Bị cáo Phúc phải nhận bản án 18 tháng tù giam do bạo hành trẻ em. Ảnh: TL
Theo cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh, bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc có bằng sư phạm mầm non và được nhận vào làm việc tại Trường mầm non Ánh Sao Vàng, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh vào đầu năm 2018.
Sáng 25/7/2018, bé D., sinh ngày 22/4/2013, do bị bệnh nên không uống sữa mà ói ra nền nhà. Thay vì dỗ dành bé thì Phúc lấy dép nhựa đánh liên tiếp vào chân bé và dùng tay đánh vào mặt bé.
Bị đánh đau, bé D. khóc thì Phúc kêu các bé khác trong lớp học dùng kéo hù dọa bé D.. Phúc còn dùng tay và chân giữ bé D. nằm cố định rồi dùng kéo chĩa vào miệng bé đe dọa thì bé nằm im. Chưa dừng lại, bảo mẫu Phúc tiếp tục đánh bé D. nhiều cái rồi dẫn bé đi ngủ.
Nhân chứng trong vụ án là các cô giáo khác phụ trách chung lớp cháu D. chứng kiến. Thấy sự việc, các cô lấy kem thoa mặt cho bé D. nhưng mặt cháu vẫn bị sưng.
Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TPHCM kết luận nạn nhân bị chấn thương phần mềm gây sưng bầm vùng má, thái dương phải...
Sau khi người nhà cháu D. tố cáo, bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc bị Công an huyện Bình Chánh bắt tạm giam. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đã đình chỉ hoạt động Trường mầm non Ánh Sao Vàng.
Về trách nhiệm dân sự, cha của cháu D. yêu cầu bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc bồi thường 70 triệu đồng. Phúc đồng ý và đã khắc phục 65 triệu đồng. Gia đình nạn nhân đã có đơn xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Phúc thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Phúc khai chỉ mới tham gia lớp đào tạo bảo mẫu cấp tốc khoảng 1 tháng để lấy chứng chỉ, sau đó nộp đơn vào Trường mầm non Ánh Sao Vàng để làm việc.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, thay vì bảo bọc, chăm sóc trẻ để làm tròn nhiệm vụ của một bảo mẫu thì Phúc lại đánh đập, hù dọa khiến nạn nhân bị tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.
Trong vụ án này, chủ cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng có lỗi trong việc tuyển chọn bảo mẫu phù hợp với số lượng học sinh trong trường.
Linh Nhi