(NB&CL) Nhà văn Trần Thị Trường và Tiến sĩ ngôn ngữ Lê Thiếu Ngân vừa có cuộc triển lãm chung “Tháng Ba” khá thành công. Dù đến với hội họa khá muộn nhưng phong cách vẽ tranh của hai nữ họa sĩ đã nhanh chóng để lại ấn tượng cho người thưởng thức và giới chuyên môn.
Tài năng chín muộn
Từ ngày 19/3 đến 28/3, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), hai nữ họa sĩ ngoài 70 tuổi - Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường đã giới thiệu đến công chúng 70 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong triển lãm tranh có tên “Tháng Ba”.
Cả Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường đều đến với hội họa khá muộn và trước khi cầm cọ, hai người phụ nữ này đều đã thành công ở những lĩnh vực khác. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân là người Hà Nội gốc, con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng - người đã nhận nhiều giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh. Trước khi đến với hội họa, Lê Thiếu Ngân là Tiến sĩ ngôn ngữ tại Đại học Tổng hợp Leningrad (Nga). Về nước, bà giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga - Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn, dạy hệ Đại học và Cao học cho đến khi nghỉ hưu.
Họa sĩ Lê Thiếu Ngân và một tác phẩm tranh tĩnh vật.
Chồng của họa sĩ Lê Thiếu Ngân là ông Nguyễn Phú Bình - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong thời gian theo chồng làm đại sứ ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, ngoài vai trò phu nhân, đứng bên cạnh chồng quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, họa sĩ Lê Thiếu Ngân cũng dành thời gian học vẽ tranh thủy mạc, tham gia triển lãm tranh thường niên tại Tokyo (Nhật Bản), từng tham gia triển lãm nhóm hằng năm tại Tokyo (từ 2008 - 2011) và một số triển lãm nhóm nhỏ khác. Những năm gần đây, bà vẽ nhiều hơn với chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan. Những bức tĩnh vật, phong cảnh của Lê Thiếu Ngân có bút pháp tinh tế, màu sắc hài hòa, giàu cảm xúc.
Còn tác giả Trần Thị Trường từng khá nổi tiếng trên văn đàn với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu như “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, “Tình câm”... Bà được coi là nhà văn tiêu biểu khi viết về thân phận phụ nữ, với những góc nhìn nội tâm sâu kín. Gần đây, Trần Thị Trường còn được nhiều người biết tới với tiểu thuyết “Phố Hoài” gây xôn xao dư luận.
Trần Thị Trường từng đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1973-1978 nhưng do lúc đó hoàn cảnh rất khó khăn, bà đang học thì bỏ ngang. Do hoàn cảnh gia đình, bà bôn ba khắp nơi, sang Đông Âu làm đủ mọi nghề. Về nước, bà làm báo, viết văn và nhiều nghề khác.
Trần Thị Trường cũng được biết đến là nhà tổ chức biểu diễn mát tay, khi bà là người tổ chức hàng trăm show diễn suốt trong nam ngoài bắc cho ca sĩ Ngọc Tân vào thập niên 1990. Sau khi về hưu, bà từng là chuyên gia quyền tác giả tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và chuyên bình luận điện ảnh ở Cà phê thứ 7 với nhạc sĩ Dương Thụ.
Hai họa sĩ Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường tại triển lãm tranh “Tháng Ba”.
Sau khi con cái đã trưởng thành, kinh tế vững vàng, Trần Thị Trường mới quay lại với hội họa. Năm 2019, bà gặp họa sĩ Hải Kiên và theo học vẽ. Vừa học vừa sáng tác, chỉ sau 8 tháng, Trần Thị Trường đã có triển lãm bày 48 bức tranh tại nhà Triển lãm Ngô Quyền - một triển lãm được đánh giá là tác giả có nhiều ấn tượng về phong cách vẽ. Bà cũng là hội viên “rất mới” của Hội Mỹ thuật Việt Nam khi vừa được kết nạp hồi cuối năm 2021.
Hai người phụ nữ cùng có niềm mê say hội họa, cùng sống ở một thành phố, cùng học một thầy và chơi thân với nhau. Họ cũng tự nhận mình có chung một phong cách vẽ, đó là hiện thực pha một chút ấn tượng nhưng tranh của mỗi người lại có những bản sắc riêng. Hoạ sĩ Lê Thiếu Ngân chuyên vẽ phong cảnh và tĩnh vật.
Tranh của bà giàu nữ tính và truyền cảm, bút pháp dịu dàng và như họa sĩ Trần Thị Trường nhận xét, Lê Thiếu Ngân có lối vẽ kỹ càng, tinh tế, rất ý tứ trong việc chọn đề tài, phương pháp thể hiện nhuần nhuyễn. Còn tranh của Trần Thị Trường có nét khỏe khoắn, màu sắc mạnh mẽ, nồng nàn. Đặc biệt, Trần Thị Trường khá mạnh về mảng chân dung.
Bà có khá nhiều tranh vẽ chân dung các nhà văn, nhà thơ: Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Ngọc Thu, các nhà ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Thị Thanh Hà, ca sĩ Ngọc Tân, cellist Ngô Hoàng Quân… Nhiều người nhận xét, ở chung một triển lãm, tranh của hai người dường như bổ trợ cho nhau, hòa quyện với nhau, tôn vinh lẫn nhau.
Nói về cảm tưởng khi đến triển lãm tranh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong cho biết: “Vào phòng tranh “Tháng Ba” của hai chị Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường như vào một khoảng không gian của đời sống thật yên tĩnh, đằm sâu, để cảm nhận dịu dàng, gặp những cảm xúc yên bình sau bao nhiêu nhọc nhằn, gian khó đã từng nếm trải”.
Còn nhà văn Phạm Thu Yến chia sẻ những đánh giá của mình: “Mỗi bức tranh được hoàn thiện, lồng khung, đặt tên gọi và treo trang trọng tại căn phòng triển lãm, cho thấy một quá trình lao động miệt mài, hăng say của những nữ nghệ sĩ ngoài thất thập. Đặc biệt, những gam màu tươi sáng, những đường nét tinh tế, dịu dàng trong từng bức tranh, khiến bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận rất rõ về sự an vui và tình yêu cuộc sống tha thiết”.
Đưa hội họa đến gần hơn với công chúng
Chia sẻ về ý tưởng làm triển lãm tranh, họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho biết, sau thời gian dịch bệnh COVID-19, cả bà cũng như họa sĩ Trần Thị Trường vẽ khá nhiều. Đến đầu năm 2022, khi được họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ ý tưởng làm triển lãm tranh, bà đã bị thuyết phục. Tên triển lãm nhanh chóng được thống nhất là “Tháng Ba”. Chỉ sau gần hai tháng từ khi có ý tưởng làm triển lãm, tranh của hai bà đã được treo trang trọng tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền và nhận được những phản hồi tích cực.
Nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường bộc bạch: “Tuy tranh của tôi và Lê Thiếu Ngân đều đã được đón nhận, chúng tôi vẫn hy vọng có một triển lãm chung để chia sẻ các tác phẩm với đông đảo người xem hơn. Bên cạnh đó, triển lãm “Tháng Ba” cũng sẽ là một dấu ấn đẹp của cả hai trên chặng đường sáng tác”.
Chiều bên sông Hồng. Tranh: Trần Thị Trường
Chia sẻ thêm, họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho biết, đây là những tác phẩm được cả hai bà thực hiện sau khi đã đi qua một chặng đường dài của cuộc đời. Cả hai đều vẽ với niềm say mê hội họa, không phải vì mưu cầu “cơm áo gạo tiền” như hồi còn trẻ, bởi vậy mục tiêu quan trọng nhất của triển lãm là đưa hội họa đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, bên lề triển lãm, hai họa sĩ cũng chia sẻ vài nỗi niềm ưu tư, trăn trở. Theo nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường, hiện nay thẩm mỹ của công chúng đã được nâng lên nhiều tuy nhiên, quan niệm về giá trị của hội họa còn “đơn giản quá”. Bà Trường cho hay, hiện có tình trạng nhiều người nhà rất đẹp nhưng trên tường lại treo những tờ lịch rẻ tiền hoặc người ta có thể hài lòng khi treo những bức tranh chép hàng chợ, những bức tranh không ký tên và không có giá trị về thẩm mỹ. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân cũng đưa ra một thực tế rằng, có những đại gia sẵn sàng chi tiền chục triệu, trăm triệu mua một cái túi, một đôi giày cho vợ hay uống chai rượu cả ngàn đô, nhưng sẽ không sẵn sàng chi cho một bức tranh giá chỉ dăm bảy trăm đô.
“Một người giúp việc lao động phổ thông không bằng cấp người ta đã phải thuê với giá 500 nghìn đồng một ngày, trong khi họa sĩ chúng tôi lao động vất vả cả chục ngày để vẽ một bức tranh nhưng khi bán chỉ chục triệu thôi, nhiều người đã kêu đắt. Xem ra quan niệm về giá trị của hội họa còn đơn giản quá”, họa sĩ Trần Thị Trường nói.
Được biết, tại triển lãm “Tháng Ba” số lượng tranh bán được khá nhiều - đó chính là sự đánh giá cao của công chúng đối với tranh của hai nữ họa sĩ. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. “Tôi nghĩ tranh bán được chưa phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá nghệ thuật. Tôi muốn được trình bày khả năng của bản thân ra với cuộc đời và nghe phán xét từ cuộc đời”, họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ.
(CLO) Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không Việt Nam đến năm 2030 khoảng 443.000 tỷ đồng; được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
(CLO) Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng đặt phòng của khách châu Âu ở Mỹ đã giảm khoảng 18-20%, khiến nước này có thiể mất hàng tỷ USD doanh thu từ du lịch.
(CLO) Ngày 4/4, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường thuộc Bộ VHTT&DL. Quyết định có hiệu lực từ ngày ban hành.
(CLO) Ngày 4/4, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ tính từ đầu tháng 3/2025 đến nay, các phòng nghiệp vụ đã bắt, xử lý 4 vụ, 28 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; thu giữ 6 tầu hút cát, 5 máy xúc và nhiều tang vật có liên quan.
(CLO) Chỉ trong một ngày, 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 208 tỷ USD sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế nhập khẩu mới, kéo theo làn sóng bán tháo dữ dội trên các thị trường toàn cầu.
(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2025 về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025.
(CLO) Bộ Xây dựng vừa có thông tin trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam liên quan đến đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14H và đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn để đảm bảo an toàn giao thông.
(CLO) Để khắc phục khó khăn, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, tháo gỡ “điểm nghẽn”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị, trong thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, sắp xếp đơn vị hành chính.
(CLO) Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn, cải cách thủ tục hành chính, cái gì địa phương làm được thì phân cấp, phân quyền, nghiên cứu Nghị quyết 57 để bổ sung, hoàn thiện; tập trung vào phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật.
(CLO) Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Luật gia Việt Nam.
(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đối với hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông, hoàn thành trong tháng 4/2025.
(CLO) Chiều 4/4, tại buổi họp báo định kỳ Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, Uỷ ban này đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt với tổng số tiền 80 triệu đồng.
(CLO) TP. HCM hạn chế giao thông nhiều tuyến đường để phục vụ quá trình lắp đặt, vận hành trận địa pháo lễ phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(CLO) Toạ lạc tại phố Hàng Mắm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một quán cà phê tên Hidden Gem Coffee với không gian ấn tượng khi đồ vật bên trong đa phần là đồ cũ được tái chế, thu hút nhiều các bạn trẻ và du khách quốc tế tới tham quan, thưởng thức đồ uống. Đặc biệt, nơi đây còn được ví như "ốc đảo biệt lập giữa thủ đô".
(CLO) Logo có gam màu đỏ làm chủ đạo thể hiện nhiệt huyết cách mạng, lòng dũng cảm, kiên cường, tinh thần đoàn kết; màu xanh dương thể hiện cho hòa bình, hạnh phúc…
(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2025), sáng 4/4 tại Hà Nội, không gian nghệ thuật mang tên ông (do gia đình vận hành) cùng Gallery 39 phối hợp tổ chức triển lãm mang tên “Gốm Thiệp”, nhằm giới thiệu đến công chúng Thủ đô hơn 200 tác phẩm tranh trên gốm, lấy cảm hứng từ con người và văn chương Nguyễn Huy Thiệp.
(CLO) Ngày 3/4 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", nhằm xin ý kiến chuyên gia về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế".
(NB&CL) Với sự trọng thị thơ ca, với đức khiêm nhường và sự chân thành, Thuận Hữu luôn lảng tránh và không bao giờ nhận mình là nhà thơ khi bạn bè và các nhà thơ gọi ông là nhà thơ, cho dù ông có những bài thơ quá nhiều người thuộc như bài Những phút xao lòng.
(CLO) Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ VHTT&DL xây dựng.