“Không phải tranh của tôi !!!”
Đầu tháng 8/2018, họa sĩ Phạm Hà Hải tuyên bố trên tài khoản cá nhân của mạng xã hội facebook: “KHÔNG PHẢI TRANH CỦA TÔI !!!” và nói rõ “Nhà đấu giá Pi hiện đang có sự nhầm lẫn nếu xác định bức tranh này thuộc về Phạm Hà Hải để đưa ra đấu giá kỳ này. (Hay có họa sĩ trùng tên?)” khi nhắc đến một bức tranh được Nhà đấu giá Pi công bố chuẩn bị đấu giá.
Ngay sau đó, đại diện Nhà đấu giá Pi xác nhận bức tranh dự định mang ra đấu giá đã bị sai các thông tin chú thích về tác giả. Họa sĩ Phạm Hà Hải chấp nhận lời giải thích của Nhà đấu giá Pi. Sự việc tưởng như ồn ã nhưng được dừng lại trên mạng xã hội, trong phạm vi một số họa sĩ và những người yêu hội họa.
Sự việc với Nhà đấu giá Chọn thì khác.
Một bức tranh lụa mang tên “Con gái nhà văn Dương Thu Hương” ký tên họa sĩ Vũ Giáng Hương – Một nữ họa sĩ tài hoa, từng là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội – của nhà sưu tập Phạm Việt Phương, được Nhà đấu giá Chọn đem bức tranh này bổ sung vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15:lot 21 với mức giá khởi điểm 70 triệu đồng (3.000 USD) vào ngày 29/7/2018.
Cuộc họp báo của Nhà đấu giá Chọn ngày 5/9/2018.
Tuy nhiên bức tranh không được giao dịch và đã được trả lại cho ông Phạm Việt Phương.
Ngày 3/9/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông (tài khoản facebook Nguyễn Đông Đông) đã tăng tải lên facebook cá nhân nội dung khẳng định bức tranh lụa được đấu giá ở lot 21 phiên đấu giá số 15 tại Nhà đấu giá Chọn không phải tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh.
Họa sĩ Đông cho biết, khoảng 8 tháng trước, anh nhận lời vẽ một bức chân dung sơn dầu bé gái theo đơn đặt hàng của gia đình chị Phạm Quỳnh (Hà Nội), nhân vật trong tác phẩm là bé Bảo Khánh, con gái chị Quỳnh.
Tháng 4/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông đồng ý cho bạn Bùi Thị Hằng, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyển thể bức chân dung bé Bảo Khánh từ chất liệu sơn dầu sang lụa để làm bài tập tại trường.
Đến tháng 7/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông phát hiện bức tranh lụa do bạn Bùi Thị Hằng chuyển thể được ký tên “g Hương 95” thuộc sở hữu của Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương và nằm trong danh sách đấu giá phiên số 15 tại Nhà đấu giá Chọn.
Chiều 5/9/2018, Nhà đấu giá Chọn đã tổ chức cuộc họp báo có sự tham dự của họa sĩ Nguyễn Văn Đông và nhà sưu tập Phạm Việt Phương.
Trong khi họa sĩ Nguyễn Văn Đông trình bày một số bằng chứng thể hiện bức tranh lụa “Con gái nhà văn Dương Thu Hương” ký tên họa sĩ Giáng Hương là giả mạo; thì nhà sưu tập Phạm Việt Phương khẳng định ông mua được bức tranh này cách đây khoảng 3 năm từ một vị khách “sau vài lần qua lại cafe”. Việc liên hệ với người bán là bất khả thi bởi lẽ, chính ông Phương cũng không gặp lại người này từ... “hai năm nay”.
Trong khi đó, đơn vị đứng ra tổ chức đấu giá bức tranh là nhà đấu giá Chọn thì khẳng định mình “có trách nhiệm” trong vụ việc nhưng lại loanh quanh từ chối công khai nói về về đội ngũ thẩm định tranh và các phương pháp để xác định tính chân thực của bức tranh này.
Khi vụ việc còn ngổn ngang thì bạn Bùi Thị Hằng – người chép tranh họa sĩ Nguyễn Văn Đông sang tranh lụa – xuất hiện trước báo chí và khẳng định: Bức tranh được định giá khởi điểm 3.000 USD có ký tên họa sĩ Vũ Giáng Hương do chính tay mình vẽ. Hằng cũng cho biết, bức tranh lụa bạn vẽ được bán cho một ông già khoảng 70 tuổi mà có người gọi tên là “B.K” với giá 5 triệu đồng.
Thẩm định tranh – “gió qua miền tối sáng”
Có một câu chuyện có thật, khá thú vị về những nghệ sĩ lớn thế này. Người hâm mộ từng choáng váng với giá bảo hiểm 300 triệu USD cho… cặp mông của Jennifer Lopez hay gói bảo hiểm trị giá… 1 tỷ USD cho “đôi chân nữ thần” của Mariah Carey.
Bức tranh giả ký tên họa sĩ Giáng Hương (bên trái) và bức tranh gốc của họa sĩ Nguyễn Văn Đông.
Đương nhiên, có nhiều cơ sở để người ta tin rằng, chẳng bao giờ có chuyện J.Lo tự làm tổn hại đến cặp mông của mình để được hưởng 300 triệu USD; hay Mariah Carey tự chặt chân mình đi để lấy 1 tỷ USD bảo hiểm làm gì cả.
Việc bảo hiểm càng cao, càng chứng minh được giá trị lớn của chính những nghệ sĩ ấy.
Chuyện thẩm định tác phẩm nghệ thuật có một điểm tương tự câu chuyện trên. Những cá nhân thuộc đội ngũ thẩm định tầm cỡ thế giới ngoài việc sử dụng các công cụ kỹ thuật hỗ trợ chuyên môn, họ còn đổ nhiều mồ hôi để có được kinh nghiệm thẩm định cá nhân.
Việc thẩm định càng chuẩn xác các tác phẩm có giá trị cao bao nhiêu thì càng gia tăng uy tín cá nhân (đồng nghĩa với gia tăng về giá trị tiền bạc) của người thẩm định bấy nhiêu.
Tuy nhiên uy tín, đạo đức nghề nghiệp, danh dự cá nhân của người thẩm định thì không tiền bạc nào mua nổi.
Chuyện thẩm định tranh của Nhà đấu giá Chọn thì khác. Trong cuộc họp báo ngày 5/9/2018, Nhà đấu giá Chọn với vai trò chủ trì luôn tỏ ra “vô can” trong sự việc tranh thật – tranh giả.
Mặc dù tuyên bố về cách làm việc “chuyên nghiệp” nhưng Chọn luôn lảng tránh các câu hỏi thẳng thắn của các phóng viên. Đỉnh điểm là sự từ chối thẳng thắn việc công khai danh tính người thẩm định bức tranh của nhà sưu tập Phạm Việt Phương.
Về mặt logic tâm lý thông thường của bất kỳ một người bình thường nào, việc không công bố này dẫn đến suy nghĩ Nhà đấu giá Chọn trở nên không đáng tin cậy.
Công chúng yêu nghệ thuật và những nhà sưu tập chân chính có quyền đặt ra các nghi vấn: Hoặc không có bất kỳ một người thẩm định nào; hoặc người thẩm định cho nhà đấu giá Chọn có năng lực kém; hoặc là người thẩm định cố tình biến một bức tranh giả trở nên có giá trị. Tóm lại, hoặc Chọn là nạn nhân của một vụ sắp đặt tinh vi; hoặc cũng có thể, chính nhà đấu giá Chọn là đạo diễn cho tất cả vụ việc giả dối này.
Không phải những nhà đấu giá tên tuổi hàng trăm năm như Sotheby’s Hong Kong hay Christie’s chưa từng sai sót, nhầm lẫn, kể cả là đối với nhiều lot tranh có xuất xứ từ Việt Nam. Trong nhiều năm, ở nhiều phiên đấu giá, các bức tranh của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ “trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Nguyễn Sáng, v.v… luôn bị nghi ngờ vì các dấu hiệu không rõ ràng. Nhưng cách xử lý chân thành, tử tế, minh bạch và chuyên nghiệp khiến cho các nhà đấu giá này vẫn có giá trị và chỗ đứng trong thị trường nghệ thuật nhiều thị phi này.
Thực tế, không phải chưa từng có những bức tranh được mang ra đấu giá thành công được “âm thầm” mang trả lại vì làm giả quá tinh vi. Mới năm ngoái (2017), một bức tranh của Bùi Xuân Phái sau khi đấu thành công với số tiền hơn 12 nghìn USD đã bị trả lại vì người mua vỡ lẽ nó là giả. Người mua này đã phải ngậm đắng nuốt cay để mất tiền đặt cọc.
Đến nay, sau nhiều ngày, trước những bằng chứng mà họa sĩ Nguyễn Văn Đông công bố, cả nhà sưu tập Phạm Việt Phương, chủ nhân bức tranh lụa “Con gái nhà văn Dương Thu Hương” lẫn Nhà đấu giá Chọn vẫn lựa chọn cách im lìm để né tránh các nghi vấn của công luận.
Còn theo họa sỹ Trần Khánh Chương, đương kim Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đây là vụ việc dễ dàng nhất từ trước tới nay để truy ra ai đã làm giả bức tranh này. Ông Chương nói: “Hội Mỹ thuật Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp, là nơi tập hợp các hội viên trên cả nước trên sân chơi của nghệ thuật. Hội chỉ có thể đưa ra các hình thức xử lý đối với hội viên của mình, còn với những vụ việc nằm ngoài tầm với của hội, chúng tôi chỉ có thể lên tiếng phản bác hoặc ủng hộ. Ở vụ việc làm giả chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương, tôi đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT&DL vào cuộc, chỉ có đơn vị này mới có đủ thẩm quyền để có các hình thức xử lý thích đáng”.
Tử Hưng