(Congluan.vn) - Không khó để nhận ra ý đồ thực sự của Bắc Kinh khi đề xuất ảo tưởng về “Con đường tơ lụa trên biển” với UNESCO như một nấc thang hy vọng nhằm từng bước củng cố những chứng cứ lịch sử lỏng lẻo về đường lưỡi bò và sự thật về chủ quyền Biển Đông.
Âm mưu mới của Trung Quốc thôn tính biển Đông
Trung Quốc trưng bày chiến thuyền của Trịnh Hòa đời Minh
Infonet.vn cho biết Trung Quốc mới đây đã nộp đơn lên UNESCO đòi công nhận “di sản khảo cổ" ở Hoàng Sa là thuộc quốc gia này.
Want China Times, một tờ tin tức của Đài Loan, hôm Chủ Nhật (14/7) đưa tin cho biết, Trung Quốc đang cố gắng đăng ký “Con đường tơ lụa hàng hải” lên UNESCO, yêu cầu để “bảo vệ địa điểm khảo cổ” của nước này bất chấp nó thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Want China Times cho biết, các con tàu bị đắm xung quanh đảo Shanhu và Jinyin, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Xisha) sẽ được khai quật trong 2 năm tới. Ông Wang Yiping, người đứng đầu cơ quan phụ trách di sản văn hóa của tỉnh Hải Nam khẳng định, các công trình xây dựng bằng đá và chạm khắc có niên đại từ triều nhà Thanh (1644-1911) đã được phát hiện trong khu vực này.
Các cổ vật này có thể đã bị chìm cùng các con tàu Trung Quốc khi trên đường di chuyển trong vùng biển.
Hình ảnh khai quật cổ vật dưới đáy biển của các nhà khảo cổ Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Wang còn nói rằng dân di cư Trung Quốc đã đến khu vực này, xây dựng đền thờ và nhà truyền thống của họ khắp các điểm đến ở Đông Nam Á. Trung Quốc đã công bố chương trình “bảo tồn di sản” ở Ganquan và Beijiao hồi đầu năm nay.
Lâu nay, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng tiến hành khai quật khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa, và quốc gia này thậm chí còn có ý định mở rộng chương trình khai quật về phía quần đảo Trường Sa.
Trường Sa và Hoàng Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, vì thế, hành động yêu cầu chứng nhận “di sản khảo cổ” ở trên hai quần đảo này là hành động thách thức của Bắc Kinh đối với Hà Nội nói riêng và các quốc gia khác có chủ quyền ở Biển Đông nói chung.
UNESCO sẽ không công nhận
"Việc Trung Quốc ngang nhiên đăng ký "con đường tơ lụa hàng hải" với UNESCO là một việc hết sức phi lý, không đời nào UNESCO lại chấp nhận việc ấy."
Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), ông Dương Danh Dy đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật sáng 15/7 về việc Trung Quốc đem Biển Đông đi đăng ký di sản văn hóa UNESCO.
Mới đây, Trung Quốc trắng trợn tìm cách đăng ký "con đường tơ lụa hàng hải" với Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) với cớ là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông để khai quật trong thời gian tới, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Trung Quốc?
Ông Dương Danh Dy - nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc).
Trước hết phải khẳng định, đây chỉ là một bước đi nhỏ trong âm mưu lớn của Trung Quốc.
Tất cả các bước đi này chỉ nhằm mục đích thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc vẽ bản đồ "đường lưỡi bò chín đoạn" chiếm đến 80% Biển Đông, rồi cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gia tăng hoạt động gây hấn với các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, và giờ đây, lại thêm việc đem Biển Đông đi đăng ký di sản văn hóa UNESCO… Việc này cũng chỉ là để ngụy tạo cơ sở pháp lý về chủ quyền của họ ở Biển Đông, để họ thực thi chủ quyền ở vùng biển này.
Trung Quốc đang trên đà phát triển những mưu mô của mình. Họ chắc chắn sẽ còn làm nữa, thậm chí làm nhiều nữa, nếu chúng ta không phản ứng mạnh mẽ.
Vậy thực chất, "con đường tơ lụa hàng hải" mà Trung Quốc đã đăng kí với UNESCO có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Con đường hàng hải trên Biển Đông con đường giao thương rất quan trọng, đứng thứ 2 trên thế giới.
Nếu nắm được đường này, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất, vậy nên đã từ rất lâu chứ không phải bây giờ, Trung Quốc luôn muốn thâu tóm được con đường này. Chỉ có điều, bây giờ họ đang trên đường “lấn tới”, thực hiện từng bước các mưu đồ của mình mà thôi.
Còn một vấn đề nữa, cho rằng các vật liệu xây dựng bằng đá và chạm khắc niên đại nhà Thanh được phát hiện ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã ngang nhiên cho khai quật khảo cổ tại đây. Và có khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng cớ này để mở rộng hoạt động xuống quần đảo Trường Sa. Điều này nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
Nếu Trung Quốc mở rộng hoạt động khai quật xuống Trường Sa thì sẽ rất nguy hiểm, vì ở Trường Sa Trung Quốc không có bất cứ thứ gì.
Mục tiêu chiếm Hoàng Sa xong, Trung Quốc sẽ “lăm le” xâm chiếm Trường Sa của chúng ta, vì vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải tìm cách vạch trần ngay hành động, âm mưu này của Trung Quốc.
Theo nhận định của ông, liệu có khả năng UNESCO sẽ xem xét và công nhận di sản theo yêu cầu của Trung Quốc?
Việc Trung Quốc ngang nhiên đăng ký con đường tơ lụa hàng hải với UNESCO là một việc hết sức phi lý, tôi nghĩ không đời nào UNESCO lại chấp nhận việc ấy.
Để ngăn chặn các hành vi mưu mô, đầy tính toán của Trung Quốc, Việt Nam cần làm gì ngay lúc này?
Chúng ta nhất định phải mạnh lên. Phải mạnh về kinh tế, quân sự và mạnh trên tất cả các mặt.
Chúng ta cũng phải làm sao để vạch trần được âm mưu này của Trung Quốc để cho dư luận thế giới thấy rõ bộ mặt thật của nước này.
Như trong trường hợp Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã làm, đã đấu tranh rất tốt, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận quốc tế.
Trong bài viết đã đăng trên tạp chí “Prospect” của Anh hôm 10/7 vừa qua, tác giả Bill Hayton đã mở đầu: “Cả nước Trung Quốc đã bị tuyên truyền một cách rất sai trái rằng người Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên các đảo ở Biển Đông”.
Theo Bill Hayton, Biển Đông là nơi Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh những tham vọng bá quyền của mình trong bối cảnh các nước châu Á đang hoang mang trước “sức mạnh Mỹ” và cam kết của Mỹ đối với những đồng minh trong khu vực.
Gốc gác của tất cả các rắc rối này là những gì Bắc Kinh gọi là "bằng chứng lịch sử không thể chối cãi" mà họ dùng để đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông thông qua đường 9 đoạn (đường lưỡi bò).
Vấn đề quan trọng hơn là Bắc Kinh đã không hề có “bằng chứng đáng tin cậy” để hỗ trợ nó ngoài việc bịa ra những thứ rất “tầm phào và mơ hồ”. Tuy nhiên, điều này vẫn là động lực để họ đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Á.