(Congluan.vn) – Đầu năm, đi đâu chơi cũng thấy ăn xin ra quân rầm rộ, nghĩ mà thương doanh nghiệp trong nước, cũng đang “xin” mà chưa được “cho”.
Tiền mặt đã chạy đi đâu?Năm 2013 quả là một năm khó khăn đến độ kì lạ. Đi đâu hỏi nhau làm ăn thế nào cũng nhận được câu lắc đầu chán nản. Cuối năm, nhiều doanh nhân ngồi lại với nhau, câu đầu tiên cả bàn tiệc khẳng định: “Hôm nay nói chuyện vui thôi nhé, không bàn đến chuyện làm ăn nữa!”. Nghe mà nản lòng!
Kinh tế Việt Nam năm 2013 đang đứng ở đâu? Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 (5,3-5,4%) và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2 năm tới (khoảng 5,5% năm 2013 và 5,7-5,8% năm 2014, thấp hơn đôi chút mức tăng trưởng mục tiêu Quốc hội đề ra), thì thời điểm năm nay có thể coi là "đáy". Tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự phục hồi ở các lĩnh vực khác nhau cũng khác nhau.
Những vùng “đáy” hay “trũng” này thể hiện nhiều nhất ở hiện tượng khá lạ: Các doanh nghiệp khan hiếm tiền và thiếu tiền mặt. Cách đây 2 năm, hình ảnh một cá nhân hoặc tập thể mang 1-2 tỉ đồng “đập” ngay vào bất động sản hay bất cứ món hàng nào có giá trị và dễ sinh lời, rất dễ dàng. Thế nhưng gần đây, đặc biệt trong năm 2013, khan hiếm tiền mặt trở thành vấn đề nghiêm trọng. Câu hỏi rất khó trả lời: Tiền mặt đã chạy đâu hết rồi?
Nếu trả lời Tiền nằm ở bất động sản và chết đuối theo các dự án không bán được thì tại sao ngân hàng vẫn cho vay và vẫn có tiền quay vòng vốn? Thế nhưng, Tiền vay từ ngân hàng cũng chỉ để chi phí cho nhu cầu thường nhật của một doanh nghiệp, còn muốn phát triển, tức phải đầu tư để có lợi nhuận, thật khó!
Tự nhiên nhớ đại biểu Quốc Hội Đặng Thành Tâm, thèm được quay trở lại cái máng lợn và hãnh diện vì ngân hàng không cho vay nữa mà vẫn sống qua ngày.
Kinh doanh cái gì có lời?Trong thời kì đổi mới, nhà nhà làm kinh tế, cán bộ và viên chức nhà nước bỏ việc công để nhảy ra ngoài mở doanh nghiệp thì bây giờ những doanh nhân thành đạt lại muốn đi làm công ăn lương.
Hàng loạt doanh nhân đứng đầu các công ty lớn và nổi tiếng thành đạt bỗng nhiên bỏ đi chơi quanh năm và không nói gì đến việc kinh doanh nữa. Ngành nghề chính không sinh lợi và ngành mới cũng không mở rộng.
Thỉnh thoảng, các doanh nhân truyền tai nhau về chuyện thay đổi ngành nghề. Có ông đang buôn đất chuyển sang mở quán cafe vỉa hè 12.000 đồng/ly và hốt bạc. Có ông từ quán cafe chuyển sang kinh doanh văn phòng ảo... Nói tóm lại, các ngành nghề thay đổi có khi chẳng liên quan và cũng chẳng cần chút chuyên môn nào. Có vẻ như người ta muốn có công ăn việc làm và sợ nhàn rỗi hơn là chuyện kiếm lợi nhuận khủng và đi lên chuyên nghiệp.
Nếu trước đây gia nhập WTO từng là lối thoát mới tạo đà phát triển cho kinh tế trong nước thì gần đây Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang phát tia sáng hy vọng cho thị trường da giày, nông sản, thủy sản và một số ngành khác.
Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, tại Hội thảo “CEO và bài học đắt giá trong tiến trình phát triển Doanh nghiệp” vừa diễn ra vào đầu tháng 12/2013, phát biểu: “Tôi cho rằng kinh tế năm 2014 sẽ là năm giữ để không đổ bể, năm 2015 là năm để chúng ta ổn định và năm 2016 – 2017 kinh tế sẽ phát triển. Trong mấy năm qua, có gần 55.000 doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm tới, Doanh nghiệp nào thuộc loại hình này còn tồn tại thì sẽ không đổ bể nữa vì đã vượt qua được khó khăn và vươn lên. Nhưng sự đổ bể này có thể sẽ xảy ra với các doanh nghiệp lớn và nếu có thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì nó có thể gây nên hiệu ứng domino diện rộng”.
Nếu tính toán của ông Hưởng đúng hơn một số dự báo gần đây của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2014 kinh tế VN sẽ khởi sắc và bật dậy, chắc chắn còn nhiều sự thay đổi kinh ngạc.
Thuyết... ăn xin trong kinh tếGần đây, cư dân mạng gặp vài phen sửng sốt trước những thông tin về sự phát triển thịnh vượng của... ngành nghề ăn xin. Chuyện ở Trung Quốc có những người ăn xin mỗi ngày kiếm được 4.000 – 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 626 USD). Ở Thái Lan, một người ăn xin 63 tuổi mắc bệnh bại liệt và khó phát âm, đã quyên cúng hơn 34.000 USD cho một ngôi chùa gần thủ đô Bangkok.
Sánh vai với thế giới trong nghề ăn xin, ở VN đã có ông lão bán vé số cất trong người 25 lượng vàng, ăn xin bị lật tẩy kiếm được 30 triệu đồng mỗi tháng, ăn xin chùa Bái Đính kiếm 10 triệu đồng/ngày, ông già ăn xin dùng Iphone và những lò luyện trẻ em đi ăn xin chuyên nghiệp như tham dự... học kì quân đội.
Nhiều lần ngồi tám chuyện với các doanh nhân chuyên làm quảng cáo, họ khuyên báo chí nên học cách kinh doanh như... ăn xin. Bởi vì, khi doanh nghiệp đi xuống, cắt giảm đầu tiên được áp dụng sẽ là quảng cáo. Báo chí muốn có quảng cáo trong thời gian này, đừng có ăn chờ bong bóng thương hiệu nữa mà nên nhún nhường đi xin. Họ còn khuyên, tốt nhất tòa soạn “ép” doanh số xuống phóng viên đi xin doanh nghiệp cho nhanh?!
Thử nghiệm lời khuyên trên, năm 2013 người viết đã khuyên một số phóng viên nổi tiếng không bao giờ biết đến quảng cáo là gì nên đi... xin quảng cáo báo xuân. Kết quả, có phóng viên đã xin được vài trang một cách nhẹ nhàng, có tờ báo xuân có doanh số quảng cáo năm khó khăn cao gần gấp đôi năm thường. Chuyện xin-cho, đôi khi cũng... tuyệt vời!
Năm 2014 đã đến, ngân hàng và các doanh nghiệp đang lo lắng ăn không ngon ngủ không yên nếu áp dụng thông tư 02 Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp chắc chắn áp dụng thông tư này, tất cả (hoặc gần như số đông) đang cầm cự được sẽ đồng loạt đổ nợ xấu chỉ vì đáo hạn hay gia hạn ngân hàng không kịp. Mà doanh nghiệp “chết”, ngân hàng có sung sướng gì?!
Trong thời gian chạy nước rút gò ép nhau vào thông tư 02, bắt đầu có những phản ứng nhẹ nhàng bằng việc xin chưa áp dụng, xin từ từ triển khai.
Nghe doanh nghiệp và ngân hàng ca cẩm quá, ai chẳng có phút yếu lòng. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP.HCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình, phát biểu: “Về lâu dài không thể áp dụng mãi biện pháp tình thế và cần đi dần đến chuẩn mức quốc tế”. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ chọn giải pháp dung hòa các yêu cầu. Cụ thể sẽ xem xét lại một số quy định trong thông tư để làm sao từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhưng không gây thêm khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp. Còn thời gian áp dụng không bàn tới bàn lui nữa, cứ đúng hẹn 1/6/2014 hành động!
Đầu năm, đi đâu chơi cũng thấy ăn xin ra quân rầm rộ, nghĩ mà thương doanh nghiệp trong nước, cũng đang “xin” mà chưa được “cho”. Muốn lắm nhưng xin vài lần chứ không thể xin cả đời được!
•
Thanh Chung
Xem thêm các tin tức liên quan: