(CLO) Theo báo cáo của 2 bệnh viện phụ sản đầu ngành TP. Hồ Chí Minh là Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, đến ngày 29/11, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 thai phụ nhiễm virus Zika, trong đó đã có 2 thai phụ đã sinh con an toàn và 2 trường hợp thai lưu, bị sẩy thai, 1 trường hợp chủ động chấm dứt thai kỳ.
[caption id="attachment_135766" align="aligncenter" width="640"]
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều ca nhiễm virus Zika nhất. Ảnh IE.[/caption]
Hiện vẫn còn 9 thai phụ nhiễm virus Zika đang được chăm sóc, theo dõi tích cực tại 2 bệnh viện này.
Thời gian qua số lượng thai phụ yêu cầu tư vấn, xét nghiệm tăng đột biến do quá hoang mang, lo lắng. Điều này đã gây áp lực không nhỏ cho các bác sỹ và bệnh viện.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm mới. Bộ đã tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika, xây dựng kế hoạch đáp ứng dịch bệnh theo các tình huống.
Bộ Y tế cũng ban hành các hướng dẫn về giám sát, phòng chống, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai và tổ chức tập huấn cho toàn bộ ngành y tế trên cả nước. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị, để thu dung điều trị bệnh nhân nếu dịch xảy ra. Các hoạt động giám sát, phát hiện người mắc Zika được tăng cường, đặc biệt là có các biện pháp khám sàng lọc để phát hiện phụ nữ mang thai nghi mắc Zika và trẻ sơ sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến Zika; từ đó, có biện pháp tư vấn và điều trị phù hợp.
Bộ tiếp tục triển khai giám sát, theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, chủ động dự phòng các trường hợp mắc mới và dự phòng trẻ mắc chứng đầu nhỏ trong bối cảnh có virus Zika; chỉ đạo hệ thống sản khoa, nhi khoa tiếp tục triển khai quyết liệt sàng lọc, giám sát chứng đầu nhỏ trước và sau sinh, quản lý tốt thai nghén đặc biệt phụ nữ mang thai có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ để được tư vấn, xét nghiệm khi cần thiết.
Bộ Y tế thường xuyên cập nhật kế hoạch đáp ứng nhanh với virus Zika, quy trình giám sát, chẩn đoán xác định trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika, phác đồ điều trị bệnh do virus Zika; tổ chức tập huấn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em về khám sàng lọc, giám sát, xét nghiệm, theo dõi trẻ mắc chứng đầu nhỏ và các biện pháp xử lý đối với các phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai nhiễm virus Zika; tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh do virus Zika tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.
Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Loài muỗi này sống ở trong nhà, sinh sản trong các vật chứa nước sạch. Hơn 80% người nhiễm virus Zika không có biểu hiện bệnh; còn lại biểu hiện bệnh nhẹ. Bệnh thường tự hết sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường và không để lại di chứng gì, trừ trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sinh con tật đầu nhỏ với tỷ lệ khoảng 1-10%.
Để chủ động phòng chống bệnh, người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy) như: Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày; dùng kem xua muỗi, hương muỗi, vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
Phụ nữ mang thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ, chẩn đoán trước sinh phát hiện chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn điều trị, xét nghiệm khi cần thiết.
Phương Linh