Trung tâm Khu đô thị mới Nhơn Trạch sau gần 10 năm triển khai
Cách đây hơn 1 năm, TP.HCM là địa phương đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái. Và sau khi được Thủ tướng chấp thuận, TP.HCM đã khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, đồng thời triển khai nhiều công trình cải tạo, nâng cấp đường để giải tỏa bớt áp lực giao thông ở khu vực. Tuy nhiên do TP.HCM chưa tập trung được nguồn vốn, khó triển khai sớm nên trước sự "nóng lòng" kết nối với TP.HCM để đánh thức Khu đô thị Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, TP.HCM đã đồng ý nhường quyền chủ động xây cầu Cát Lái lại cho tỉnh Đồng Nai.
Có cầu Cát Lái Khu đô thị mới Nhơn Trạch kỳ vọng sẽ phát triển tương đương quận 2, TP.HCM, vì vậy sau thông tin về dự án cầu Cát Lái dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2020, nhiều dự án ở Nhơn Trạch đã bắt đầu triển khai trở lại. Trong đó, dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) sau gần 10 năm "bất động" cũng phát tín hiệu triển khai trở lại với đề xuất của Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng - DIC (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hạ tầng bỏ không, những căn biệt thự xây dựng dở dang chìm trong rêu phong, cỏ dại ở KĐT mới Nhơn Trạch
Dự án khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch dự kiến có vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.730 tỷ đồng, dư án được chia thành 2 giai đoạn và thực hiện trong 8 năm (2018-2026). Theo đề xuất của DIC, để có nguồn lực tài chính mạnh hơn, DIC đã liên kết với Công ty cổ phần Him Lam (TP.HCM) để thực hiện dự án. Hiện nguồn vốn thực hiện dự án khá dồi dào, tuy nhiên dự án có tổng diện tích hơn 600 hécta, trong đó sẽ dành ra gần 122ha để làm công trình công cộng cấp đô thị gồm công trình hành chính, công trình văn hóa và công trình thương mại dịch vụ. Hơn 479ha đất còn lại là đất dân dụng để thực hiện các tiểu dự án: khu đất ở, đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, trường học, bệnh viện. Đất dành cho nhà ở là gần 252ha... nên theo quy định dự án còn phải chờ trình Thủ tướng phê duyệt.
Đây là dự án mà tỉnh Đồng Nai phải mất một thời gian dài kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về phát triển các khu đô thị mới, có tiềm lực về tài chính để thực hiện. Đến nay UBND tỉnh Đồng Nai mới đồng ý chọn DIC là nhà đầu tư đề xuất.
Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ kỳ vọng: “Dự án trên phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Vì thế UBND huyện Nhơn Trạch đồng tình với việc cấp quyết định chủ trương đầu tư cho DIC. Dự án triển khai sớm sẽ giúp cho khu trung tâm huyện phát triển”.
Một dự án đang được triển khai ở Nhơ Trạch
Hiện dự án đã nhận được nhiều ý kiến của các bộ, ngành. Cụ thể, Bộ TN - MT yêu cầu làm rõ hiện trạng sử dụng đất, cập nhật lại các căn cứ pháp lý trong khâu bồi thường, tái định cư, đánh giá tác động môi trường. Còn Bộ Tài chính yêu cầu thẩm định vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của chủ đầu tư. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đề xuất làm rõ diện tích làm nhà ở xã hội, dự án có nhiều hạng mục phải nêu chi tiết của từng hạng mục... Các bộ, ngành khác cũng yêu cầu làm rõ kết nối giao thông từ dự án đến các khu vực lân cận, dự án sẽ có thêm những nhà đầu tư thứ cấp nên phải làm rõ trách nhiệm của từng nhà đầu tư để các công trình hạ tầng, nhà ở kết nối hài hòa.
“Các bộ, ngành đã có ý kiến về dự án nên Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ chủ trì tổng hợp những điểm cần điều chỉnh chuyển cho DIC tiến chỉnh sửa cho phù hợp. Việc này phải nhanh chóng hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chỉ đạo.
Dự án thực hiện theo đúng lộ trình sẽ giúp cho kinh tế - xã hội huyện phát triển, thu hút đông dân cư về sinh sống sớm đáp ứng tiêu chí để trở thành đô thị loại II. Được biết, vào năm 2009, dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch cũng từng được UBND tỉnh Đồng Nai thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Berjaya Leisure (Cayman) thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia. Nhưng sau gần 3 năm “ôm” dự án, chủ đầu tư vẫn không triển khai nên UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Thanh Hải (T/h)