nhà số 15/65B nằm trong khu đất rộng 295,7m2 đã được gia đình bà Thu Hương sử dụng ổn định và liên tục từ trước 1975 đến nay. Vì vậy, quy trình ban hành Quyết định số 6356/QĐ-UBND của UBND quận Thủ Đức ngày 11/1/2013 đã bộc lộ nhiều sai phạm.
Cụ thể, không có Quyết định thu hồi thửa đất số 34 tờ bản đồ số 35 của căn nhà mà gia đình bà Thu Hương đang sử dụng để làm dự án, không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và luận chứng kinh tế kỹ thuật được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Căn cứ vào điều này, Quyết định trên đã vi phạm Điều 19 và Điều 21 Luật Đất đai. Và đến nay đã hơn 10 năm, khu đất này không có bất kỳ dự án nào được thực hiện, cũng như được công khai trước người dân bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Quyết định 6356/QĐ-UBND của UBND quận Thủ Đức cũng vi phạm Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Vì theo Nghị định này, trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi chung của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện phải ban hành Quyết định thu hồi từng thửa đất thuộc thẩm quyền thu hồi của mình.
Ngoài ra, theo Quyết định 6356/QĐ-UBND của UBND quận Thủ Đức thì căn nhà 15/65B, phường Linh Trung, quận Thủ Đức của gia đình bà Thu Hương trở thành nhà không số và hiện trạng đất để trống. Quyết định này đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Thu Hương. Phải chăng, UBND quận Thủ Đức đã ngụy tạo ra nội dung: đất trống, nhà không số… là cố tình gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp của người dân? Đó là chưa nói đến động cơ, mục đích của việc ngụy tạo nội dung này?
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Khanh, ngụ tại 15/65C QL1A, KP6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức; ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ 15/65F tổ 5, KP6; bà Nguyễn Thị Thu Trang, ngụ 15/65C tổ 5, KP6 cũng lâm vào tình cảnh tương tự, cũng phát đơn khiếu nại lên đến UBND như trên nhưng chưa được giải quyết.
Khu nhà ông Hùng giờ chỉ còn là bãi đất trống Theo tìm hiểu của chúng tôi, những phần nhà đất của các hộ gia đình vừa nêu trên, đều là của cha mẹ ông Nguyễn Văn Hùng khai phá và sử dụng ổn định từ trước năm 1975, sau này ông Hùng thừa hưởng và chia lại cho những người trong gia đình thành 6 phần. Hiện trạng sử dụng đất và nhà là như nhau. Tuy nhiên, khi kê khai đền bù và xác định giá, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Thủ Đức lại không công bằng trong việc tính giá đất đền bù, khiến những người còn lại trong gia đình ông Hùng khiếu nại cũng là điều dễ hiểu.
Ông Hùng bức xúc “Cùng là một khu đất, hiện trạng sử dụng như nhau, nhưng 6 người trong gia đình tôi chỉ có 2 người được đền bù đúng giá, 4 phần còn lại bị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Thủ Đức đền bù như bố thí vậy, chúng tôi khiếu nại nhiều nơi nhưng không được cơ quan chức năng nào trả lời thì UBND Thủ Đức đã san bằng hết của chúng tôi”.
Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, phóng viên NB&CL đã nhiều lần liên lạc và đặt lịch hẹn làm việc với UBND quận Thủ Đức nhưng không gặp được người có thẩm quyền giải quyết. Đề nghị các cơ quan chức năng quận Thủ Đức sớm giải quyết quyền lợi công bằng cho người dân, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài.
Nhóm PVPL